Ngày 26/3, sau trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan kết thúc, vô số các vỏ chai, bao nilon, vỏ trái cây… vứt vương vãi khắp các ngả đường ở sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), trông vô cùng phản cảm.

Ngay lúc đó, hai cầu thủ Phan Văn Đức và Đỗ Hùng Dũng đã cùng các bạn trẻ xắn tay áo, xách bịch đi nhặt từng cọng rác, gom lại cho các cô chú công nhân vệ sinh chở đi tiêu hủy.

Công việc hoàn tất, Văn Đức đăng hình ảnh về việc làm của mình lên trang cá nhân, kèm câu nói: 'Hành động từ những việc nhỏ để thay đổi cả thế giới. Chúng tớ và các em nhỏ đã làm được. Còn các bạn… tại sao không?'.

Ngay lập tức, hình ảnh nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ, cảm phục.

{keywords}
Văn Đức và Hùng Dũng đã dọn sạch rác ở sân Mỹ Đình trong đêm 26/3. Ảnh: Văn Đức.

'Đức không ngại đi nhặt rác. Đức chỉ cần các bạn lên tiếng và cùng đồng hành”, Văn Đức nói.

Cùng với hai cầu thủ, những ngày qua nhiều nhóm tình nguyện, bạn trẻ đi đến các nơi có nhiều rác thải dọn dẹp sạch sẽ theo trào lưu ‘Challenge For Change’. Cụ thể, nhóm của chàng trai Võ Thành An, hiện 28 tuổi đã dọn sạch bãi rác ở bãi Đá Đen, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 24/3 vừa qua.

An cho biết, không phải anh dọn rác để chạy theo trào lưu mà mỗi khi đi du lịch, hình ảnh mọi người vứt rác bừa bãi đã khiến anh trăn trở và hành động.

‘Trước đây, đi cắm trại hay đâu đó nhóm của mình đã có ý thức dọn sạch rác ở khu vực đó. ‘Ban đầu, bọn mình định dọn bãi nhỏ nhưng sau đó vô tình phát hiện ra một bãi rác lớn hơn. Nhóm về kêu gọi nhiều người hơn tham gia cùng’, An nói.

Trước đó, nhóm của An gồm 8 người đã dọn rác vào ngày 10/3. Sau đó, các hình ảnh được nhóm lan truyền trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người tham gia cùng. Rất may mắn con số đăng ký tham gia lên tới khoảng 60 người vào đợt dọn rác lần thứ 2 ở bãi Đá Đen.

{keywords}
Khối lượng rác khổng lồ làm ai chứng kiến cũng choáng ngợp. Ảnh: Võ Thành An.

‘Tình trạng rác ở đây rất khủng khiếp, chỉ nhìn thì không biết bao giờ mới dọn xong. Lượng rác chủ yếu là rác sinh hoạt do người dân thải ra’ An nói.

Chàng trai quê Đà Nẵng cho biết, khu vực nhóm dọn rác rộng khoảng 300-400m2, địa hình hiểm trở, trời mưa dễ trơn trượt. Buổi dọn rác vào ngày 24/3 mới hoàn thành khoảng 30% công việc và nhóm dự kiến sẽ tiếp tục làm cho tới khi dọn sạch rác ở khu vực này.

‘Có một điều không được như dự kiến là có khoảng 60 bạn đăng ký tham gia nhưng buổi sáng hôm đó chỉ có 35 bạn tới. Một phần có lẽ do các bạn đăng ký cho vui, theo trào lưu. Điều đó gây khó khăn cho công tác hậu cần. Dụng cụ, đồ ăn thức uống đã chuẩn bị bị thừa ra. Thiếu người, những bạn được phân công làm công tác y tế, hậu cần cũng phải xắn tay vào làm cùng’.

Sau đó, khi hình ảnh được chia sẻ trên Facebook, một số bạn trẻ vãng lai cũng đến góp công sức. Tổng cộng ngày hôm đó có khoảng 40 người tham gia công việc.

{keywords}
Nhóm anh An chụp hình kỷ niệm sau khi dọn rác xong. Ảnh: Võ Thành An.

An cho biết, do thời tiết không thuận lợi nên đến 3 giờ chiều, nhóm phải dừng công việc.

‘Khu vực này là địa hình trên núi. Để đến được đây phải đi 3-4km từ dưới lên bằng xe máy, sau đó tập kết xe ở một điểm, rồi đi bộ xuống sát biển cách khoảng 100m, tiếp tục leo qua các vách đá khoảng 200-300m nữa. Trời mưa to khiến đường trở nên rất nguy hiểm, có bạn đã bị trầy xước chân tay, vì thế nhóm quyết định dừng sớm và rút xuống núi’.

Thành quả của ngày hôm đó là 50-60 bao tải rác loại lớn. Để kéo được lượng rác này đến nơi để xe máy, nhóm phải xếp hàng chuyền tay nhau.

‘Mưa lớn, bao tải nặng gấp 3 lần bình thường. Cả nhóm hôm ấy phải tắm mưa luôn’.

