{keywords}
Nguyễn Đỗ Trúc Phương vui mừng khi mua cho chú Hải xe, điện thoại mới.

Niềm tin, chỗ dựa của những mảnh đời bất hạnh

Lặng lẽ trở về nhà sau một ngày dài chạy vạy cùng chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ của anh Phan Văn Tâm bị rắn độc cắn, SN 1992, ngụ huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, ngụ TP.HCM) trò chuyện cùng PV với giọng mệt mỏi.

Những ngày qua, hình ảnh cô gái xinh đẹp liên tục ra vào bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ chị Tuổi đã trở nên quen thuộc với những người quan tâm đến vụ việc anh Tâm bị rắn độc cắn.

Phương cho biết, cô đã vô cùng xúc động khi biết gia cảnh khốn khó của anh Tâm. Ngay sau đó, cô đã viết bài kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ gia đình anh trong cơn hoạn nạn.

Phương kể: “Đọc xong bài viết về hoàn cảnh của anh Tâm, tôi thấy thương lắm và viết bài kêu gọi ủng hộ. Tôi cũng không ngờ là mình kêu gọi được nhiều tiền đến thế. Đến nay, tôi đã nhận được hơn 200 triệu đồng từ những người có lòng hảo tâm”.

Có tiền, Phương đến bệnh viện Chợ Rẫy gặp chị Tuổi và hỗ trợ chị đóng tiền viện phí. Sự xuất hiện của Phương như cánh tay vững chắc vớt chị lên từ trong hố sâu tuyệt vọng.

“Chị Tuổi nói, các bác sĩ dặn chị ấy chỉ tin một mình tôi. Do đó, chuyện gì chị ấy cũng nhờ tôi. Ngay lúc này, tôi có cảm giác như chị ấy tin và xem mình như chỗ dựa duy nhất. Do đó, tôi tự thấy có trách nhiệm không để chị ấy thất vọng”, Trúc Phương chia sẻ.

{keywords}

Trước khi được Phương và mạnh thường quân giúp đỡ, chú Hải hầu như chỉ ăn bánh mì tình thương trừ cơm.

 

Trao đổi với PV, chị Tuổi xúc động nói, chị không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả niềm vui của mình khi nhận được sự giúp đỡ từ Phương và các nhà hảo tâm.

Chị Tuổi nói: “Tôi biết ơn Phương, trong lúc ngặt nghèo lại có một người tốt đến thế xuất hiện. Nếu không có chị ấy và các nhà hảo tâm, tôi không biết sẽ xoay sở thế nào”.

Trong khi đó, chú Hải xe ôm (64 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) lại xem Phương là một ân nhân lớn nhất đời mình. Chú cho biết, mấy chục năm qua, bản thân không có chỗ ở, việc làm ổn định.

Để mưu sinh, chú cùng chiếc xe máy cũ nát nay hỏng mai hư rong ruổi khắp các nẻo đường để chạy xe ôm. Tiền kiếm được không đủ sửa xe, chú phải ghé tủ bánh mì từ thiện xin bánh ăn qua bữa.

Lâu ngày thành quen, mọi người xung quanh tủ bánh hiểu và xót xa trước hoàn cảnh khốn khó của chú. Họ đăng tải câu chuyện đáng thương ấy lên mạng. Một cách vô tình, câu chuyện đã chạm đến trái tim nhân hậu của Phương.

Không quen biết, chưa một lần gặp mặt, cô gái vẫn quyên tiền, đến chở chú Hải đi mua xe máy, điện thoại, quần áo mới. “Cô Phương giúp tôi vơi bớt những khó khăn. Từ lúc có xe mới, điện thoại mới, tôi có nhiều khách hơn. Tôi không nghĩ rằng trên đời này lại có một người tốt đến như vậy”, chú Hải xúc động chia sẻ.

Làm việc thiện từ thuở ấu thơ

{keywords}
Sau khi biết hoàn cảnh của chị Tuổi, Phương đã kêu gọi cộng đồng mạng chung tay giúp vợ chồng anh chị vượt qua cơn hoạn nạn.

Sau những việc làm đầy nhân văn, cô gái bỗng nhiên nổi tiếng, được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, Phương lại cho rằng, việc này khiến cô trở nên áp lực. Bởi, cô luôn xem những việc làm ấy rất đỗi bình thường xuất phát từ tấm lòng của mình.

