Sau đây là 11 kỹ năng mềm dù rất khó để đạt được, nhưng khi đã nắm bắt tường tận, bạn sẽ chẳng mấy khi gặp khó khăn trong công việc.

Phải thừa nhận một điều rằng những kiến thức học được trên ghế nhà trường chỉ đóng góp một phần nhỏ trên con đường sự nghiệp của bạn sau này. Thực tế, muốn công việc trôi chảy và đạt hiệu quả cao, cần phải trang bị những kỹ năng mềm quan trọng khác nữa. Sau đây là 11 kỹ năng mềm dù rất khó để đạt được, nhưng khi đã nắm bắt tường tận, bạn sẽ chẳng mấy khi gặp khó khăn trong công việc.

1. Kỹ năng điều khiển giấc ngủ

Bạn có biết tại sao những người thành công ngủ ít nhưng vẫn có thể tập trung làm việc hiệu quả không? Đó là vì họ học được kỹ năng điều khiển giấc ngủ của mình. Không cần ngủ quá nhiều, nhưng khi đã đặt lưng thì ngủ rất say và sâu. Để bước đầu nắm bắt được kỹ năng này, bạn hãy tuân thủ giờ ngủ, giờ thức giấc. Ví dụ đặt ra kế hoạch ngủ lúc 11 giờ và thức giấc lúc 5 giờ sáng.

2. Kỹ năng thông cảm

Bạn có thể là người chỉn chu, kỷ luật, thông minh nhưng nếu bạn không biết cảm thông, chia sẻ với người khác, giá trị của bạn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Sự cảm thông, chia sẻ là khả năng cảm nhận được những gì người khác đang cảm nhận, nó là yếu tố quan trọng nếu muốn đem đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Sự đồng cảm cũng giúp lên dây cót tinh thân cho nhân viên, truyền cảm hứng làm việc hăng say hơn cho họ.

{keywords}
Ảnh minh họa

3. Kỹ năng quản lý thời gian

Chỉ có những nhân viên cấp cao mới có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Một ngày chỉ có 24 tiếng, làm sao để quản lý, phân bổ, sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất cho công việc của mình. Điều này không phải ai cũng làm được.

4. Kỹ năng xin sự hỗ trợ từ người khác

Có nhiều chủ doanh nghiệp nói như thế này với ứng viên trong cuộc phỏng vấn: “Bạn sẽ không thể làm được công việc này nếu không có kỹ năng nhờ người khác giúp đỡ”. Như vậy đủ hiểu doanh nghiệp coi trọng kỹ năng này đến thế nào, đặc biệt với những công việc cần sự hỗ trợ, hợp tác giữa các nhóm.

5. Sự kiên trì

Kiên trì là chìa khóa mở mọi cánh cửa thành công. Dù bạn có là nhân viên mới, nhân viên lâu năm hay nhân viên cấp cao cũng cần đến kỹ năng này.

6. Suy nghĩ lạc quan về bản thân

Những gì người khác đánh giá, suy nghĩ về bạn không quan trọng bằng cách bạn tự nhìn nhận mình như thế nào. Đừng tự ti về những khiếm khuyết của mình, bạn có thể thay đổi được. Hãy vui và hạnh phúc vì những ưu điểm mà chẳng ai có. Suy nghĩ lạc quan về bản thân cũng là một kỹ năng giúp bạn luôn tìm được niềm hứng khởi trong công việc. Và khi đấy, làm việc gì cũng sẽ thành công.

7. Biết kiềm chế cảm xúc

Trong công việc bạn sẽ tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp có tính cách, lập trường khác nhau. Việc xung đột cũng có thể xảy ra. Tức giận thì rất dễ nhưng kiềm chế cơn giận mới là khó. Kiềm chế cảm xúc của mình, biết khi nào nên dừng lại là một kỹ năng cực kỳ khó, nhưng nếu tham vọng, bạn vẫn học được.

8. Biết lắng nghe

Người biết lắng nghe là người kiên nhẫn và có thể xử lý, thu thập thông tin tốt. Ngoài ra đây cũng là kỹ năng giao tiếp cực kỳ hiệu quả. Khi lắng nghe người khác nói, bạn có thể phản hồi bằng cách nhắc lại thông tin vừa nghe. Điều này giúp người kia có cảm giác được tôn trọng và tin rằng bạn đang lắng nghe thực sự, chứ không giả dối.

9. Kỹ năng không xen vào chuyện riêng của người khác

Đây là kỹ năng khó nhất trong tất cả những kỹ năng, bởi chúng ta vốn có thói quen tò mò, tọc mạch về chuyện của người khác. Hãy dần dần thay đổi bằng cách quan tâm đến cuộc sống của mình, chú tâm vào làm việc và hạn chế đưa chuyện nhé.

10. Hạn chế “ngồi lê đôi mách”

Hạn chế “ngồi lê đôi mách” là kỹ năng quan trọng giúp bạn duy trì mối quan hệ tốt nơi công sở. Hãy tập trung vào công việc, đánh giá đồng nghiệp cũng trên quan điểm công việc chứ không phải cá nhân.

11. Kỹ năng điều khiển suy nghĩ

Để thực hiện những điều mình muốn làm và đạt được mục tiêu đề ra, bạn cần điều khiển suy nghĩ của mình. Đây là kỹ năng suy nghĩ, sắp xếp ý tưởng logic, hợp lý.

(Theo Emdep)