- Cô “bắt” con trai và con dâu phải theo ý mình thì khác nào gây “khó xử” cho các con. Vì đối với con trai cô, bố mẹ vợ cũng là bố mẹ, chưa nói đối với con dâu, họ cũng phải có trách nhiệm quan tâm, báo hiếu chứ…


Sau khi đọc bài báo “Tâm sự đắng lòng của bà mẹ chồng mất Tết vì con dâu” của tác giả Phạm Thị Nhài (Hoàng Mai, Hà Nội), tôi băn khoăn rất nhiều. Tôi nghĩ cần phải có vài ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề có tính “nan giải” này, vì nó cũng là những “va chạm” rất thực tế của cuộc sống hôn nhân, gia đình hiện nay.

Đây thực sự là vấn đề phức tạp không dễ gì giải quyết được một cách rõ ràng, thấu đáo nếu như mỗi bên không có sự bao dung, độ lượng. Nội dung bài báo trình bày xung quanh ý kiến của một người mẹ chồng (giáo viên dạy văn) có phần “bức xúc” vì cách ứng xử thiếu “ý tứ” của người con dâu và trách con trai “bất hiếu” không nghĩ đến cha mẹ mình trong những ngày tết đến, xuân về. Tác giả bài báo cũng đã “lật đi”, “lật lại” nhiều khía cạnh của vấn đề, đặt vào các cương vị như: trong vai trò nhà ngoại, đã có con gái đi làm dâu,… để “bảo vệ” cho quan điểm của mình.

Trước hết cần phải khẳng định rằng, không có một “quy chuẩn” rõ ràng nào cho vấn đề ăn Tết ở nhà nội hay ở nhà ngoại để mọi người vin vào đó “biện minh” cho quan điểm cá nhân của mình. Tất cả cũng chỉ dựa theo quan niệm, cách nghĩ của từng thời, lối sống của từng thế hệ mà thôi. Thế nên, việc khác nhau về quan niệm, cách nghĩ, cách sống dẫn tới nảy sinh những “mâu thuẫn” ở các vấn đề cụ thể của đời sống sinh hoạt là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Thời trước, đúng là “thuyền theo lái, gái theo chồng” người con gái sống hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhà chồng, không dám đòi hỏi bất cứ điều gì. Vì thực tế thời trước người con gái họ “yếu thế” về mọi mặt, chịu sự “kìm kẹp”, “o ép” từ nhiều phía.

 

{keywords}
 

Nên bao dung và mở rộng lòng mình một chút để dành chỗ cho yêu thương nhiều hơn... Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thế nhưng, cuộc sống hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mọi quan niệm về gia đình truyền thống, cách thức ứng xử, sinh hoạt trước đây đã có nhiều đổi mới theo hướng “cởi mở” hơn. Nghĩa là, người con gái, con dâu họ cũng có những cách nghĩ khác so với thế hệ ông bà, bố mẹ trước đây, nếu không có sự thông cảm, bao dung giữa các phía với nhau, hai bên đều “ích kỷ”, bảo thủ thì rất khó để tìm được “tiếng nói chung”. Và tất nhiên khi đó cuộc sống gia đình khó mà đạt được sự êm ấm, hạnh phúc. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi trong vai trò cũng đang đi làm dâu muốn trao đổi vài điều với tư cách là “người trong cuộc” để góp phần làm rõ hơn vấn đề phức tạp này.

Thứ nhất, về phía tác giả bài báo, tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm và cách nghĩ đó của cô. Nhất là chi tiết cô nói rằng, con dâu là người dưng nước lã. Tôi thì thấy mặc dù con dâu không phải là con đứt ruột đẻ ra nhưng lại gắn bó với mẹ chồng cả đời, người gần gũi, chăm sóc mẹ chồng khi về già. Mặc dù tôi rất hiểu những tâm tư, nỗi lòng của cô, những điều cô nói ra đều có cơ sở và nếu như quan điểm đó đưa về mấy chục năm về trước thì không ai phản đối gì. Thế nhưng, cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi, thậm chí đã khác xa so với ngày trước, đây là một thực tế dù không muốn chúng ta vẫn phải chấp nhận. Đúng là tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.

Trước đây, người ta giữ quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, có mười con gái cũng không gọi là có con, vì con gái khi lấy chồng đi theo chồng hết, họ phải “xuất giá tòng phu”, chỉ có con trai mới ở lại với cha mẹ, có điều kiện chăm sóc, phụ dưỡng cha mẹ khi về già. Và ngày trước người con gái đã đi lấy chồng thì rất khó để về thăm cha mẹ đẻ của mình, thậm chí cha mẹ ốm đau cũng chẳng về được, chỉ khi cha mẹ mất mới về chịu tang! Thế nên mới có những bóng dáng chất chứa đầy nỗi niềm trong câu thơ: "Chiều chiều ra đứng bờ sông/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Con gái nói chung và con dâu nói riêng thế hệ ngày trước họ phải sống trong cam chịu, nhẫn nhịn vì hoàn cảnh ép buộc, nề nếp, gia phong “kìm kẹp”. Họ lấy đó là chuẩn mực buộc phải tuân theo nếu không muốn bị lên án, bị “tẩy chay”…

Thế nhưng, ngày nay mọi thứ đã khác, con gái hay con trai đều là con cả, nam nữ bình đẳng như nhau. Nghĩa là, khi cha mẹ sinh con dù là trai hay gái cũng đều được đối xử bình đẳng như nhau, mong cho sau này các con có hiếu, khi cha mẹ về già được con cái thăm nom, hỏi han và chăm sóc để đỡ “tủi thân”.

