Theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, mức hỗ trợ cho một người hưởng bảo hiểm thất nghiệp học nghề có thể lên tới 4,5 triệu đồng, hỗ trợ chi phí đi lại không quá 300.000 đồng.

Hiện nay, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, nếu chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mức hỗ trợ hiện nay chỉ mới đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản như: May căn bản, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng... Mặt khác, đây là mức học phí tại các cơ sở đào tạo nghề công lập, nơi mà có giảng viên cơ hữu hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Còn tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí này còn cao hơn rất nhiều, trong khi thời điểm người sử dụng lao động được hỗ trợ đang khó khăn về tài chính, không đủ kinh phí để tham gia khóa đào tạo nghề.

{keywords}
 

Cũng theo khảo sát của Cục Việc làm, phần lớn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, trình độ văn hóa còn hạn chế, tuổi cao, khó khăn về kinh tế nên rất ngại đi học. Bên cạnh đó, tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người có nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao (năm 2015: 3,8%; năm 2016: 4,8%, năm 2017: 5,1%) do mức hỗ trợ học nghề tuy đã đáp ứng được chi phí học các nghề đơn giản nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi phí học một số nghề như: kỹ thuật trang điểm, lái xe hạng B2, lái xe hạng C.

Muốn thu hút người lao động thất nghiệp học nghề, giúp họ nâng cao trình độ, sớm quay trở lại thị trường lao động cần có chính sách thiết thực, hiệu quả hơn.

Để cải thiện tình hình này, sau khi Luật Việc làm được Quốc hội (khóa XIII) thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg nhằm tạo khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp tham gia học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang dự thảo quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN.

Cụ thể, mức hỗ trợ học nghề được đề xuất như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ học nghề tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa; trên 3 tháng thì mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ tiền đi lại đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng là 300.000 đồng/người/tháng; trên 3 tháng là 100.000 đồng/người/tháng. Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp người lao động tham gia BHTN tham gia khóa đào tạo nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học phí học nghề do người lao động tự chi trả.

D.Minh - Phương Cúc