Chỉ sợ bị “tranh” mất suất đi

Đang xếp hàng làm thủ tục lên chuyến bay 9h sáng ngày 6/7 vào TP. Hồ Chí Minh, Đỗ Thị Thơm (sinh viên năm thứ 5 ngành Bác sĩ Y học dự phòng, Đại học Y Hà Nội) thấy chuông điện thoại đổ liên hồi. Lướt nhìn, Thơm thấy màn hình hiện tên “Mẹ”. Thơm vừa bắt máy, mẹ đã hỏi dồn dập: “Con gái à, vào đến nơi chưa? Trong đó thế nào? Nhớ là tuyệt đối phải giữ an toàn nhé!”.

Nghe giọng nói của mẹ, nước mắt Thơm bỗng trào ra. Cô gái trẻ cố đáp lời một cách bình thường rằng, đoàn vẫn chưa lên máy bay và dặn mẹ yên tâm. Suốt cuộc điện thoại, nước mắt đôi bên cứ chảy mà không nói được gì nhiều ngoài mấy câu dặn dò.

{keywords}
Thơm tham gia lấy mẫu test Covid-19.

Đây là lần thứ hai, nữ sinh đặt bố mẹ mình vào tình thế “đã rồi”. Hồi giữa tháng 5, khi trường thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19 ở Bắc Ninh, Thơm đã nhanh tay đăng ký một chân vì sợ các bạn khác “tranh” mất phần.

Biết chắc tên mình đã có trong dách sách đi Bắc Ninh, Thơm mới bấm máy gọi điện cho bố mẹ trong tâm trạng nửa mừng nửa lo. Đúng như dự đoán, bố mẹ Thơm phản đối ngay lập tức. Ai cũng bảo Thơm “còn trẻ thế, nhỡ không may mắc virus thì làm sao?”. Thơm hiểu những lo lắng của bố mẹ nên nhẹ nhàng thuyết phục và cuối cùng cũng được cả hai ủng hộ.

{keywords}
Nữ sinh luôn cố gắng mỉm cười dù điều kiện làm việc vô cùng nóng nực.

Sau 1 tháng tham gia truy vết, lấy mẫu ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh, Thơm trở về Hà Nội cách ly 14 ngày. Đúng ngày lên trường lấy mẫu xét nghiệm để kết thúc đợt cách ly, Thơm lại hay tin trường đang huy động lực lượng vào Bình Dương.

Dù biết trong đó dịch đang bùng rất mạnh nhưng Thơm không ngần ngại đăng ký tham gia. Một lần nữa, khi tên mình đã có trong danh sách, cô gái mới gọi điện về thông báo cho bố mẹ.

Lần này, bố mẹ Thơm phản đối kịch liệt hơn. Những ngày đầu tháng 7, Thơm vừa tất bật chuẩn bị đồ lên đường, vừa đi tiêm vắc xin mũi 2, vừa tranh thủ gọi về thủ thỉ với mẹ. Thơm bảo, nếu ai cũng sợ nguy hiểm thì ai sẽ xông pha chống dịch đây? Mẹ hãy coi như đây là lần đi học thực tế, trải nghiệm cộng đồng của bản thân con. Cuối cùng bố mẹ Thơm cũng không đành lòng ngăn cản con.

Chiếc “lò nung” 50 độ C

Bình Dương đón đoàn tình nguyện của Thơm bằng cơn mưa tầm tã. Dọc đường đi, tiếng còi xe cảnh sát giao thông dẫn đường hú vang. Phố xá vắng vẻ. Hàng quán kín bưng. Một không khí căng thẳng hơn nhiều những ngày tới Bắc Ninh. Thơm và các bạn biết rằng, những ngày tới sẽ vất vả, áp lực hơn rất nhiều.

{keywords}
Một hình ảnh ngày thường của Thơm.

Đoàn của Thơm được phân công về thị xã Bến Cát, Bình Dương. Hàng ngày, Thơm tham gia truy vết, đi lấy mẫu cộng đồng, lấy mẫu trong các khu cách ly tập trung, các công ty, xí nghiệp. 

Thơm nhớ như in hình ảnh ba mẹ con tại một điểm lấy mẫu ở thị xã Bến Cát. Trong ba người, bé trai chừng 7-8 tuổi không may dương tính với test nhanh Covid-19. Khi Thơm thông báo kết quả, người mẹ thương con quá cứ ôm lấy con khóc nức nở.

Vì sợ cậu bé sẽ lây nhiễm cho mẹ và mọi người xung quanh, nhóm của Thơm lấy cho cậu bé một chiếc ghế và dẫn em ngồi ra một góc xa. Đồng thời, Thơm cũng tách mẹ và chị của cậu bé ra, không cho mẹ ôm con nữa. Thơm khuyên người mẹ nên về nhà chuẩn bị chút đồ đạc cá nhân để con trai mang vào khu điều trị. Người mẹ đã chịu rời con ra nhưng không ngừng năn nỉ xin đi theo. Chị bảo bản thân có thể chấp nhận nhiễm bệnh để chăm con.

Tuy nhiên, Thơm giải thích rằng, cậu bé sẽ được test PCR một lần nữa. Nếu chắc chắn mắc bệnh thì bé sẽ được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo. Nếu chị đi theo thì nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất cao. Thêm một người mắc bệnh là thêm gánh nặng cho khu điều trị.

