{keywords}
Có 3 cách để tìm người yêu ở Hàn Quốc

Ba cách để hẹn hò với một cô gái

Aiden Jeon, 29 tuổi, đã có 4 năm học ở Mỹ rồi trở về Hàn Quốc vào năm 2019. “Vì tôi bắt đầu làm việc ngay khi đến Seoul nên thật không dễ dàng để có thời gian gặp gỡ những người mới. Tôi đi làm lúc 7h sáng và trở về nhà vào khoảng 8h tối, chỉ đủ thời gian để ăn tối hoặc tập thể dục tại phòng gym”.

“Nhìn chung, có 3 cách để có thể hẹn hò ở Hàn Quốc ngày nay. Thứ nhất là do người quen giới thiệu, thứ hai là sử dụng dịch vụ mai mối và cuối cùng là sử dụng ứng dụng hẹn hò”, Kim Ri-na, quản lý tại một công ty mai mối và là người sáng tạo ra kênh YouTube RiRiTV Let's Date cho biết.

Cheon Su-hyeon, đại diện truyền thông của DUO Information Corporation, một công ty mai mối nổi tiếng ở nước này, cho biết: “Người Hàn Quốc có xu hướng khá thận trọng và thường sử dụng các cách thức an toàn để tìm người yêu. Trong một xã hội theo chủ nghĩa tập thể, nơi các mối quan hệ là quan trọng hàng đầu, thông lệ phổ biến là giới thiệu và được giới thiệu thông qua một người quen”.

Minh chứng thực tế cho điều này là bạn bè của Jeon đã từng sắp xếp cho anh 10 buổi hẹn hò chỉ trong vòng 4 tháng.

“Có một câu nói rằng một số người không tìm thấy nửa kia ngay cả khi có 100 lần hẹn hò và tôi bắt đầu nghĩ rằng đó có thể là tôi”. Vì vậy, Jeon quyết định thay đổi cách tiếp cận của mình. Anh tải xuống một ứng dụng hẹn hò nổi tiếng có tên SKY People.

Không giống như các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Wippy, NoonDate hay Tinder, chỉ những người đã theo học các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc hoặc nước ngoài mới có thể đăng ký SKY People. Ứng dụng đã giúp Jeon tìm được bạn gái chỉ vài tháng sau khi tải xuống. Sau hơn một năm hẹn hò, bây giờ họ đang nghĩ đến việc đính hôn.

Quản lý Kim tới từ RiRiTV cho biết: “Người Hàn Quốc ngày nay quá bận rộn trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. Đó là lý do tại sao những người ở độ tuổi 20, 30 muốn được giới thiệu với những người có điều kiện phù hợp nhất với họ”.

Nhiều người xem trọng các yếu tố như giáo dục, nghề nghiệp, thu nhập và gia đình khi lựa chọn bạn đời. Đây là lý do giải thích tại sao các ứng dụng có yêu cầu cao như SKY People và Goldspoon (một thuật ngữ để phân biệt những người thuộc các gia đình giàu có) lại phổ biến.

Những yêu cầu cao như vậy đã biến các công ty môi giới hôn nhân trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp mai mối

{keywords}
Gangnam là nơi nhiều người độc thân tìm kiếm tình yêu của mình.

Thay vì phó mặc tất cả cho số phận và các thuật toán trên ứng dụng hẹn hò, các công ty mai mối có các đại lý, với sự trợ giúp của hệ thống máy tính, họ giúp khách hàng tìm kiếm nửa kia dựa trên các yêu cầu về tuổi tác, ngoại hình, nghề nghiệp, trình độ học vấn và gia đình.

Ngoài việc thu phí, các công ty này yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu bao gồm giấy chứng nhận độc thân và giấy phép chứng minh công việc hiện có.

Lee Kyeong-eh, giám đốc của Noblesse Spring, một công ty mai mối cao cấp nói rằng: “Trên thực tế, nghề môi giới hôn nhân đã xuất hiện từ thời kỳ Joseon vài trăm năm trước”.

Khi đó, các cuộc hôn nhân trong giới thượng lưu thường được sắp xếp bởi một người môi giới ở trong làng. Thông thường, đây là một người quen biết với các gia đình.

“Hai người yêu nhau là chưa đủ”, Lee nói. “Bạn có thể gặp những người phù hợp với tính cách hay sở thích của mình, nhưng đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế là một việc khác. Bạn sẽ sống ở đâu sau khi kết hôn và thu nhập dự kiến ​​là bao nhiêu đều là những chi tiết thực tế cần được làm rõ trước khi hẹn hò”.

