A Yuan (26 tuổi) sở hữu bộ sưu tập búp bê đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Dollfie Dreams, Smart Dolls và Obitsu. Cô nói rằng những con búp bê đã mang đến màu sắc mới cho cuộc sống vốn nhàm chán của mình.

Theo Shanghai Daily, những người cùng sở thích với A Yuan tự gọi mình là "bà mẹ búp bê". Đối với họ, búp bê không chỉ là đồ chơi mà giống như người thân, là một phần trong gia đình.

choi bup be anh 1

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc đam mê sưu tầm búp bê.

Búp bê là người thân

Cô nàng 25 tuổi có biệt danh Alkaid chia sẻ đã chơi búp bê được 8 năm. "Với tôi, chúng là những đứa con. Tôi thiết kế cá tính, trang điểm cho từng con một. Chúng là duy nhất và tôi sẽ không bao giờ bán lại với bất cứ giá nào".

Bên cạnh mua quần áo, cô còn đưa búp bê của mình đi chụp ảnh, tham quan triển lãm và viết truyện về chúng. Mỗi búp bê trong bộ sưu tập của cô có một ngày sinh nhật riêng.

"Mẹ tôi cũng ủng hộ sở thích này và thường đi cùng tôi tới công viên để chụp ảnh cho những con búp bê. Năm ngoái, mẹ cùng tôi đến triển lãm Shanghai Dolly Paradise, bà còn mua búp bê làm quà sinh nhật cho tôi", Alkaid kể.

Yang Lin (27 tuổi) mới gia nhập hội "bà mẹ búp bê" được một năm. Cô đặt những con búp bê trong văn phòng và thay trang phục mới cho chúng theo mùa.

"Đôi khi tôi mang theo búp bê trong những chuyến công tác. Mỗi con có một phong cách riêng".

choi bup be anh 3

Với những người sưu tập, búp bê giống như con cái, họ tạo ra tính cách và phong thái riêng cho từng con.

Sưu tập búp bê là sở thích không phân biệt giới tính. Xiao Ming (32 tuổi, cựu sinh viên mỹ thuật đến từ Cáp Nhĩ Tân) là một "ông bố búp bê". Năm 2009, anh sở hữu búp bê đầu tiên và đặt tên nó là Xue Mi.

"Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại Bắc Kinh một thời gian. Đó là khoảng thời gian tôi rất cô đơn. Câu duy nhất tôi hay nói là 'cảm ơn' với nhân viên thu ngân ở siêu thị. Những con búp bê đã cứu tôi, mang lại sự thoải mái về tinh thần".

Xiao Ming mua hai con búp bê đầu tiên bằng tiền tiêu vặt ông nội cho. Sau khi ông mất, anh đặt những con búp bê đó vào tủ kính để tưởng nhớ ông.

Đam mê

Búp bê đang trở thành lĩnh vực kinh doanh sinh lời lớn ở Trung Quốc. Tại Thượng Hải, Bluemoon Dollhouse trên đường Hồng Kiều là một trong số ít các cửa hàng truyền thống trong ngành hàng chủ yếu bán online.

Búp bê được trưng bày khắp nơi, xếp từ kệ đến tủ kính. Chủ cửa hàng là Lan Yue (36 tuổi) cho biết cô lần đầu làm quen với thế giới búp bê vào năm 2005, sau khi được một người bạn cho xem con búp bê ball jointed doll - loại có khớp nối.

Đó là loại búp bê có thể ngồi và đổi nhiều động tác khác nhau nhờ có khớp nối linh hoạt. Những con búp bê châu Á hiện đại thuộc loại này thường được làm bằng nhựa, sản xuất lần đầu tiên vào năm 1999 khi công ty Nhật Bản Volks tạo ra dòng búp bê Super Dollfie.

Mức giá để sưu tập được loại búp bê này không hề rẻ. Super Dollfies có giá hàng nghìn nhân dân tệ, một bộ đầy đủ có giá 10.000 tệ (1.544 USD). Thời điểm đó, khi mua hàng qua mạng chưa phổ biến, việc đặt mua chúng rất khó khăn.

Lan Yue đã lập tức bị hớp hồn. "Con búp bê đó được trang điểm tinh tế và mặc bộ váy rất đẹp. Tất cả khớp nối giúp nó cử động và thực hiện nhiều động tác".

choi bup be anh 4

 

choi bup be anh 5

Từ đam mê sưu tập, Lan Yue chuyển sang kinh doanh búp bê.

Lan đã mua con búp bê đầu tiên từ nhà sản xuất búp bê trong nước Doll Zone. Cô thiết kế quần áo và trang điểm cho nó.

Ngay sau đó, cô trò chuyện trực tuyến với những người thích sưu tập búp bê khác. Từ đam mê, cô chuyển sang kinh doanh búp bê, cô bỏ công việc sản xuất tạp chí rồi mở một cửa hàng chuyên về búp bê và phụ kiện.

Bluemoon Dollhouse mở cửa vào năm 2008. Lan tự tìm địa điểm, trang trí cửa hàng và liên hệ với các thương hiệu búp bê khác nhau để trở thành đại lý ủy quyền.

Nhờ những bài quảng cáo trực tuyến, cửa hàng của cô dần nổi tiếng. Cuối tuần, khách đông và nhiều người phải xếp hàng chờ ngoài cửa.

"Cửa hàng cũng giúp tôi có thêm nhiều bạn mới có cùng đam mê. Chúng tôi thường đi ăn, đi chơi hay hát karaoke với nhau. Công việc mệt nhọc nhưng tôi vui vì được làm thứ mình yêu thích".

Lan nói rằng những người "nuôi" búp bê tạo ra cá tính cho những "đứa con" thông qua cách trang điểm, quần áo, một số bắt chước nhân vật trong hoạt hình, truyện tranh hay trò chơi. Chủ nhân đôi khi còn tổ chức tiệc búp bê.

"Đây là sở thích lành mạnh. Nhiều chủ sở hữu học để trang điểm và thiết kế thời trang cho búp bê của họ. Không ít người học về nhiếp ảnh để chụp hình cho chúng. Khi thiết kế quần áo cho búp bê, họ đang xây dựng ước mơ".

Chuyên gia trang điểm Hei Zhu Ren đã tạo ra thương hiệu Búp bê Bel-Eve. Bel-eve Doll do Hei tạo ra mang phong cách của các nhân vật trong tiểu thuyết Trung Quốc cổ đại, thường diện trang phục truyền thống.

Hei yêu thích và sưu tập búp bê từ khi còn học đại học. Khi số lượng búp bê quá lớn và không đủ tiền sắm sửa cho chúng, cô bắt đầu tự làm phụ kiện.

Hei chuyển hướng mua búp bê nhựa Obitsu của Công ty sản xuất nhựa Obitsu, Nhật Bản. Nhưng cô không thích hình dạng cơ thể của loại búp bê này và muốn có phiên bản Trung Quốc và đã tạo ra loại riêng của mình.

Theo Zing

Thạc sĩ bán chân gà gây tranh cãi ở Trung Quốc

Thạc sĩ bán chân gà gây tranh cãi ở Trung Quốc

Lấy bằng thạc sĩ tại trường đại học danh giá nhưng lại mở quầy bán chân gà nướng ở quê, Yu Hongtao khiến nhiều người cho rằng anh lãng phí tài năng, không có chí tiến thủ.