Sau khi từ bỏ công việc bán thời gian ở một quán ăn tại Seoul vào năm 2020, Kim Sun-jin (20 tuổi) bắt đầu mua xổ số mỗi tháng.

Thời điểm đó, dịch Covid-19 mới bùng phát ở Hàn Quốc, khiến thị trường việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Tôi mua vé số hàng tháng với hy vọng mình sẽ đổi đời. Ai cũng cảm thấy lạc quan và đỡ lo lắng về tương lai hơn nếu nghĩ đến khả năng trúng hàng tỷ won, dù cơ hội mong manh", Kim nói với Korea Times.

Trước đó, cô nghĩ công việc phục vụ của mình sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định.

"Công việc này không đòi hỏi cao, đôi lúc chủ quán còn thưởng thêm tiền nếu ngày hôm đó đắt khách. Song, lệnh hạn chế tụ tập sau giờ làm khiến doanh thu của cửa hàng giảm đột ngột, tôi buộc phải nghỉ việc", cô nói.

nguoi han mua ve so anh 1

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều người Hàn Quốc bám vào suy nghĩ đổi đời nhờ xổ số để lạc quan hơn. Ảnh: Yonhap.

Lee Hee-chan (40 tuổi), sở hữu một studio dành cho các lớp khiêu vũ, nói rằng anh hiểu nguyên nhân khiến nhiều người mua vé số.

"Chỉ cần trúng số, mọi vấn đề của tôi sẽ được giải quyết. Tôi không cần trả tiền mặt bằng hàng tháng hay lãi thế chấp, chẳng cần chật vật nghĩ cách kiếm sống".

Lee từng hy vọng lệnh cấp tụ tập sẽ sớm được dỡ bỏ, các học viên sẽ quay lại lớp học. Tuy nhiên, các quy định giãn cách xã hội vẫn tiếp tục siết chặt vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Kim và Lee là 2 trong số những người đã đóng góp vào doanh thu vé số hàng năm ở Hàn Quốc vào năm 2021, ước tính đạt gần 6 nghìn tỷ won. Dưới sức ép kinh tế bởi đại dịch, ngày càng nhiều người tìm đến loại hình này để kiếm lời.

Dữ liệu từ Bộ Kinh tế và Tài chính cho thấy con số này đạt mức cao nhất mọi thời đại, tăng gần 10,3% so với năm 2020.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh thu vé số ở Hàn Quốc có mức tăng trưởng 2 con số, sau khi tăng 13% vào năm 2020.

Nhà kinh tế học Lee In-ho từ ĐH Quốc gia Seoul nhận xét các số liệu này cho thấy thực tế đáng buồn của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Khi mọi người cảm thấy bất an về kinh tế, họ càng có xu hướng mơ về những cơ hội mong manh", Lee nói.

Theo Korea Times, khoảng 2/3 số tiền thu được từ doanh thu vé số được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các nhóm thu nhập thấp, cung cấp nhà ở và học bổng cho các chương trình mạng lưới an sinh xã hội khác.

Năm ngoái, khoảng 1,4 nghìn tỷ won được dùng để hỗ trợ thu nhập cho các nhóm yếu thế; hơn 550 tỷ won được phân bổ vào các chương trình nhà ở công cộng và 156 tỷ won cho các trải nghiệm văn hóa.

Theo Zing

Văn hóa nhậu ở Hàn Quốc ngày càng cực đoan

Văn hóa nhậu ở Hàn Quốc ngày càng cực đoan

Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Hàn Quốc và các quán nhậu trải qua nhiều đợt đóng cửa, lượng tiêu thụ bia không cồn tại nước này tăng mạnh.