Bạn sẽ không thể không cười ra nước mắt với những câu chuyện của các mẹ trong “hội có con biếng ăn”.

Mẹ bế con đi ăn chực

Chị Nga ở thành phố Hải Dương có một bé trai 27 tháng tuổi. Mọi người trong ngõ nhà chị đã quen với cảnh ngày ngày chị Nga bế con đi… ăn chực. Chẳng phải nhà chị khó khăn gì mà chỉ vì con chị không hứng thú với các món ăn mẹ nấu.

Chị tâm sự: “Không hiểu sao mình nấu gì con cũng không thích ăn nhưng lại luôn hào hứng với các món ăn của nhà hàng xóm. Hôm nào không sang nhà hàng xóm ăn chực là con bỏ ăn luôn. Ở nhà, một mẹ một con thì không thể nào ép con ăn được. Biết là cứ bế con đi xin ăn thế này rất mất lịch sự nhưng để ở nhà sợ con chết đói mất thôi”.

Thế là ngày ngày, cứ đến giờ ăn, chị Nga cho con bưng bát đi chơi, ghé nhà hàng xóm xin mỗi người vài miếng. Đa số mọi người trong xóm thương thằng bé, sẵn sàng cho bé ăn ké nhưng không phải ai cũng vui vẻ với “vị khách không mời”.

{keywords}

Nhiều bố mẹ đau đầu vì trẻ biếng ăn (ảnh minh họa)

Con ăn, bố diễn xiếc

Cùng cảnh có con lười ăn, vợ chồng chị Mai ở Hà Nội phải dùng chiêu thức “diễn xiếc” để dỗ dành đứa con trai hơn 2 tuổi chịu ăn cơm. Chị Mai tâm sự: “Con mình chỉ chịu ăn khi có việc gì “kích thích”. Bố nó ngày nào cũng phải diễn trò để tạo động lực ăn uống cho con”.

Trong bữa ăn của con, khi thì chồng chị Mai phải mặc quần áo siêu nhân nhào lộn, khi thì đeo mặt nạ múa gậy Tôn Ngộ Không, khi thì mang bóng ra tung hứng.

Đặc biệt, màn leo cây mua vui cho con của chồng chị khiến cả xóm cười ra nước mắt. Chẳng là để ép con ăn, chồng chị leo lên một cái cây khá cao, chị đứng dưới bưng bát cơm rồi dọa con: “Con không chịu ăn là bố không xuống đâu. Bố ở trên cây, không chơi với Bin nữa”. 

Thằng bé thấy vậy thì miễn cưỡng há miệng ăn một miếng cơm. Con ăn được một miếng thì bố lại tụt xuống thơm má một cái, xong lại trèo lên. Đến khi con ăn được lưng bát cơm thì chồng chị Mai cũng mệt bở hơi tai vì leo trèo quá sức.

Mỗi bữa ăn một trò chơi

Chị Hoa ở Hưng Yên có con gái là bé Sóc 17 tháng tuổi. Cứ đến giờ cho con ăn là chị Hoa phải huy động nhân lực để vui chơi cùng bé. Chị Hoa kể: “Sóc lười ăn kinh khủng. 

Chẳng bao giờ con chịu ăn tự nguyện, vui vẻ nên bữa nào cả nhà cũng phải bày trò để con vừa ăn vừa chơi, tranh thủ lúc con mải chơi, mải cười mẹ chớp thời cơ đút ngay một miếng. Mà trẻ con nhanh chán, trò chơi hôm nay phải khác hôm qua, thành thử với mình mỗi bữa cho con ăn là một sự sáng tạo”.

Những trò chơi chị Hoa sáng tạo ra để để dỗ dành con ăn chắc nhiều bố mẹ chưa bao giờ nghe tới: Bắt cá trong chậu, ăn thi với mèo, cho gà ăn thóc, xé giấy, tung hoa, ném bóng bay nước,…

Bé Sóc đặc biệt thích ngồi xe máy đi chơi nên hôm nào con không chịu ngồi một chỗ để ăn, chán mọi trò chơi thì chồng chị đành lấy xe máy chở chị ôm con bưng bát cháo ngồi sau, cứ dừng đèn đỏ thì chị đút cho con một miếng. 

“Biết là cho con ăn kiểu này là không tốt nhưng để con nhịn đói không đành. Mình từng áp dụng mọi biện pháp sách vở mà chẳng có tác dụng gì” - chị Hoa thở dài ngao ngán.

{keywords}

Cho con "vừa ăn vừa chơi" là sai lầm của nhiều bố mẹ (ảnh minh họa)

Những nỗ lực phản tác dụng

Dù bố mẹ tìm mọi cách để ép con ăn nhưng các bé con chị Nga, chị Mai, chị Hoa đều trong tình trạng đe dọa suy dinh dưỡng. Tình trạng biếng ăn của con kéo dài khiến bố mẹ các bé vô cùng mệt mỏi và cảm thấy bế tắc trong việc tăng cân cho con.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ, cần phải tìm ra nguyên nhân thật sự khiến trẻ lười ăn và tập cho con thói quen ăn uống khoa học. Theo đó, các bố mẹ không nên cho con “vừa ăn vừa chơi” hay ép buộc con ăn vì sẽ khiến trẻ ham chơi, không hứng thú với đồ ăn và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ sau này.

Việc bố mẹ dùng “khổ nhục kế” để ép con ăn đã vô tình tạo cho trẻ những thói quen không tốt. Và để thay đổi điều này, các bố mẹ phải kiên nhẫn sửa sai. Khi thấy con có tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng, điều tốt nhất bố mẹ nên làm là đưa trẻ đi khám và nghe theo lời khuyên của các chuyên gia.

(Theo Dân Việt)