- “Ôi dời, đi theo làm tàng thế thôi chứ làm được gì đâu, con gái mà đi rừng thì biết rồi đấy”, anh kiểm lâm cười hô hố nói.

LTS: Bảo tồn động vật hoang dã là công việc vất vả ngay cả với những người đàn ông sức dài vai rộng. Vì thế mà những người phụ nữ chọn công việc này thường bị nhìn với ánh mắt ngờ vực, thiếu thiện cảm.

Chia sẻ của nhà bảo tồn trẻ Nguyễn Trang, người sáng lập tổ chức phi chính phủ hành động vì động vật hoang dã WildAct, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về công việc và nỗi lòng của những người phụ nữ làm bảo tồn. 

Nguyễn Trang sinh năm 1990, tham gia công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam từ năm 15 tuổi. Hiện cô đang làm tiến sĩ về tình trạng sử dụng và buôn bán động - thực vật hoang dã trái phép ở Nam Phi.

Dưới đây là bài chia sẻ của Nguyễn Trang:

"Thế....em làm nghề gì"? - Người đặt ra câu hỏi này rướn người về phía tôi, nhìn một cách dò xét.

"Ưmn" - tôi cảm thấy không thoải mái với ánh nhìn của anh ta, và tôi cũng phát ngán với phản ứng của nhiều người khi nghe câu trả lời của mình - "Thực ra tôi là nhà bảo tồn động vật hoang dã".

"Bảo tồn? bảo tồn cái gì"? - Anh ta nheo mày, cố rướn thêm về phía trước để nghe rõ hơn, khuôn mặt anh ta lộ vẻ tò mò.

"Động vật" - "hoang dã" - Tôi nói lại, nhấn mạnh từng chữ.

"À...súc vật, chó mèo lợn gà".

"Không, Động - Vật - Hoang - Dã... Khỉ, Gấu, Voi, Tê giác... Ở trong rừng ấy" - Tôi thở hắt ra, quả thật tôi không được kiên nhẫn cho lắm với những cuộc hội thoại kiểu này.

"Nhưng trông em không giống người làm bảo tồn" - anh ta lại ném cho tôi cái nhìn nửa dò xét, nửa nghi ngờ.

"Thế người làm bảo tồn trông phải như thế nào"? Tôi hỏi lại, cố gắng kiềm chế sự khó chịu trong lòng.

"Ý là, trông cao to, vạm vỡ, hoang dại tí".

Đến lúc này thì tôi hoàn toàn không đủ kiên nhẫn để nói chuyện với người này nữa, bởi vì ý của anh ta, ý của rất nhiều, rất nhiều người, của cả đàn ông hay phụ nữ, người trẻ hay người già mà tôi từng gặp, ý của họ là, những người làm bảo tồn "nên là đàn ông hơn là phụ nữ".

{keywords}
Nguyễn Trang là người sáng lập tổ chức phi chính phủ hành động vì động vật hoang dã WildAct.

Lúc còn nhỏ, khi tôi bắt đầu nhen nhúm ước mơ về một ngành nghề cho tương lai, ngành bảo tồn động vật hoang dã là điều đầu tiên hiện ra trong trí não. Ngay cả khi ấy, tôi biết đó không phải là ngành "nữ tính" cho lắm, nhất là đối với những người ưa đi thực địa và chọn gắn mình với khoa học, nghiên cứu và dành phần lớn thời gian để đi thực địa như tôi. 

Tôi yêu động vật, tôi yêu rừng cây, tôi yêu không gian hoang dã, tôi chọn học ngành bảo tồn động vật hoang dã, và chọn gắn liền cuộc đời của mình với ngành này. Tôi biết tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chướng ngại, nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng làm một nữ bảo tồn lại có nhiều rắc rối, và nhiều điều khó chịu xảy ra đến vậy.

Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này. Vài năm trước đây tôi có tham gia một dự án đặt bẫy máy ảnh ở khu vực rừng núi khá hiểm trở. Núi rất cao và đường đi quả thật rất khó.

Có những hôm, mất nguyên cả một ngày một nhóm ba người chúng tôi, gồm có tôi, và hai người kiểm lâm nữa cũng chỉ có thể đi được khoảng 3 - 5 cây số, vì phải vừa đi vừa dò đường, phát bớt bụi rậm. Vì thời gian ngắn và phải vào rừng rất sâu, chúng tôi phải đi theo kiểu "cuốn chiếu". 

Tức là mang tất cả hành lý, võng ngủ, đi từ sáng sớm đến chiều muộn thì tìm chỗ nghỉ luôn trong rừng, sáng hôm sau lại đi tiếp. Cả hai kiểm lâm cùng làm việc với tôi, mặc dù đóng địa bàn ở khu vực đó, nhưng họ chưa bao giờ đi sâu vào rừng đến như vậy.

Bản thân họ cũng không thực sự rành cách sử dụng la bàn, hay sử dụng máy định vị GPS (mặc dù phải nói thêm rằng nhiều khi vào rừng sâu, GPS cũng không bắt được tín hiệu). Tuy vậy nhưng....

- "Theo bản đồ thì mình phải đi theo hướng Đông Bắc, tức là hướng này chú ạ" - Tôi vừa nói, vừa khoát tay về phía trước.