An cho biết, cả nhóm 40 người hầu như không ai quen biết ai, tất cả đều là thành viên trên cộng đồng Facebook.

Cậu cho rằng, mặc dù hoạt động này xuất phát từ một trào lưu nhưng với tâm huyết của một số anh em quan tâm đến môi trường như An, cậu tin những hoạt động như thế này có thể duy trì và tiếp tục phát triển.

‘Có thể những lần sau không phải là dọn rác nữa, mà là trồng cây, cải tạo một khu đất nào đó… Hoạt động của nhóm có thể không thường xuyên định kỳ, mà phần lớn tranh thủ thời gian rảnh vào cuối tuần’, An chia sẻ.

{keywords}
Từ bãi rác khổng lồ, nhóm chị Cúc đã dọn sạch, trả lại môi trường sạch cho biển. Ảnh: Kim Cúc.

Hành động của nhóm An sau đó đã được nhận thư khen ngợi của ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng. Đây cũng là một nguồn động viên tinh thần cho các bạn trẻ trong nhóm.

An tin rằng, khi các bãi rác đã được nhóm dọn sạch thì những người có ý định xả rác bừa bãi cũng sẽ phải suy nghĩ lại.

Khi được hỏi về giải pháp, An cho rằng những khu vực như bãi Đá Đen của Sơn Trà nên đặt các thùng rác công cộng. ‘Hiện tại, mình không thấy thùng rác nào ở đây. Mọi người đi cắm trại, thường sẽ có ý thức gom vào túi nhưng lại vứt ở đó không đem về. Dần dần rác bị cuốn trôi ra biển, rồi lại tấp vào bờ’.

‘An chỉ mong, khi đi chơi, các bạn hãy có ý thức mang cái gì đi thì hãy mang theo cái đó về. Hãy góp một tay bằng những hành động rất nhỏ bé thôi, không cần phải làm điều gì to lớn cả’, chàng trai nói.

Từ tháng 9/2018 đến nay, hai chị em chị Giang Thị Kim Cúc, giám đốc một công ty bất động sản ở quận 2, TP.HCM cũng đã đi khắp nơi nhặt rác.

Trước khi dọn rác cho một địa điểm, nhóm của chị chụp hình trước và khi dọn xong. Sau đó, họ sẽ ghép hai hình ảnh lại so sánh rồi đăng lên trang cá nhân.

{keywords}
Chị Cúc cho biết, mọi chi phí về việc đi dọn rác là do hai chị em tự bỏ ra. Ảnh: Kim Cúc.

Đến nay, nhóm của chị Cúc đã dọn sạch rác ở các địa điểm: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, quận Thủ Đức (TP.HCM), bãi biển Vĩnh Lương (Nha Trang), các bãi biển ở Bình Thuận, Đà Lạt, Phú Quốc hay ở Lộc Ninh (Bình Phước)...

Chị Cúc cho biết, động lực để hai chị em chị bắt tay vào việc dọn rác là khi nhìn thấy anh Harrie Yelrek (người Hà Lan, thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Scuba) đã đến 42 nước trên thế giới và các địa điểm ở Việt Nam dọn vệ sinh. Lúc đó, hai chị em chị đặt câu hỏi: ‘Tại sao, người nước ngoài lại đến Việt Nam nhặt rác, còn mình chỉ biết xả rác bừa bãi’.

Ngay sau đó, chị em chị Cúc đã xắn tay áo, mang ủng, găng tay, bịt khẩu trang đến các bãi rác dọn sạch.

'Mới đầu, nhiều người nói chúng tôi khùng điên vì nhặt rác xong người ta cũng xả lại. Nhưng hai chị em tôi tự bảo, kệ họ. Mình phải hành động để nhiều người thấy đó làm gương và thấy hổ thẹn với việc chỗ nào cũng xả rác', nữ giám đốc năm nay 36 tuổi nói.

Tính đến nay, nhóm của chị Cúc đã đi đến các địa điểm của 28 tỉnh để nhặt rác. Ở mỗi địa điểm, nhóm của chị sẽ đến từng trường học, công sở và các khách sạn để vận động người tham gia cùng. Sau khi làm xong, họ được chính quyền địa phương ở nơi sở tại hỗ trợ phân loại rác, chở đến nơi tiêu hủy.

Chị Cúc cho biết, hai chị em đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ nhặt đủ 100 ngàn bao rác, vì thế, cứ rảnh hay các ngày lễ Tết là nhóm của chị sẽ mặc áo tình nguyện, áo có cờ đỏ sao vàng đến các nơi có nhiều người qua lại để nhặt rác.

'Bây giờ, ai yêu tôi thì hãy cứ đến các bãi rác', chị Cúc nói vui.

Lời kể của nam bác sĩ trong phòng học giải phẫu ở Mỹ

Lời kể của nam bác sĩ trong phòng học giải phẫu ở Mỹ

Hôm đầu tiên mổ xác, một bạn nữ đã ngất xỉu vì không chịu được mùi và thấy cảnh tử thi bị dốc ngược lên.

Nguyễn Thảo - Tú Anh