Trước đây cha mẹ thường sinh nhiều con, nhưng ngày nay mỗi gia đình chỉ có một đến hai con, thậm chí có gia đình bố mẹ chỉ có hai người con gái, khi con gái đi lấy chồng hết thì bố mẹ ở một mình. Thế nên, là con gái khi đi lấy chồng rồi mà cha mẹ về già vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng (đây được quy định trong luật). Hơn nữa, nước ta chưa có đủ điều kiện kinh tế để thực hiện các quỹ phúc lợi xã hội cho người già như một số nước phát triển. Mặc dù trong thâm tâm cha mẹ nào khi về già cũng muốn sống với con cái mình, không muốn vào các trung tâm dưỡng lão. Do đó, khi về già bố mẹ thường vẫn chủ yếu sống phụ thuộc vào sự quan tâm, chăm sóc của con cái mình (con ruột). Tôi phải nhấn mạnh rằng, đây là mong mỏi chính đáng và rất thực tế.

Liên hệ với quan điểm tác giả bài báo, tôi thấy cô cũng nên bao dung và mở rộng lòng mình một chút để dành chỗ cho yêu thương nhiều hơn. Vì ai cũng có cái lý của mình, nếu như theo đúng sự báo hiếu trong Lễ Vu Lan thì quả thật công ơn của cha mẹ tựa như trời biển, con cái có cố gắng chăm sóc, phụng dưỡng tận tâm cả đời cũng chẳng thể nào đền đáp được. Xét cho cùng, những quan điểm của tác giả bài báo cũng chỉ phản ánh cách nghĩ, quan niệm của một thế hệ nhất định gắn với điều kiện lịch sử cụ thể.

Nếu như cô “bắt” cả con trai và con dâu phải nghe theo ý mình thì khác nào cô gây “khó xử” cho các con cô. Vì đối với con trai cô, bố mẹ vợ cũng là bố mẹ, chưa nói đối với con dâu, họ cũng phải có trách nhiệm quan tâm, báo hiếu chứ… Điều này tôi nhìn nhận rất khách quan. Thực tế cũng cho thấy, hiện nay rất nhiều cặp vợ chồng “luân phiên” nhau ăn tết ở cả nhà nội và nhà ngoại để hai bên đều vui, tôi nghĩ như vậy là rất hài hòa.

Thứ hai, đối với người con dâu trong câu chuyện mà tác giả bài báo đề cập theo tôi cũng cần phải dành thời gian suy xét, có cách ứng xử khéo léo để làm tròn bổn phận “làm dâu” hơn nữa. Tôi không hoàn toàn phê phán người con dâu trong tình huống cụ thể đó, vì bố mẹ cô cũng chỉ có mình cô là con gái, cô cũng phải có trách nhiệm báo hiếu với bố mẹ. Mong muốn được về nhà ngoại ăn Tết (sau khi 2 Tết đầu ở nhà nội) là rất chính đáng, tuy nhiên cô phải căn cứ vào tình hình cụ thể bên nhà chồng để có quyết định tốt nhất. Mặc dù, không ai nói trái, phải trong những tình huống này nhưng nếu cô tinh tế, hiểu biết và nghĩ sâu xa thêm chút nữa thì cũng không nên gây thêm những bất đồng, mẫu thuẫn với nhà chồng (mẹ chồng). Vì điều đó liên quan trực tiếp tới cuộc sống, tới hạnh phúc của bản thân cô, nếu như chỉ vì mấy ngày Tết ở nhà ngoại mà sau đó mối quan hệ với mẹ chồng, với chồng xấu đi thì thật không đáng chút nào.

Người ta vẫn thường nói, hạnh phúc người con gái không phải do bản thân họ quyết định. Vẫn biết rằng, quan niệm xã hội ngày nay đã tiến bộ hơn trước, nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Con gái khi đã đi lấy chồng thì sướng khổ hầu như phụ thuộc vào nhà chồng, họ phải biết lựa, phải ứng xử khéo léo để gia đình được yên ấm. Theo tôi, người con dâu ấy cũng phải hết sức thông cảm, hiểu cho thế hệ của cha mẹ (cụ thể là mẹ chồng cô), vì dù sao cô cũng là phận làm con, lại là con dâu. Nghĩa là, mỗi người nên căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của gia đình mình để hành động sao cho phù hợp, mục tiêu là để gia đình được hạnh phúc, trong ấm, ngoài êm…

Tóm lại, ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại không phải là vấn đề gì lớn lao, to tát cả, nó chỉ “gói gọn” trong khuôn khổ từng gia đình, nhưng nếu các phía không có cách nhìn nhận thấu đáo và ứng xử phù hợp thì rất dễ nảy sinh các mâu thuẫn làm cuộc sống đảo lộn. Các bạn trẻ ngày nay sinh ra và lớn lên trong điều kiện, hoàn cảnh mới nên có suy nghĩ “thoáng hơn”, có nhiều nhu cầu hơn…

Tuy nhiên, cho dù thế nào chăng nữa các bạn cũng vẫn là thế hệ đi sau, là phận con cái, mặt khác các bạn lại được học hành đàng hoàng, hiểu rộng biết nhiều, cần phải học cách lắng nghe, học cách cảm thông với thế hệ đi trước. Tôi nghĩ như vậy sẽ phù hợp hơn, vì thế hệ đi trước (tuổi già) thường có xu hướng bảo thủ, khó tính.

Nguyễn Thị Tâm (Đại học Nội vụ)