- Đánh giá người khác qua ngoại hình đã trở thành một thói quen, hoặc trực tiếp, hoặc sau lưng nhưng nhiều khi là rất thiếu tế nhị.

Gầy có phải là một tội không? Mình nghĩ là không. Thế nhưng thực ra cái suy nghĩ rằng, chúng ta có da có thịt và rất khỏe mạnh, để rồi sinh hoạt theo một cách không điều độ và bản thân chúng ta không biết mình đang có bệnh gì, hoặc có nguy cơ bị bệnh gì từ cách sinh hoạt thiếu khoa học của chúng ta mới thực sự đáng sợ.

{keywords}
Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc

Mấy tháng trước, mình 75 kg, nhưng cảm thấy cái bụng hơi to và người nhiều mỡ thừa. Việc duy trì một lối sống theo kiểu Âu, ăn uống khoa học và vận động liên tục như những năm tháng sống ở Ý, vẫn là chưa đủ để thực sự khỏe mạnh. Thế là mình tập gym và áp dụng một chế độ ăn theo chế độ của HLV riêng nhằm giảm mỡ (không phải là ăn kiêng nhé), trong đó hạn chế ăn tinh bột (chủ yếu là cơm) và từ mấy năm qua, mình đã giảm đồ ăn có mỡ và có đường. Giờ thì mình còn gần 72 kg, thấy rất khỏe mạnh, thậm chí còn khỏe hơn trước kia và các chỉ số sức khỏe đều "đẹp".

Thế nhưng phản ứng của mọi người thì thường là tiêu cực. Người nói mình "gầy quá", người nói mình "ốm quá", người lại bảo thẳng là mình có "vấn đề về sức khỏe, cần đi khám để xem có chuyện gì". 

Trong đầu của nhiều người đã đóng đinh một định nghĩa: gầy là yếu, là đói ăn, là khổ sở, là suy dinh dưỡng, trong khi họ chưa thực sự hiểu những khái niệm cơ bản về việc ăn uống ngủ nghỉ hoặc tập thể thao một cách khoa học. Nhiều người cũng không chia sẻ những khái niệm về việc kiểm soát chế độ ăn, chế độ uống, chưa tính đến những người lấy việc nhậu nhẹt làm niềm vui.

Nỗi ám ảnh của việc gầy là xấu có lẽ bắt nguồn từ những năm tháng đói kém đã qua trong quá khứ, đến mức đến giờ vẫn còn chi phối suy nghĩ của nhiều người. Bà thấy cháu mình gầy hơn cháu nhà hàng xóm là kiểu gì cũng bón đút cho bụ bẫm mới thôi. Mẹ chỉ cần nghe ai đó xì xào là con mình gầy, tức là không biết chăm con thì rất tự ái nhưng lại không biết chế độ ăn nào là phù hợp với nó. 

Ngoại hình đã trở thành một điều mang tính cửa miệng của người Việt trong văn hóa giao tiếp, khi thay vì tế nhị hỏi "Bạn khỏe không?" thì có khi lại nói luôn là "Dạo này cậu gầy/béo quá?". Đánh giá người khác qua ngoại hình cũng đã trở thành một thói quen, hoặc trực tiếp, hoặc sau lưng nhưng nhiều khi là rất thiếu tế nhị.

Thật khó có thể có một cơ thể hoàn hảo, một sự hoàn hảo không tồn tại. Cũng không có cơ thể nào được tạo ra là để phục vụ mắt nhìn của người khác, cơ thể chúng ta là ngôi nhà duy nhất mà chúng ta sống trong đó. Sự gầy béo của ai đó sẽ trở nên vô nghĩa, nếu trong cơ thể đó chất chứa những điều bất ổn, hoặc ta biết thừa rằng làm một điều gì đó có hại cho sức khỏe nhưng vẫn phớt lờ và không thay đổi lối sống có hại ấy.

Nếu có thể, hãy thể thao nhiều hơn, nghĩ tích cực hơn, sống cởi mở hơn và ý thức được việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa tốt thế nào với bản thân...

Nhà báo Trương Anh Ngọc kể chuyện bị 'cưỡng' hôn giữa quảng trường Ý

Nhà báo Trương Anh Ngọc kể chuyện bị 'cưỡng' hôn giữa quảng trường Ý

Trước ngày lên xe hoa, những cô gái trẻ thường hay rủ đám bạn đến quảng trường và mời những người không quen chụp ảnh chia vui hoặc nhảy với họ. Tôi đã từng một lần bị họ quây lấy, bị họ hôn …

Nhà báo Trương Anh Ngọc