Năm 2018, Hà Nội dự kiến đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 70,3 tỷ đồng.

Đây là nội dung Kế hoạch số 80/KH-UBND về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018 của UBND TP Hà Nội.

Theo kế hoạch trong tổng số 24.000 lao động được đào tạo sẽ có 13.265 người được đào tạo nghề nông nghiệp, 10.735 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

{keywords}
 

Thời gian đào tạo dưới 3 tháng. Người học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/ngày thực học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 33 nghề, trong đó có 17 nghề phi nông nghiệp (Kỹ thuật điêu khắc gỗ; kỹ thuật sơn mài; thêu, ren mỹ thuật; sản xuất hàng mây tre, giang đan; hàn điện; điện dân dụng; mộc dân dụng; mộc mỹ nghệ; dịch vụ nhà hàng; xây trát dân dụng; pha chế đồ uống; sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; kỹ thuật khảm trai; may công nghiệp; thiết kế tạo mẫu tóc; sửa chữa xe gắn máy; sửa chữa điện thoại di động)

16 nghề nông nghiệp (Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; trồng lúa chất lượng cao; trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; trồng cây ăn quả; kỹ thuật trồng và chế biến thuốc nam; kỹ thuật trồng chè; kỹ thuật trồng hoa; kỹ thuật chăn nuôi lợn; kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; chăn nuôi thú y; kỹ thuật nuôi cá thương phẩm nước ngọt; nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa ly, hoa loa kèn; trồng đào, quất cảnh; trồng và sơ chế gừng, nghệ; chăn nuôi gà, lợn hữu cơ).

Tổng kinh phí thực hiện chương trình này dự kiến vào khoảng 70,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Mục tiêu của chương trình là 80% lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

M.M - Phương Cúc - Ngọc Cương