Cuối cùng, người mẹ cũng nguôi ngoai. Lúc ấy, nhìn cậu bé ngơ ngác ngồi một góc, Thơm thấy vô cùng thương cảm. Covid-19 đã khiến một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi chơi phải xa mẹ để một mình đương đầu với bệnh tật.

Thời tiết Bình Dương khá oi nóng. Nhiều hôm, trời về trưa hoặc chiều không một gợn gió cộng với bộ đồ bảo hộ kín bưng, Thơm cảm nhận như mình đang ở trong một chiếc lò nung tới 50 độ C.

Ai nấy trong đội đều rã rời, cơ thể ướt sũng, da sạm đi, bàn tay nhăn nheo vì đeo găng tay trong nhiều giờ đồng hồ, đôi mắt thâm quầng. Những lúc kiệt sức như vậy, Thơm lại nghĩ đến những bệnh nhân mắc Covid-19 đang nằm điều trị, nghĩ đến mọi người đang chung tay chống dịch để có thêm động lực.

Thơm bảo, liều thuốc tinh thần của mình chính là những cuộc gọi điện thoại từ quê nhà Hưng Yên của bố mẹ, là tin nhắn bạn bè thông báo “tao vẫn ổn, sau dịch mình gặp nhau nhé”. Đặc biệt là những ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhận phiếu xét nghiệm âm tính.

{keywords}
Đại diện UBND thị xã Bến Cát tặng hoa chia tay đoàn sinh viên Đại học Y Hà Nội của Thơm.

Cô gái trẻ kể có lần đến một trường tiểu học để xét nghiệm đợt cuối cho các đối tượng đang cách ly tại đây. Vì là test nhanh nên chỉ mấy chục phút sau khi đoàn lấy gần 300 mẫu, các phòng đã được nhận kết quả. Tiếng hò hét vui mừng cứ dội vang từ phòng này sang phòng kia khi người dân nhận kết quả âm tính. Thơm đang sửa soạn ra về nghe tiếng reo vui mà thấy bao mệt mỏi như tan biến.

Những ngày đi lấy mẫu, nhiều khi, giấc ngủ của Thơm và các bạn được tính bằng vài phút ngắn ngủi. Mệt quá thì nằm thiếp đi một chút. Có hôm, cô gái trẻ đi lấy mẫu đến 0h mới về khu nghỉ ngơi, 1-2h mới được ngả lưng xuống giường. Sáng hôm sau, 7h30 đã tức tốc gọi điện truy vết.

Giờ giấc bữa ăn cũng thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ. 11-12h ăn cơm trưa nhưng 15h đã có bữa tối. Lúc ấy, ai vẫn còn no thì cũng cố gắng ăn hết rau, thịt… để có thêm sức. Thông thường cứ 16h-17h là Thơm cùng đoàn đến điểm lấy mẫu và làm việc đến tận đêm khuya.

{keywords}
Thơm tại Bình Dương tháng 7/2021.

Tại mỗi điểm lấy mẫu, nhóm của Thơm đều được người dân mua nước, bánh kẹo, hoa quả bồi dưỡng. Thơm kể, có hôm thấy đoàn lấy mẫu đến 21h mà chưa ăn cơm, một bác tổ trưởng tổ dân phố đã lặn lội đi mua cơm hộp cho đoàn. Cơm đưa về, bác bảo cả đoàn nghỉ tay ăn rồi làm tiếp. Nhưng vì không muốn người dân chờ lâu, Thơm cùng các bạn bảo nhau cố gắng thêm chút nữa. Lúc cầm đến hộp cơm thì đã nguội ngắt. Nhưng khi ăn, ai cũng thấy ngon miệng, phần vì đói, phần vì cảm động trước tình cảm của bác tổ trưởng tổ dân phố. 

Khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ là Thơm sẽ nhịn luôn việc uống nước trong 4-5 tiếng liền, dù thời tiết có nắng nóng hay bản thân mỏi mệt thế nào. Bởi chỉ cần uống 1 ngụm nước thôi là sẽ phải thay một bộ đồ bảo hộ. Thơm và bạn bè rủ nhau chịu khát để tiết kiệm đồ bảo hộ cho đoàn.

Đến nay, sau 45 ngày chống dịch ở Bình Dương, theo sự phân công của nhà trường, Thơm đã về Hà Nội cách ly. Nhà chỉ cách Hà Nội 20km. Thông thường cứ một hai tuần Thơm lại về nhà. Nhưng vì tham gia chống dịch, gần 4 tháng nay Thơm chưa về thăm bố mẹ. Dẫu vậy, khi được hỏi, cô sinh viên trường y vẫn mỉm cười nói: “Nếu dân cần, chúng em vẫn tiếp tục lên đường”.

Bài: Hồng Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nữ sinh Sài Gòn theo bố đi chống dịch

Nữ sinh Sài Gòn theo bố đi chống dịch

Những ngày gần đây, anh Hùng có thêm một người bạn đồng hành trên đường chống dịch, đó chính Đinh Châu Ngọc Minh, 18 tuổi, con gái của anh.