thuyet rua chen o han quoc anh 1

"Thuyết rửa chén" xuất hiện vào cuối tháng 10 trên một cộng đồng trực tuyến với thành viên chủ yếu là nam giới.

Nghe có vẻ lành tính về chủ đề phân chia công việc gia đình, song thuật ngữ này lại đang khuấy động các cuộc tranh luận đầy thù hằn, căm ghét trong xã hội Hàn Quốc, theo Korea JoongAng Daily.

"Thuyết rửa chén" cho rằng phụ nữ trẻ thích hẹn hò với đàn ông hấp dẫn về ngoại hình, nhưng sau đó sẽ kết hôn với một người ổn định về mặt tài chính.

Những phụ nữ như vậy bị ví như "thức ăn thừa" và đàn ông kết hôn với họ bị so sánh với "nước rửa bát" vì không có được tình yêu đích thực.

thuyet rua chen o han quoc anh 2

Đàn ông đã kết hôn trở thành đối tượng công kích của nhóm nam giới độc thân. Ảnh: koreanetblog.

Những người ủng hộ quan niệm này đặt biệt danh cho nam giới đã kết hôn là "Pongpong men", trong đó Pongpong là nhãn hiệu chất tẩy rửa nổi tiếng của Hàn Quốc.

Lâu nay, mạng xã hội xứ kim chi đã trở thành "chiến trường" giữa hai giới và Internet liên tục tạo ra những tiếng lóng với mục đích nhạo báng nhau.

Thế nhưng lần này, các chuyên gia nhìn thấy một khía cạnh thú vị của "thuyết rửa chén": Đàn ông giờ đây cũng trở thành mục tiêu chế giễu của những người đàn ông khác.

Vì sao nam giới chưa vợ lăng mạ đàn ông đã có gia đình?

Park Jung-won, người đã làm mai mối chuyên nghiệp được 12 năm, cho biết hôn nhân giờ đây là điều xa xỉ, được coi là một cột mốc khó đạt được với nam giới xứ củ sâm.

"Do tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết phụ nữ ngày nay biết rằng rất khó để làm lại từ đầu. Vì vậy, họ thích kết hôn với một người đã ổn định về tài chính. Ngoài ra, bây giờ nhiều phụ nữ có thể tự kiếm tiền, họ cảm thấy không cần phải lập gia đình trừ khi gặp được người xứng đáng".

Park điều hành kênh YouTube "Hanbang Sister" để chia sẻ những câu chuyện mai mối và video về một số phụ nữ mong đợi quá nhiều ở chồng tương lai.

Đoạn video đã nhận được sự ủng hộ của nam giới, những người phàn nàn rằng con gái ngày nay có tiêu chuẩn quá cao, không thực tế.

Một cuộc thăm dò trên kênh của Park vào tuần trước cho thấy 70% người được hỏi, chủ yếu là nam giới, đồng ý với "thuyết rửa chén".

"Đàn ông có xu hướng coi hôn nhân là gánh nặng lớn vì họ thường phải trả phần lớn chi phí. Khi giá nhà tăng chóng mặt trong những năm gần đây, rất ít đàn ông có học vấn cao và thành đạt về tài chính để đủ điều kiện kết hôn", Park nói.

thuyet rua chen o han quoc anh 3

Hôn nhân, con cái trở thành điều xa xỉ với nhiều người Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo khảo sát từ công ty mai mối Duo vào tháng 2 năm nay được thực hiện trên 500 cặp đã kết hôn trong hai năm qua, trung bình đàn ông phải trả 61% tổng chi phí hôn nhân.

Ở Hàn Quốc, chi phí này thường bao gồm lễ cưới, quà tặng gia đình, đồ điện gia dụng giá trị lớn và ngôi nhà đầu tiên.

Tuy vậy, Park cho rằng "thuyết rửa chén" phần lớn là không có cơ sở.

"Tôi không phủ nhận một số phụ nữ kết hôn chỉ vì tiền. Nhưng một số đàn ông cũng chỉ tập trung vào vẻ ngoài của phụ nữ. Tôi nghĩ 'thuyết rửa chén' xuất phát từ những người đàn ông muốn kết hôn nhưng không đủ khả năng. Vì hôn nhân giờ đây như hàng xa xỉ mà rất ít người có thể mua được. Những người đàn ông không đủ khả năng tài chính sẽ ghen tị. Họ cảm thấy tốt hơn khi nghĩ người khá giả cũng không thực sự hạnh phúc", Park nói.

Còn Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho rằng việc so sánh phụ nữ với "thức ăn thừa" là cực kỳ thô tục. Hạ thấp người khác chỉ là một cách để đối phó với cảm giác kém cỏi của chính bản thân.

"Những người đàn ông không ổn định về tài chính đang viện lý do rằng họ chưa chọn kết hôn để tránh bị một người phụ nữ lăng nhăng lợi dụng. Họ cảm thấy như vậy dễ dàng hơn là chấp nhận bản thân yếu kém".

Chĩa súng vào đồng minh

Trong khi "thuyết rửa chén" có vẻ còn mập mờ, thuật ngữ "Pongpong men" là sự tấn công trực diện vào nhóm nam giới khả giả, đủ điều kiện lập gia đình.

