- Cầm chiếc phong bao tôi vừa trân trọng đưa hai tay dâng lên, mẹ chồng tôi cầm lấy xé toạc ra cầm lên 200 ngàn day day trước mặt “Có hai trăm thôi à, anh chị hai mà bèo thế? Làm anh làm ả phải ngả mặt lên cho em út làm gương…”.

Là con gái miền Bắc về làm dâu một gia đình miền Trung nên tôi luôn cố gắng để làm vừa lòng nhà chồng. Mặc dù thu nhập của vợ chồng tôi lúc đó rất thấp, biết tằn tiện, hai vợ chồng và đứa con mới sống tạm ổn. Nhưng mỗi kỳ lấy lương, tôi đều dành ra một khoản nho nhỏ mua đường sữa, bánh trái về biếu bố mẹ chồng. Cứ tưởng ông bà sẽ vui lắm nhưng tôi thấy thái độ của mẹ chồng hơi khó chịu và tỏ ra không vừa lòng. Bà nói: “Mua gì ba cái thứ này tốn tiền…”. Vì chưa hiểu tính bà, tôi cứ nghĩ bà tiếc tiền cho chúng tôi nên cố vui vẻ thuyết phục: “Có đáng là bao đâu mẹ, ba mẹ nhận cho con vui lòng”.

Tết năm ấy, vì muốn tạo bất ngờ cho nhà chồng, tôi đã dành hẳn nửa tháng lương mua cho ba mẹ, hai đứa em chồng quần áo, giày dép mới… Thấy tôi đưa về một đống đồ, bà phản ứng gay gắt: “Đã nói đừng mua bán gì, đưa tiền cho tao có phải hơn không…”. Rồi bà nhất định không nhận dù tôi có năn nỉ thế nào. Tôi mới hiểu ra lâu nay bà không muốn tôi mua đồ là để đưa tiền cho bà. Lúc này, chồng tôi mới nói: “Anh biết tính mẹ chỉ thích cho tiền, nhưng ngại nói ra sợ em sẽ buồn nên thôi…”.

{keywords}

Dù thật cố gắng, tôi vẫn thường xuyên bị tổn thương khi số tiền mình đưa biếu không được nhiều. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Biết vậy, tôi phải ra chợ năn nỉ người bán hàng nhận lại đồ để lấy tiền về đưa lại cho mẹ chồng tôi. Bà vui vẻ, hồ hởi hẳn ra. Nếu chỉ có vậy cũng chẳng sao nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ với tục lệ nhà chồng. Đêm 30 tết, con cái phải mừng tuổi ba mẹ bằng phong bì. Do mới về làm dâu nên tôi chưa thật sự hiểu tỏ tường những quy định bắt buộc ấy. Có ít tiền dành dụm, tôi đã biếu ông bà hôm 29 tết nên cũng chẳng còn lại bao nhiêu.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm đến con số 12 chồng tôi nói lấy tiền ra mừng tuổi ba mẹ. Tôi nói: “Em đưa tiền biếu tết cho mẹ ngày hôm qua hết rồi, chỉ còn một ít để nhà mình xài thôi”. Chồng tôi mới giải thích: “Hôm qua là chuyện gởi tiền sắm tết, em có đưa nhiều bao nhiêu cũng kệ. Hôm nay là tiền mừng tuổi nhất định phải có”.

Thế là muốn cho cho ba mẹ chồng vui, cho chồng nở mày nở mặt với mọi người, tôi đành vét hết số tiền còn lại trong người mừng tuổi ba mẹ. Những năm sau này, tôi đã rút kinh nghiệm để dành từng khoản thật tách bạch như tiền cho ba mẹ may đồ tết, tiền đi tết, tiền mừng tuổi… Điều làm cho tôi thấy buồn không phải vì phải chi nhiều khoản tiền như thế, mà thấy tủi thân vì những lời nói, cách cư xử của mẹ chồng khi nhận tiền từ tôi.

Gia đình chồng rất đông anh em. Nếu trước đây mấy đứa em còn nhỏ chỉ mình vợ chồng tôi biếu tiền và mừng tuổi ông bà. Dù số tiền có ít một chút cũng không bị so sánh với ai. Nhưng vài năm trở lại đây, tôi thật khổ sở mỗi khi tết đến xuân, về dù khó khăn đến đâu cũng phải cố xoay xở cho được một khoản tiền để chi cho nhà chồng để khỏi “mất mặt” phần nào. Nhưng dù thật cố gắng “cái khó bó cái khôn” tôi vẫn thường xuyên bị tổn thương khi số tiền mình đưa biếu không được nhiều.

Từ 28 tết hàng năm, các em chồng tôi đã có mặt ở nhà, ngoài vợ chồng tôi là công chức quèn sống bằng đồng lương ít ỏi. Các cô chú ấy đều là dân kinh doanh buôn bán nên dăm ba triệu với họ chỉ là chuyện nhỏ. Ngoài vài triệu chúng gửi tết, tiền mừng tuổi ít nhất cũng tờ xanh (năm trăm ngàn).

Đêm 30 tết, lần lượt từng đứa con từ lớn đến bé đến trước mặt ba mẹ chúc tết và lì xì phong bao. Ông bà nhận của đứa nào là mở ngay trước mặt xem mệnh giá tiền là bao nhiêu. Theo vai vế, vợ chồng tôi phải mừng tuổi trước. Cầm chiếc phong bao tôi vừa trân trọng đưa hai tay dâng lên, mẹ chồng tôi cầm lấy xé toạc ra cầm lên 200 ngàn day day trước mặt “Có hai trăm thôi à, anh chị hai mà bèo thế? Làm anh làm ả phải ngả mặt lên cho em út làm gương…”. Tôi chỉ biết nghẹn lòng đứng như trời trồng mà không nói nổi lời nào.

Sau phần bóc và nhận xét tiền mừng của nhà tôi, tiếp tục đến chú tiếp theo cho đến hết. Mỗi khi gặp được tờ mệnh giá lớn, mẹ chồng tôi cầm đưa trước mặt tôi nói: “Ít ra cũng phải tờ xanh như thế này…”. Có đứa lì xì mỗi phong bì 2 tờ năm trăm ngàn như thế, mẹ chồng tôi vừa cười vừa khen: “Thằng T là số một, anh chị học tập em nhé!”.

Tôi cứ thầm ước ao, kinh tế gia đình khởi sắc lên một chút, để tôi cho nhà chồng thấy mình không phải con người sống ích kỉ và keo kiệt.

Nhị Huyền