Từ Tuyên Quang, Yên Bái đến Cao Bằng đều có những nông dân giàu lên nhờ trồng rừng bền vững. Sự liên kết giữa người dân, chính quyền, doanh nghiệp  và cả nhà khoa học đã mang tới những cơ hội thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Cải thiện sinh kế nhờ trồng rừng FSC

Ông Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang trồng rừng FSC.

Chứng nhận bảo vệ rừng FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).

Ông Sơn cho biết, cách đây 4 năm, nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty cổ phần Woodsland Việt Nam triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân trên địa bàn. Đến năm 2016, mô hình được đánh giá lần đầu tiên, cánh rừng 9 năm tuổi với diện tích 7 ha của gia đình trong tổng số 181,37 ha rừng của xã đã được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm (2016 - 2020). Mỗi ha rừng được cấp chứng chỉ FSC thu hoạch bán có giá trên 180 triệu đồng đến 190 triệu đồng, gấp hơn 2 lần rừng trồng thường. Năm 2017, ông khai thác 7 ha rừng được trên 1 tỷ đồng.

{keywords}
 

Khai thác 3 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, ông Thêm, một người dân khác của thôn Mỹ Lộc ước tính chỉ bán được trên dưới 400 triệu đồng. Nhưng khi thanh toán ông nhận về 600 triệu đồng. Giá trị rừng được nâng lên, nên ngay sau đó, ông Thêm đã tái đầu tư để trồng lại rừng theo đúng tiêu chuẩn.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, trong tổng số 390 hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ FSC, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ rừng. Tính trung bình mỗi năm trồng rừng FSC hộ nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha, khá cao so với trồng các loại cây khác.

Tại Yên Bái, việc trồng rừng theo mô hình FSC cũng đang đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Hùng Anh - Thôn Đồng Tâm, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình tiết lộ gỗ đạt chuẩn FSC đem lại cho ông thu nhập cao hơn từ 10-15% so với trước.

“Gia đình tôi có 5 ha rừng tham gia cấp chứng chỉ FSC. Đến nay, có 2 ha đã được khai thác và hưởng hỗ trợ của FSC, còn 3 ha đang trong giai đoạn chăm sóc. Trong đó, quá trình chăm sóc chúng tôi không được sử dụng thuốc diệt cỏ, không được đốt thực bì, phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng”, ông cho biết.

Giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mô hình trồng rừng FSC đang được nhân rộng tại huyện Yên Bình, Yến Bái. Chỉ trong 3 năm, đã có 1.700 ha cây keo trên địa bàn 5 xã được nhận chứng chỉ này. Đến hết 2018, theo kế hoạch, Yên Bình sẽ có 2.380 ha diện tích rừng FSC

Ứng dụng công nghệ quản trị rừng

Không chỉ là trồng rừng bền vững, người dân Cao Bằng còn được mời tham gia dự án: “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam”.

Dự án do Bộ Ngoại Giao Phần Lan và ActionAid Việt Nam hỗ trợ vốn và triển khai thực hiện từ 11/2014 - 10/2018 đã tạo ra một không gian mở và tương tác cho người dân cấp cơ sở, giúp họ có cơ hội tham gia vào hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp quốc gia, qua đó cải thiện công tác quản trị rừng và góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo ở các vùng địa bàn khó khăn.

Ông Nông Văn Đông, Phó Ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông (Cao Bằng) cho biết, dự án được triển khai trên địa bàn 5 xã tại huyện Thông Nông bắt đầu từ năm 2017 với tổng diện tích dự kiến là 30 ha với hai loại mô hình: trồng rừng trên đất cộng đồng do xã quản lý và trồng rừng trên đất hộ gia đình với 4 loài cây: keo tai tượng, thông mã vỹ, sa mộc, lát hoa. Mô hình được triển khai ở địa hình đồi núi đất và đồi núi đá lẫn đất. Tính đến nay, đã có 610 hộ tham gia vào các mô hình sinh kế dựa vào rừng, tương đương khoảng 3.110 người hưởng lợi trực tiếp từ cánh rừng trồng trong mô hình. 

Bên cạnh đó, mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững dựa vào rừng đã được triển khai từ đầu năm 2018 với việc hỗ trợ 5,75ha gừng hữu cơ cho 59 hộ tại các xã Cần Yên, Lương Thông, Lương Can và Đa Thông. Trong đó có 0,5ha trồng gừng hữu cơ xen dưới tán rừng và 5,25ha trồng gừng trên đất bồn địa.

Tham gia vào dự án này, người dân được chính quyền hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đồng thời được quản lý được thời gian, cách chăm sóc, thời gian thu hoạch và cùng chia sẻ với các hộ khác qua mạng thông tin FORMIS.

Để người dân trực tiếp được tiếp cận sử dụng công nghệ vào việc quản lý rừng được giao, anh Nguyễn Trung Thành cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) cho biết dự án thực hiện hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân, đồng thời hướng dẫn tập huấn cách cài đặt phần mềm và ứng dụng công nghệ để tra cứu thông tin về diện tích và vị trí rừng được giao trong quản lý mô hình sinh kế. 

Đánh giá về hiệu quả của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào mô hình sinh kế quản trị rừng, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông cho rằng qua 3 năm thực hiện dự án, nhận thức của người dân về sinh kế từ rừng đã được cải thiện, tạo ra những tác động rất tích cực cho công tác quản lý rừng và thực  hiện các sinh kế từ rừng để triển khai các mô hình tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

D.Minh - Ngọc Trâm (tổng hợp)