“Thật lòng, tôi làm những việc ấy từ cái tâm. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác để đạt được một mục đích cụ thể nào đó. Tôi chỉ nghĩ, mình may mắn hơn, cuộc sống mình tốt hơn, sao mình lại không giúp, không san sẻ với người khó khăn hơn mình. Làm như thế có mất gì đâu”, Phương thẳng thắn chia sẻ.

Phương nói rằng, ngày gặp chú Hải xe ôm, cô thương lắm, thương đến độ suýt không cầm được nước mắt. Cô cố không khóc, bởi lo sợ chú Hải thấy rồi lại buồn.

Khi nghĩ đến việc mang niềm vui cho người gặp khó khăn, Phương trở nên háo hức lạ thường, đến quên ăn quên uống.

Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là lần đầu tiên Phương giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Trước khi sang Úc du học, cô từng gia nhập một hội từ thiện từ nhỏ. Ở hội, cô làm nhiệm vụ phát quà.

Sau này, mỗi khi có dịp về nước, Phương vẫn duy trì việc đi khám bệnh, phát thuốc từ thiện, phát bánh mì tình thương… cho người nghèo. Mới đây, Phương chọn một hình thức thiện nguyện khác là thường xuyên giúp đỡ các trường hợp bị tai biến bằng cách đóng tiền viện phí cho họ từ 6-8 tháng.

{keywords}
Trúc Phương cũng cảm thấy áp lực khi "nổi tiếng" bất đắc dĩ

Bất ngờ hơn, Phương chia sẻ, mẹ cô kể, ngay từ rất nhỏ, Phương đã có tính thương người. Lúc 6-7 tuổi, thấy có ông lão nằm co ro trong tiết trời lạnh trước nhà, Phương đã vào nhà lấy áo của mẹ để đắp cho ông cụ.

Mấy ngày nay, khi thấy con xuất hiện trên báo, bà kể cho chị em Phương nghe việc lúc nhỏ, thấy ai bán vé số đi ngang qua, Phương cũng chạy vào nhà lấy cái thố, xúc cơm cho họ ăn…

“Tôi nhớ, lúc nhỏ, tôi có quen một ông lão bán vé số rất khổ. Tôi dặn ông là tối đến, cứ đúng 20h hãy đến nhà tôi, tôi sẽ lấy cơm cho ông ăn. Giờ, ông ấy mất rồi”, Phương nhớ lại.

{keywords}

Đến nay, chị Tuổi xem Phương như chỗ dựa duy nhất của mình.

 

 

Cảm thấy áp lực, mệt mỏi khi “nổi tiếng” bất đắc dĩ

Nguyễn Đỗ Trúc Phương chia sẻ: “Sau vụ chú Hải, có rất nhiều người nhắn tin, gọi điện cho tôi nhờ tôi giúp đỡ. Tôi thấy vui vì được nhiều người tin tưởng. Thế nhưng, điều này cũng khiến tôi rất áp lực và mệt mỏi.

Có quá nhiều người mong đợi, hy vọng ở tôi, tôi sợ khiến họ thất vọng. Nhiều trường hợp, sau khi xác minh, tôi nhận thấy họ không thực sự khổ. Khi tôi từ chối hỗ trợ, họ chuyển sang chửi bới, nói tôi làm từ thiện để làm nổi, đánh bóng tên tuổi…

Hơn nữa, hiện nay, tôi may mắn kêu gọi, hỗ trợ cho anh Tâm được số tiền rất lớn. Điều này khiến nhiều người nghĩ, khi họ nhờ tôi giúp, tôi cũng sẽ kêu gọi được số tiền lớn tương tự. Nhưng lỡ tôi không kêu gọi được nhiều như vậy thì sẽ khiến họ buồn, thất vọng. Thậm chí, nhiều người sẽ nghi ngờ là tôi ăn chặn, lừa đảo”.

 

Gia cảnh khốn khó của người 'ôm' rắn hổ mang chúa vào bệnh viện cấp cứu

Gia cảnh khốn khó của người 'ôm' rắn hổ mang chúa vào bệnh viện cấp cứu

Thời điểm nghe tin chồng bị rắn độc cắn phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, chị Tuổi rụng rời tay chân.

Nguyễn Sơn