Giáo sư Lim nói: "Tôi rất ngạc nhiên trước hiện tượng mới này. Sự căm ghét thường hướng đến những người yếu thế hơn, chẳng hạn như phụ nữ, người tàn tật, người già và trẻ em. Đó là lý do từ trước đến nay, đàn ông chỉ chê phụ nữ là kẻ đào mỏ khi phàn nàn về chi phí hôn nhân. Nhưng hiện tại, đàn ông cũng đang chê trách những người đồng trang lứa. Nó giống như việc chĩa súng vào chính đồng minh của mình".

Lee Hyun-jae, nhà triết học nữ quyền và là giáo sư tại Đại học Seoul, cho rằng sự chia rẽ nội bộ này là do thay đổi trong động lực kinh tế.

"Vài thập kỷ trước, hầu hết đàn ông có thể nuôi một gia đình 4 người với mức thu nhập tiêu chuẩn. Nhưng thời đó đã qua. Ngày nay, chỉ một số nam giới ở độ tuổi 20-30 kiếm được công việc ổn định, lương cao. Hệ thống phân cấp xã hội giữa nam giới ngày càng trở nên khắc nghiệt. Và những người thua cuộc đang đổ dồn sự lo lắng của họ lên cả phụ nữ và nam giới".

thuyet rua chen o han quoc anh 4

Mạng xã hội trở thành "chiến trường" khi các giới cho ra đời nhiều ký hiệu, tiếng lóng mang hàm ý chế giễu đối phương. Ảnh: New York Times.

Còn theo giáo sư Lim, do nền kinh tế khó khăn, thanh niên không dễ tìm được việc làm và nhà ở, những thứ vốn được coi là tiền đề của hôn nhân.

“Sự cạnh tranh gay gắt được tạo ra giữa những người đàn ông dựa trên khả năng tài chính. Nỗi bất an khi khoảng cách này nới rộng đã dẫn đến sự tức giận và tấn công nội bộ".

Lim nói thêm rằng sự lan truyền nhanh chóng của "thuyết rửa chén" cho thấy ngày càng nhiều đàn ông tự cảm thấy mình là "kẻ thất bại".

Lee, dược sĩ 27 tuổi chưa lập gia đình, từng tự hỏi những người đàn ông kể trên nhận được gì khi tấn công người khác.

"Cuối cùng tôi cũng có câu trả lời. Đối với những người không thể kết hôn hoặc chỉ đơn giản là ghét phụ nữ, họ muốn những người đàn ông đã lập gia đình trông thảm hại và cố tẩy não mình rằng hôn nhân chẳng có gì tốt đẹp".

Tiêu chuẩn kép

Giáo sư Lee cho rằng "thuyết rửa chén" cho thấy một tiêu chuẩn kép.

"Việc đàn ông khao khát phụ nữ hấp dẫn rồi lại tìm người 'trong trắng' làm vợ đã được xã hội chấp nhận. Nhưng khi phụ nữ làm điều tương tự - hẹn hò với những người đàn ông hấp dẫn rồi kết hôn với một người thành đạt - điều đó đột nhiên trở nên phi đạo đức".

Dường như việc phụ nữ hiện đại tự do làm điều mình thích khiến một số đàn ông không thoải mái.

"Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ được mong đợi phải hết lòng vì chồng và chăm sóc họ như một người mẹ. Nhưng điều này không còn thực tế và phiến diện. Đối với tôi, 'thuyết rửa chén' giống như lời than thở rằng hình ảnh phụ nữ lý tưởng mà nhiều đàn ông mong muốn đã không còn tồn tại trong thế kỷ 21".

thuyet rua chen o han quoc anh 5

Không chỉ nam giới đã kết hôn, phụ nữ cũng bị tấn công bởi "thuyết rửa chén". Ảnh: depositphotos.

Tương tự như việc căm ghét nữ quyền bắt nguồn từ nỗi bất an của nam giới, thì "thuyết rửa chén" cũng vậy.

"Những người ủng hộ lý thuyết tỏ vẻ mình coi thường đàn ông đã có gia đình, nhưng thực ra họ đang thể hiện sự lo lắng rằng bản thân sẽ không bao giờ làm được điều đó", giáo sư Lee nói.

Trong khi đó, giáo sư Lim nhấn mạnh rằng mục tiêu của sự căm ghét không thay đổi, mà chỉ đơn thuần là mở rộng ra.

"Điều đó không có nghĩa là một số đàn ông đã ngừng tấn công phụ nữ và chuyển sang những người đàn ông khác. Vì thời buổi kinh tế khó khăn, nên sự căm ghét đang thể hiện dưới nhiều hình thức nghiêm trọng hơn. Không chỉ mở rộng mục tiêu, mà từ ngữ về sự thù hằn cũng ngày càng rõ ràng và hung hãn. Thật đáng buồn, nhưng tôi tin rằng hiện tượng này sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ".

Theo Zing

Nghề ăn cưới thuê trở lại Hàn Quốc

Nghề ăn cưới thuê trở lại Hàn Quốc

Số lượng khách dự đám cưới được cho thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình, nên cả nhà trai và nhà gái đều không muốn lép vế so với đối phương.