- “Ăn bột rong, ăn cháo rong, uống sữa cũng phải rong ra ngoài đường. Bà nội chiều nên làm hư cháu, giờ mình phải chịu trận!”, chị Nhung than thở.

2 giờ mới ăn hết bát cháo

Ngay từ lúc mang bầu, thấy xung quanh nhà toàn trẻ đi ăn rong ngoài đường, vừa ăn vừa chơi cả tiếng đồng hồ mới hết bát cháo, chị Nhung (Chung cư ngõ 329 Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết tâm phải tập cho con ăn ngoan. Chị đã đọc rất nhiều sách dạy con ăn theo cách hiện đại, trẻ ăn ngoan và không quấy khóc.

Con được 5 tháng tuổi, chị bắt đầu cho bé ăn dặm. Chị bế con ngồi yên một chỗ, không mở nhạc cũng không cho xem tivi, không cho con cầm đồ chơi, con ăn rất ngoan và nhanh hết. Nhưng kể từ khi chị đi làm, bà nội sang trông cháu là mọi thứ đảo lộn. Dù cả hai vợ chồng đã dặn bà cho cháu ăn trong khoảng 30 phút đổ lại, nhưng bà bỏ ngoài tai.

“Cứ đến bữa ăn là bà đẩy xe đi chơi. Cứ nhong nhong ngoài đường như vậy, thỉnh thoảng đút cho cháu một thìa. Ăn bột cũng vậy, ăn cháo cũng vậy, uống sữa cũng vậy. Giờ con biết đi rồi thì cứ phải chạy theo nó, ăn bát cháo con con mà phải 1-2 tiếng mới hết. Bát cháo từ đặc, nóng sốt trở thành nguội ngắt, lỏng còn hơn nước”, chị kể.

Chị Nhung đã nhiều lần nói chuyện với mẹ chồng về chuyện cho con ăn nhưng lần nào bà cũng phủ đầu bảo “Đầy người cũng thế, có sao đâu”, “Trẻ con biết gì mà quen với chả không quen”, “Tao ở nhà có bận gì đâu, ăn một bữa 1-2 tiếng thì có sao”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Bà cứ chiều cháu như vậy, giờ đã thành thói quen. Không cho ra đường chơi là con không chịu ăn. Chị bảo, vì cho con ăn mệt mỏi như vậy mà có lần chị to tiếng với mẹ chồng, thế là bà giận bà bỏ về quê luôn. Giờ vợ chồng chị phải “sống chung với lũ”, dù đã tìm mọi cách “chữa bệnh” cho con nhưng không mấy hiệu quả.

“Giờ hai vợ chồng phải chịu trận. Ngồi yên một chỗ thì 1-2 thìa đã lắc đầu nguầy nguậy, gào khóc, phun thức ăn. Cho ra ngoài đường thì ăn hết bát cháo nhưng bố mẹ mệt mỏi. Mỗi bữa mất 1-2 tiếng cho con ăn, long nhong ngoài đường vừa bụi vừa mất thời gian. Có lúc bực mình nghĩ kệ, không ăn thì cho nhịn, lúc nào đói thì phải ăn hết. Nhưng con bỏ bữa cả ngày thật, không dỗ là không chịu ăn. Hết cách đành ăn rong”, chị chia sẻ.

“Thà mang tiếng hỗn với mẹ chồng!”

Muốn tập cho con ăn ngoan theo sách vở nhưng chị Dương Hiền (Khu đô thị Mỹ Đình II, Hà Nội) lại không nhận được sự hợp tác của mẹ chồng. Chị tập cho con ngồi yên một chỗ ăn, đến lượt bà cho ăn thì hết cho cháu xem phim, nghịch đồ chơi, lại đưa đi dạo thang máy, sang nhà hàng xóm, ra sân chơi, ra đường đi dạo.

Chị đi làm, chỉ có một ngày Chủ nhật nghỉ để chăm con, đương nhiên con sẽ quen ăn theo thói quen bà nội tạo. Giờ con hơn 2 tuổi, đi vững, đưa ra sân chơi là bà cứ phải chạy theo cháu bở hơi tai để đút cơm. Bấy lâu nay chị góp ý mẹ chồng đều không chịu nghe, giờ bà lại kêu “cho cháu ăn mệt mỏi và vất vả quá”, chị càng thêm chán nản.

Có lẽ chị vẫn sẽ chiều theo ý mẹ chồng như thế nếu không có sự cố xảy ra. Một chiều bà cho cháu ra đường ăn, đột ngột có chiếc xe máy phi từ ngõ ra, phanh kịp, không đâm vào con, nhưng con hoảng quá ngã đập mặt xuống đất, máu me bê bết. Thế là kìm nén bây lâu này được dịp chị nói hết. Chị không to tiếng nhưng vì dám nói mà bị mang tiếng là “dạy đời mẹ chồng”.

“Thôi tôi thà mang tiếng hỗn còn hơn cứ để mẹ chồng chăm con thế này. Trước thấy bà đưa con ra sân chơi ăn, bụi bặm như thế mà bà cứ đặt bát cháo tơ hơ dưới đất, mình chả dám nói thẳng nên mới ra thế này”, chị chia sẻ.

Chị quyết định đưa con đi nhà trẻ, tối về chị cho con ăn cũng rèn dần cho con vào quy củ. Không bế con đi rong mà chỉ cho chơi trong phòng, mua cho con đồ chơi mới để con không đòi ra ngoài. Dần dần, con đã chịu ăn mà không cần ra khỏi nhà.

“Tất cả các thói quen của con đều do người lớn tạo ra hết. Và khi đã thành thói quen thì rất khó sửa. Thế nên các mẹ phải cứng rắn ngay từ đầu, nếu không thì không những trẻ hư mà bố mẹ còn tự làm khổ bản thân vì phải chiều con. Ở Việt Nam mới có mấy trò dắt đi ăn rong thế này chứ ở nước ngoài tôi chả thấy ai dắt trẻ ra ngoài đường ăn”, chị nói.

Kim Minh

(còn tiếp)