Những phế phẩm hay còn gọi là ‘rác’ nông nghiệp tưởng chừng chỉ có thể vứt đi lại có thể trở thành những mặt hàng xuất khẩu giá trị đem lại lợi nhuận cao cho người dân và doanh nghiệp.

Tái chế ‘rác’ nông nghiệp, ung dung thu bạc tỷ

Từ phụ phẩm bong bóng cá, ông Trần Văn Ngây, chủ cơ sở Ngây ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã sản xuất bong bóng cá phơi khô, xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan. Theo tiết lộ của ông Ngây, trong năm 2017, cơ sở của ông đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, trừ hết các chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng.

{keywords}
 

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ sở chế biến bong bóng cá của gia đình ông còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương (lúc cao điểm lên tới 30 người). Hầu hết người làm công đều được tính thù lao theo sản phẩm với giá 6.000 đ/kg bong bóng tươi. Một người làm giỏi mỗi ngày có thể hơn 20kg. Ngoài ra ông còn đóng góp cho địa phương xây cất nhà tình thương và các hoạt động xã hội khác.

Cũng tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp, gia đình anh Nguyễn Huy Hưng (Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên) lãi từ 400-600 triệu đồng mỗi năm xuất khẩu viên nén mùn cưa (một loại chất đốt). Anh Hưng cho biết, viên nén mùn cưa sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, tận thu phế phẩm như vỏ bào, vỏ trấu, vỏ lạc, thậm chí vỏ dừa... So với các loại chất đốt như than đá, dầu… thì viên nén mùn cưa có khả năng cung cấp nhiệt lượng lớn và ổn định, trung bình từ 4400 - 4600 kcal/kg, hoàn toàn có thể thay thế than đá để phục vụ trong công nghiệp nhẹ, nhà máy sản xuất, nhà máy dệt may… Viên nén mùn cưa là chất đốt mang lại hiệu quả kinh tế, thân thiện với môi trường.

Hiện mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh xuất xưởng khoảng hơn 100 tấn viên nén mùn cưa, không chỉ cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp tại địa phương, mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…

Cơ hội biến tiềm năng thành lợi thế

Ông chủ một công ty chuyên xuất khẩu phụ phẩm nông nghiệp qua chế biến cho biết: Có rất, rất nhiều loại “rác” nông sản ở Việt Nam có thể trở thành những sản phẩm xuất khẩu cho lợi nhuận cao. Đó có thể là vỏ càphê, cacao, vỏ hạt điều, các loại trái cây, lõi ngô, rơm rạ… Những thứ này, hàng năm các nhà máy thải ra khối lượng khổng lồ, nếu không làm nguyên liệu thức ăn, có thể biến chúng thành thành phần hữu cơ có giá trị xuất khẩu cao.

“Sở dĩ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuộng nhập lõi ngô (bắp) để làm giá thể trồng các loại nấm sạch; người Arập, Kuwait, Iraq… chuộng bã mì, rỉ mật, bã mía… từ Việt Nam, mà không phải nguồn hàng từ Hoa Kỳ hay một số nước phát triển, vì họ biết chúng chưa bị ảnh hưởng bởi các nguồn giống biến đổi gen (GMO). Sản lượng rác nông sản ở Việt Nam phong phú, số lượng nhiều, chế biến dạng ép viên dễ vận chuyển… cũng là lợi thế cho các nhà nhập khẩu tìm đến”, đại diện doanh nghiệp này lí giải.

{keywords}
 

Thực tế, Việt Nam không chỉ có nhiều cá nhân thành công trong tái chế phụ phẩm nông nghiệp như ông Ngây, anh Hưng mà đã có rất nhiều doanh nghiệp, HTX ‘bắt sóng thị trường và thành công trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn như Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) đã ký hợp đồng với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (JBIX) về dự án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu số lượng lớn từ miền Tây sang Nhật Bản. Hay công ty TNHH Hà Bình Minh ở Ninh Bình, công ty Trại Việt ở TP.HCM, công ty Kim Nghĩa ở Long An… cũng là những doanh nghiệp thu cả ngàn USD cho lượng phụ phẩm xuất khẩu mỗi tháng.

Các chuyên gia cho rằng: cho ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu “rác” nông nghiệp dù không mới nhưng dư địa vẫn còn rất lớn, rất tiềm năng. Tuy nhiên, giống như yếu kém chung của các ngành nghề khác: chúng ta vẫn sản xuất manh mún nên không thể có nguồn nguyên liệu lớn để chủ động sản xuất. Chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng sản phẩm không cao. Chỉ khi giải quyết được các rào cản này, tiềm năng mới biến thành lợi thế, đóng góp chung vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nước ta.

D. Minh - Bích Thủy (tổng hợp)