Nhân đọc một bài viết vừa được đăng tải trên báo VietNamNet về chuyện họp họ, tôi cũng muốn kể câu chuyện đang khiến bản thân vô cùng bức xúc và lo lắng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Tp Nam Định, trước khi lấy chồng, tôi là giảng viên ở một trường đại học. Nhân một chuyến công tác trên đất Mỹ, tôi đã gặp và yêu anh. Nửa năm sau, anh trở về nước và chúng tôi quyết định làm đám cưới.

Khi đó, tôi cứ nghĩ mình may mắn vì lấy được chồng đẹp trai, lại giỏi giang, gia đình chồng trí thức.Thế nhưng, sống với nhau chưa được bao lâu, tôi mới biết, mình đang phải gánh vác một trách nhiệm vô cùng nặng nề.

Gia đình chồng tôi có 3 anh chị em nhưng chồng tôi là cả và là con trai duy nhất . Bố chồng tôi lại đang giữ chức trưởng họ, trong tương lai, trưởng họ sẽ là chồng tôi.

Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến chuyện vất vả thì có lẽ tôi đã không sốt lòng sốt ruột đến thế. Đằng này, dòng họ nhà chồng vốn có truyền thống lâu đời. Bố chồng tôi thoát ly ra Thủ đô để sinh sống từ mấy chục năm nhưng cái chức trưởng họ thì vẫn không thể giao cho người khác. Vì thế, những ngày giỗ tổ, hay những khi trong họ có việc, bố mẹ chồng tôi vẫn phải khăn gói về làng để đứng ra lo liệu.

Khi tôi về làm dâu, bố mẹ chồng đã dành khá nhiều thời gian để nhồi nhét vào đầu tôi những giá trị truyền thống, những phong tục tập quán và những quy tắc quy định bắt buộc người đứng đầu dòng họ phải gương mẫu.

Trong đó, tôi thực sự toát mồ hôi đối với trách nhiệm phải sinh con trai. Bởi vì, theo lời bố mẹ chồng, bắt buộc, chúng tôi phải có con trai để tiếp quản chức trưởng họ khi chồng tôi về già.

Vì thế, tôi quyết định đi canh trứng và thực hiện các phương pháp khoa học. Tuy nhiên, đứa đầu tiên, tôi hạ sinh con gái.

 Bố mẹ chồng tôi đón cháu mà không mấy vui vẻ, chồng tôi thì cố cười nhưng miệng vẫn méo sệch.

{keywords}
Ảnh minh họa

2 năm sau, anh động viên tôi đẻ thêm đứa nữa. Tôi lại cẩn thận tính toán.Và rồi, tôi mang thai đôi. Nhưng khi cái thai đã lớn, các bác sĩ lại thông báo cho biết, đó là 2 nàng công chúa.

Khỏi phải nói, chồng tôi và bố mẹ chồng tôi thất vọng đến mức nào. Thêm vào đó, mỗi lần họp họ, các cụ cao niên lại mang chuyện sinh con trai ra để ép anh. Vì thế, lần nào họp xong anh cũng hậm hực với tôi khiến chúng tôi mâu thuẫn và giận hờn đến mức chỉ muốn bỏ nhau.

3 năm sau, tôi nghỉ công việc giảng dạy để đi làm cho một tổ chức phi chính phủ. Rồi, dưới áp lực của gia đình, tôi tiếp tục mang thai lần thứ 4. Thế nhưng, lại 1 lần nữa, anh không được như ý nguyện.

Khi đón con, tôi cứ nghĩ, chúng tôi sẽ chẳng thể sống cùng nhau được nữa vì tôi chắc, anh sẽ không thể bỏ đi sĩ diện, bỏ đi trách nhiệm của một vị trưởng họ mà hài lòng với 4 đứa con gái xinh xắn của mình.

Tuy nhiên, tôi đã nhầm. Anh không tạo áp lực với tôi nữa mà đổ tại cho số phận. Nhờ thế cho nên chúng tôi có thể sống khá thoải mái và vui vẻ với nhau.

Bây giờ, các con tôi đều đã đến tuổi đi học. Tôi cũng đã bước sang tuổi 40. Cứ nghĩ, cuộc sống thế là ổn định, ai ngờ, trong buổi họp họ cuối năm vừa rồi, cả họ yêu cầu chồng tôi phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với dòng họ là sinh bằng được con trai nối dõi. Tức là, họ ép tôi phải sinh tiếp con thứ 5, thậm chí là thứ 6… Còn nếu không, anh sẽ phải lấy vợ mới.

Chồng tôi không đồng ý, anh lấy lý do đã sinh 4 con nên không thể sinh thêm. Anh xin rút khỏi chức trưởng họ để không phụ lòng mong mỏi của mọi người nhưng không một ai đồng ý. Tất cả mọi người đều ra sức trách móc anh, khép cho anh những cái tội mà nghĩ đến anh, tôi cũng chảy nước mắt.

Vì thế, tôi đang rất suy nghĩ, tôi không biết mình phải làm gì để giúp anh nữa. Tôi không muốn anh mang tiếng là đứa con bất hiếu với cha mẹ, với dòng họ của mình, nhưng nếu đứa thứ 5 là con gái, tôi vẫn phải sinh con thứ 6 nữa hay sao?

Độc giả Thanh Lan