- "Đâu" - chú kiểm lâm vừa nói, vừa giựt tấm bản đồ khỏi tay tôi rồi lắc đầu - "Phải đi hướng này" - chú ấy hất đầu về phía ngược lại.

- "Nhưng trong bản đồ...."

- "Con gái thì biết cái gì! Tôi bảo cô là đi hướng này, cô cứ theo tôi thì sẽ không lạc"

Anh kiểm lâm trẻ hơn bắt đầu cười hinh hích phụ họa: "Mấy đứa con gái thích đi rừng... thôi đừng có lo, rừng này chú đây đi nhiều rồi, rõ như lòng bàn tay. Cứ theo đi".

Và ngày hôm đó, chúng tôi đi lạc. Đó là lần đầu tiên, tôi đi lạc ở rừng.

Câu nói đó cứ vang vọng mãi trong đầu tôi.... "Bọn con gái sinh ra ở thành phố thì biết cái gì mà đòi đi rừng?"....

Đó không phải là lần đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng tôi nghe câu nói đó. "Đàn bà thì biết gì mà đi rừng?". Cũng có một lần, khi đi làm dự án, một chú giám đốc vườn quốc gia hỏi tôi:

"Gái trẻ như cháu làm gì ở trong rừng" ?

"Ý chú là gì, thưa chú" - tôi cố tỏ ra lịch sự, dù máu nóng đang sôi lên trong người"

"Cháu nên ở nhà, ở thành phố ấy. Da cháy sạm hết vào thì lấy chồng làm sao được".

À ra thế, một người phụ nữ thì chỉ nên ở nhà, ở thành phố, làm vài công việc văn phòng, lấy chồng, sinh con, thế là hết. Một người phụ nữ, thì phải ngoan ngoãn, tóc phải dài, da phải trắng.

Đôi khi tôi muốn hét lên rằng, màu da chẳng nói lên được điều gì về một người phụ nữ. Và đối với tôi, ước mơ, tình yêu nghề còn quan trọng hơn màu da gấp nhiều lần.

Nhưng tôi thường cười với họ và nói đùa về hổ và thú trong rừng, và rằng chúng chẳng thèm quan tâm da tôi màu gì.

{keywords}
 
Làm bảo tồn vất vả, phụ nữ làm bảo tồn càng vất vả hơn bởi họ đối mặt với nhiều áp lực, như việc là nữ giới duy nhất đi vào rừng cùng cánh đàn ông

Có một lần, tôi đi cùng một anh kiểm lâm vào làng để mua gạo. Một người phụ nữ trong làng đã thốt lên ngạc nhiên:

"Ôi... con gái mà cũng đi rừng cơ à".

Sau khi nghe câu cảm thán đó của chị, nhiều người đàn ông khác trong làng liền xúm lại hỏi chuyện và tò mò nhìn tôi. Tôi - trong phút chốc, cảm giác như mình là một con thú lạ bị nhốt trong lồng để tất cả mọi người đến xem. "Con gái vào rừng làm gì?" "con gái vào rừng thì làm được gì?" "có leo được núi không?" "Có lội được sông không?" "Nhìn gày gò thế này thì làm được gì?"....

Rồi anh kiểm lâm cười ha hả "Ôi dời, đi theo làm tàng thế thôi chứ làm được gì đâu, con gái mà đi rừng thì biết rồi đấy".

Tôi không biết ý của anh ta là biết cái gì. Nhưng có một điều tôi biết, và biết rất rõ. Đó là rất nhiều người trong số chúng ta tự hào vì là phụ nữ, chúng ta không muốn phải trông giống như đàn ông để làm một việc gì đó, cũng chẳng muốn trông giống những cô người mẫu trên ti vi để được khen được chiều. 

Chúng ta không muốn tất cả những người đàn ông chúng ta gặp trong cuộc sống này vẽ lên những trái tim màu hồng xung quanh chúng ta, rồi đưa chúng ta vào một cái hộp định nghĩa nào đó của họ. Nếu trông tôi gày gò mảnh mai, điều đó không có nghĩa là tôi không thể đi thực địa, không thể sống trong rừng. Và tôi biết chắc chắn, không phải cứ là đàn ông thì có thể đi thực địa, có thể ở trong rừng.

Nếu có người nói với tôi rằng "Trông cậu không giống...." thì tôi có thể trả lời rằng "Bởi vì tôi là tôi. Tôi không giống ai khác". Và chẳng có cái định nghĩa nào về việc làm bảo tồn thì phải trông giống bất kỳ ai cả.

Những cánh rừng chẳng quan tâm tôi là nam hay nữ, béo hay gầy, da sạm nắng hay da trắng. Cánh rừng không đánh giá bạn là người thế nào qua vẻ bề ngoài của bạn, nó nhìn bạn bằng đôi mắt xanh thẳm, và đánh giá bạn bằng hành động của bạn, bằng cách bạn sống và điều bạn làm.

{keywords}
 
Tôi thích ở trong rừng. Vì rừng và động vật không phân biệt đối xử giữa phụ nữ và đàn ông.

Và đừng nói với tôi rằng phụ nữ không nên đi rừng. Bởi vì tôi có thể kể ra hàng tá những người phụ nữ tuyệt vời làm bảo tồn mà tôi từng đọc, từng gặp, và từng được trò chuyện. Họ làm được những điều mà ngay cả đàn ông có lẽ cũng thấy khó khăn.

Nguyễn Trang

(còn tiếp)