Ngày 15/11, hôn lễ của chú rể Trung Nhật (ngụ huyện Phù Mỹ) và cô dâu Diễm My (ngụ huyện Phù Cát) được tổ chức nhỏ gọn theo quy định của chính quyền địa phương vì tình hình dịch bệnh.

Khoảng 14h, khi đoàn rước dâu trở về, một đoạn đường dài khoảng 150 m dẫn vào nhà trai bị ngập nặng trên đầu gối. Lúc này, hai nhân vật chính phải ngồi vào thuyền thúng, được nối vào một chiếc khác có người chèo để kéo đi.

"Mưa lớn 3 ngày nay khiến nhiều khu vực bị ngập lụt nên chúng tôi cũng lường trước được phần nào tình hình. Vào buổi sáng, nước chỉ ngập khoảng ngang bắp chân song trời bắt đầu đổ mưa lại. Đến chiều, khi tôi đón dâu trở về, trời đã tạnh nhưng do nhà ở vùng trũng, nước dồn về khiến tình hình ngập trở nên nghiêm trọng hơn", Trung Nhật kể với Zing.

Vì vậy, khi thấy mực nước ngày càng dâng cao, trước khi đoàn rước dâu trở lại, phía nhà trai đã bố trí sẵn 2 chiếc thuyền thúng để hỗ trợ di chuyển cho an toàn. Những hình ảnh này được nhiếp ảnh gia Võ Thành Lượng của đám cưới ghi lại, chia sẻ trên mạng xã hội.

co dau chu re ngoi thuyen thung anh 1

Cô dâu, chú rể Bình Định phải di chuyển bằng thuyền thúng vì đường ngập nước. Ảnh: Võ Thành Lượng.

Cùng sinh năm 1998, Trung Nhật và Diễm My quen biết đã 9 năm nay. Đầu tháng 10 vừa qua, khi tình hình dịch Covid-19 tạm ổn định, hai bên gia đình nhanh chóng xúc tiến chuyện cưới xin cho đôi trẻ.

"Dù gặp chút sự cố, cả đoàn ai cũng vui vẻ, tranh thủ chụp lại những khoảnh khắc hài hước làm kỷ niệm. Đây cũng sẽ là chi tiết đáng nhớ trong ngày vui của chúng tôi", chú rể bày tỏ.

Ngày 24/10, chú rể Minh Ngọc và cô dâu Khánh Vy cũng phải nhờ đến thuyền thúng làm phương tiện di chuyển khi tổ chức hôn lễ vào thời điểm Quảng Ngãi mưa lũ.

Cụ thể, khi đoàn rước dâu trở về, còn cách nhà chú rể khoảng 300-400 m, mực nước ngập vẫn cao ngang đầu gối, đi lại khó khăn.

co dau chu re ngoi thuyen thung anh 2
co dau chu re ngoi thuyen thung anh 3

Cô dâu Khánh Vy được chú rể Minh Ngọc đẩy thuyền vào nhà. Ảnh: Nguyễn Kỳ Lu.

Lúc đó, anh Nguyễn Kỳ Lu, thợ chụp ảnh tại đám cưới, gợi ý chú rể đưa cô dâu lên thuyền thúng ngồi rồi đẩy vào nhà cho cô đỡ ướt. Sáng sớm cùng ngày, chiếc thuyền này vốn được nhà trai sử dụng để vận chuyển các mâm lễ vật.

"Về tới nhà cũng là lúc bộ vest của mình gần như ướt cả nhưng mình và mọi người đều vui vẻ, xem đây là kỷ niệm đáng nhớ trong ngày trọng đại. Ngoài sự cố đường ngập nước, may mắn là hôn lễ đã diễn ra suôn sẻ. Đợi tình hình dịch hoàn toàn được kiểm soát, hai bên gia đình sẽ bàn bạc chuyện làm tiệc đãi khách đầy đủ sau", chú rể chia sẻ.

Theo Zing

Chú rể đẩy thuyền thúng đưa cô dâu vượt lũ vào nhà

Chú rể đẩy thuyền thúng đưa cô dâu vượt lũ vào nhà

Rước dâu đúng ngày mưa lũ, đến đoạn nước ngập sâu, chú rể đã đưa cô dâu lên thuyền thúng rồi một mình đẩy vào nhà.