Và khi kỳ vọng càng cao thì càng khó đáp ứng.

Những người mai mối cho triệu phú

{keywords}

Đường Apgujeong ở khu nhà giàu Gangnam, nơi các công ty hẹn hò có thể tìm kiếm các ứng viên nữ.

Tại Noblesse Spring, nam giới được mong đợi làm nghề bác sĩ, luật sư, CEO hoặc những nghề được đánh giá cao khác, nhưng không có yêu cầu này đối với phụ nữ. Điều này bắt nguồn sâu xa từ tư tưởng gia trưởng ở Hàn Quốc.

Best Class giống như một câu lạc bộ VIP trong ngành mai mối. Mặc dù nằm trong cùng khu phố giàu có Gangnam với Noblesse Spring, Best Class thậm chí còn có những tiêu chí ngặt nghèo hơn.

“Nếu khả năng săn bắt động vật là thứ khiến bạn trở thành một người được săn đón trong thời kỳ đồ đá, thì chính khả năng kinh tế sẽ mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh ngày nay”, Lee Kang-ho, giám đốc của Best Class nói.

Các thành viên của Best Class bao gồm các nhân vật truyền hình nổi tiếng, vận động viên chuyên nghiệp và doanh nhân nổi tiếng. 300 thành viên là nam giới ở Best Class cần có thu nhập ít nhất 100 triệu won (86.287 USD) mỗi năm để được gia nhập. Họ cũng phải có một gia đình bề thế với tài sản hơn 2 tỷ won (1,7 triệu USD) hoặc điều hành một tập đoàn trị giá 5 tỷ won (4,3 triệu USD). Và họ phải chi từ 2 triệu won (1.725 ​​USD) đến 100 triệu won (86.287 USD) để được gặp một thành viên nữ.

Quy trình lựa chọn thành viên nữ được đánh giá dựa trên ngoại hình và tính cách. Thông thường, trong số 10 phụ nữ đăng ký thành viên, chỉ có 5 người đến được giai đoạn sàng lọc trực tiếp, nơi họ có “thời gian uống trà” với một trong hai người quản lý tại trụ sở của Best Class. Sau giai đoạn cuối cùng này, chỉ 1 người có khả năng trở thành thành viên.

Các thành viên nữ được dùng bữa trong những nhà hàng sang trọng, ở những khu nghỉ dưỡng đắt tiền, được chăm sóc tại các tiệm làm tóc cao cấp, các phòng khám da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ để họ có thể quen với những buổi hẹn hò sang trọng.

Theo Lee, Best Class tìm thấy những phụ nữ này thông qua mối quan hệ cá nhân, mạng xã hội và các ứng dụng. Anh nói rằng đôi khi, một số quản lý đi lang thang trên đường phố Apgujeong ở Gangnam để tuyển những phụ nữ “10 trên 10”.

Lee thừa nhận rằng quy trình tuyển chọn của Best Class gây tranh cãi nhưng vẫn khẳng định nó hiệu quả và phản ánh mong muốn của những người đàn ông thành đạt và phụ nữ trẻ đẹp.

“Có một người đàn ông đã nộp đơn xin gia nhập nhưng không được chấp nhận do tình trạng kinh tế của anh ấy”, Lee từ Best Class cho biết. “Một năm sau, anh ấy xuất hiện với một chiếc Ferrari và đương nhiên anh ấy có thể trở thành một thành viên của chúng tôi”.

Trong khi đó, Lee tới từ Noblesse Spring biết, đôi khi phải mất hơn 30 ngày để một cuộc gặp được thực hiện. Một số người cho rằng tỷ lệ thành công là 90%, nhưng Lee ước tính rằng tỷ lệ công ty của cô đạt gần 60%.

Nhưng Lee tới từ Best Class nhận thấy rằng “ngay cả khi khách hàng tìm thấy một người đáp ứng các yêu cầu của họ như đã được miêu tả trong hồ sơ, họ vẫn tiếp tục theo đuổi mẫu người lý tưởng của mình”.

Đăng Dương (Theo Vice)

Yêu qua mạng 1 năm không biết mặt, hoá ra bạn trai là hoàng tử Nigeria

Yêu qua mạng 1 năm không biết mặt, hoá ra bạn trai là hoàng tử Nigeria

Một cô gái nghi ngờ rằng người bạn trai cô quen qua mạng có điều gì khuất tất khi luôn từ chối gọi video, nhưng sau đó cô đã rất sốc khi phát hiện ra lý do thực sự.