Sau hai ngày không bước ra khỏi nhà, chiều hôm qua, mình bèn chạy xe, định lên văn phòng xử lý vụ việc quan trọng. Ra tới đầu hẻm thấy chốt chắn ngang đường, mình bèn xuống xe đến hỏi: “Cho tôi ra được không?”. Cậu trai gác ở đó hỏi: “Anh có giấy tờ gì không?”.

Mình lấy giấy tờ tùy thân và trình bày lý do. Cậu bảo: “Khó anh ơi, hay anh quay lại đi. Tình hình đang phức tạp lắm”. Mình đáp: “Thành phố ngoài kia vắng tôi một ngày là rối tung lên đấy. Tôi phải ra mới được”. (Chỗ này mình nói vống lên, thực ra mình đã vắng mặt hai ngày rồi mà  thành phố vẫn như vậy.)

Anh gác chốt cầm giấy tới hỏi một người hình như là sếp. Vài phút sau, anh quay lại gọi mình ra bức tường bên ngoài đường chính đọc quy định.

“Anh không thuộc diện được ra ngoài nên thông cảm quay về nhé”, anh chàng kết luận. Mình đồng ý, vào phía trong nữa có chàng bảo vệ dân phố khác hỏi: “Anh đi không được à?”.

Mình rầu rĩ đáp: “Không”. Anh chàng động viên: “Thôi, chịu khó ở nhà đi anh”. Mình cười buồn: “Tình hình chung vậy, tôi phải chịu, biết làm sao giờ? Mỗi người ráng chịu một chút vậy”.

Vài phút sau, anh chàng lại gần mình nói nhỏ: “Anh, mới xác nhận hai ca F0. Hẻm này giờ phong tỏa luôn rồi. Mọi người chịu khó hai tuần vậy”.

{keywords}
Chốt chặn ở ngay đầu hẻm 77, đường Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM

Hai ca F0 anh nói là ở khu nhà trọ trước mặt nhà mình, đối diện qua con hẻm xe tải. Đó là khu nhà trọ rất bí, bên dưới quây vách tôn ngăn biệt lập với bên ngoài. Chỉ có trên lầu một (tức tầng hai) mới không bị bao tôn nên khá thoáng mát.

Mấy ngày nay, khi một khu công nghiệp trong quận “có ép không”, người ta bắt đầu chốt chặn hẻm mình và khu nhà trọ này, vì có công nhân làm việc trên khu công nghiệp đó.

Bên ngoài, cơ quan chức năng đặt tấm biển đỏ chữ vàng nội dung cách ly chống dịch, ngoài ra còn giăng dây phía trước, nhìn khu nhà trọ xanh xanh có dây ni lông giăng qua như chiếc bánh chưng.

Tính ra, như khu nhà trọ này hiện chịu tới ba tầng phong tỏa: toàn thành phố, toàn hẻm và riêng khu nhà. Bữa giờ xét nghiệm, giờ có kết quả, càng phải làm chặt hơn.

“Nó bị mà mấy hôm trước đạp xe nhong nhong trong hẻm”, anh bảo vệ dân phố nói với mình, điệu bộ rất nghiêm trọng. Mình thấy không đến nỗi vậy. Nếu dương tính thì đi chữa thôi, mai mốt khỏe mạnh, lại "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Mình hỏi mới biết "tình hình hẻm cũng khá tình hình": ngoài hai F0 ở nhà đối diện, còn có thêm hai F0 phía trong nữa. Đến trưa nay, tổng cộng khoảng 5 F0.

Hẻm thanh bình hẳn. Lũ con nít ngày thường đạp xe, la hét ỏm tỏi giờ cũng bốc hơi đâu hết, karaoke xóm tuyệt nhiên không còn.

Chỉ có anh chàng bảo vệ dân phố ngồi trên ghế bố dưới cái dù che nắng, cô đơn trong xa vắng. Mình hỏi mới thấy mấy anh cũng vất vả. Hai anh chia nhau chốt cái khu nhà trọ đối diện nhà mình, mỗi anh làm nguyên ca 24 tiếng. Họ có cơm từ Đoàn Thanh niên cung cấp. Họ nằm ngủ trên ghế ở hẻm, ngày nắng đêm mưa rất khổ.

Anh ấy khổ, những người trong khu nhà trọ cũng khổ. Họ là công nhân, nghèo, ngưng làm việc bữa giờ, phải chôn chân trong khu nhà trọ bít bùng, trong những phòng nhỏ vài mét vuông, phòng nào ở yên phòng đó. Mấy người trên lầu 1 thỉnh thoảng còn có thể giãn cách ra ban công hít thở khí trời nhưng mấy người ở dưới chắc rất ngột ngạt.

Theo ước tính sơ bộ của mình, có khoảng 250 hộ công nhân trong khoảng 6 khu nhà trọ.

{keywords}
 

Trưa nay, mình đang đứng nói chuyện với anh bảo vệ mới vừa thay ca, chợt có mấy bà từ cuối hẻm thất thểu đi ra. Anh bảo vệ bảo mọi người về đi, đang phong tỏa dập dịch. Một bà bảo thiếu ăn, đi kiếm gì mua ăn. Anh bảo vệ nói mọi người đặt đồ trên mạng, rồi người ta giao tới đầu hẻm, giờ ra không được đâu.

Mình hỏi: “Chị cần gì? Cần suất cơm hay rau?”. Một chị tên Nhung đáp: “Không phải cần suất cơm đâu. Vẫn còn tự nấu được, nhưng rau cỏ không có".

Chị Nhung chỉ tay nói chị ở trong khu nhà trọ công nhân phía sâu trong kia, mọi người đang rất túng thiếu, chưa đến mức hết gạo nhưng rau tươi và đồ ăn tươi hết.

Mình xin số điện thoại: “Để tôi hỏi xem có cách nào không. Chứ tôi cũng không ra được. Tôi mà ra được là thế giới yên bình rồi”. Ấy là mình pha chút đùa cho không khí bớt nghiêm trọng, thực ra mình đang tính cách để kết nối nguồn hỗ trợ.

Dài dòng vậy để hỏi: Bà con ai ở ngoài giúp bà con trong này tí rau được không? Vô cùng cảm tạ! Địa chỉ ở đây là: Hẻm 77 Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM.

Nhà báo Đỗ Hùng 

Mời độc giả gửi bài viết về Email: bandoisong@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!
Có lẽ Sài Gòn thực sự nghỉ ngơi...

Có lẽ Sài Gòn thực sự nghỉ ngơi...

Vậy là hôm nay Sài Gòn bước vào 15 ngày thật đặc biệt…