Tại buổi giao lưu, ra mắt tập thơ mới chiều 7-12, tại một quán cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM), Nguyễn Phong Việt đã trải lòng cùng bạn đọc về thơ, những chất liệu để tạo nên những tác phẩm của anh trong suốt gần 10 năm qua. Theo anh, đó là những nỗi buồn, thậm chí là nỗi đau đớn tột cùng… vì “nếu vui thì đã không có gì để viết” và vì thế “cũng không có thơ cho các bạn đọc”.

{keywords}
Tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Phong Việt - Mình sẽ đi cuối đất cùng trời - Ảnh: L.Đ.L

Nhà thơ Phong Việt chia sẻ, những điều anh viết trong thơ chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực với ai đó, cũng có thể nói hộ lòng ai đó, nhưng trên hết là để cho chính anh. “Khi viết ra được nỗi lòng của mình là lúc mình đi qua được những nỗi đau đó”, anh chia sẻ. Và cũng theo nhà thơ, có những thời điểm, anh không ngủ được và phải bật dậy để viết thơ, đó là những lúc 1-2 giờ sáng của cách đây hơn 10 năm, những lúc trải qua những chông chênh, trắc trở.

Có người hỏi Nguyễn Phong Việt, anh có hạnh phúc không, nhà thơ trả lời rằng, có thể lúc này anh chưa phải là người hạnh phúc nhưng là một người bình an khi nhìn lại một quãng đường, nhìn lại tất cả để rồi… tha thứ được cho mọi chuyện, đặt dấu chấm hết cho những mối quan hệ không còn đủ nhân duyên tiếp tục.

{keywords}
Nhà thơ Phong Việt 

Tại buổi giao lưu, trả lời cho câu hỏi “cuối đất cùng trời” là nơi nào, Nguyễn Phong Việt nhẹ nhàng cho biết, đó không phải là không gian vô tận nào đó, mà đơn giản chỉ là một căn nhà có mảnh vườn, mình trú ngụ bình an ở đó, khi đã buông được bớt những nỗi đau, vướng bận, khi có thể sống một cuộc đời đơn giản hơn.

Cũng theo anh Việt, thì hiện tại, anh đã sống giản đơn dần, khi mở tủ đồ ra, chỉ toàn là áo sơ mi trắng, để mình không phải bận rộn nghĩ suy sẽ mặc gì hôm nay; thay vì ăn thức này món kia, thì anh đã hài lòng với chuyện ăn rau, đậu, khoai lang…

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng chia sẻ, để hành trình với chữ trọn vẹn, anh sẽ còn ra thêm hai tập thơ cũng vào mùa cuối năm như thế này, dự kiến là “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa?”, rồi đến “Đi qua thương nhớ” (phần 2).

Về việc hướng đến nơi cùng trời cuối đất đó, trong tập thơ mới có thể bắt gặp “Thôi mình ngồi xuống đây/ gác lại trăm ngàn giấc mộng dài…”; “Thôi mình ngồi xuống đây/ trước một mái hiên nhà…”.

Khép lại buổi giao lưu, nhà thơ chia sẻ, những ngày Sài Gòn se se, nếu chưa có một người để ôm cho ấm, có thể tự làm ấm mình bằng nhiều cách, cách đơn giản là đi mua một chiếc áo ấm hoặc một chiếc khăn choàng cổ. Đó có lẽ cũng là suy nghĩ tích cực như lời anh viết nơi bìa sách: “Tiếc một đoạn đường đời để cả quãng đời về sau vỡ nát hay buông tay cho mình khóc ngất rồi tự đứng lên…”.

Được biết, Nguyễn Phong Việt là tác giả của các tập thơ bán chạy Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Về đâu những vết thương, Sống một cuộc đời bình thường, Sao phải đau đến như vậy, Chỉ cần tin mình là duy nhất.

Trang Hạ: ‘Làn sóng dìm hàng trai Tây bắt nguồn từ những phụ nữ cuồng trai Tây’

Trang Hạ: ‘Làn sóng dìm hàng trai Tây bắt nguồn từ những phụ nữ cuồng trai Tây’

 ‘Có một số người phụ nữ châu Á nghĩ rằng cơ hội trong cuộc sống, tình yêu của mình sẽ cao hơn, có giá trị hơn nếu như mình dám hẹn hò với một người đàn ông da trắng và nói tiếng Anh’.  

Lưu Đình Long