Hơn ba tháng kể từ ngày rời làng đến TPHCM học đại học, Ka Ngà, sinh viên năm nhất khoa Ngôn ngữ Pháp, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn chưa có điều kiện về thăm gia đình. 

Ban ngày, cô bận đi học, tham gia các hoạt động ở trường, lớp. Tối, tuần ba buổi, Ngà đi làm thêm, thời gian còn lại thì ôn bài, đọc tài liệu, học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp.

‘Tiền làm thêm tháng được hơn 1 triệu đồng, chỉ đủ để em ăn, tiêu vặt nên không còn tiền về nhà nữa’, Ngà giải thích lý do đã hơn ba tháng chưa về nhà, dù rất nhớ bố mẹ, nhớ buôn làng.

{keywords}
Ngà trong một lần đi du lịch với lớp.

Vừa rồi, Ngà nhận được một suất học bổng 10 triệu đồng, do một công ty về du lịch trao. Cô dự định sẽ xin thêm gia đình để mua chiếc xe máy mới làm phương tiện đi làm thêm, vì chỗ ở cách chỗ làm hơn 15 km.

‘Em gọi về hỏi thăm, mẹ nói, mẹ mới đi rừng về. Nghe vậy, em chỉ biết ngồi khóc vì thương. Em không muốn mẹ khổ thêm nữa’, cô gái sinh năm 1999 nhắc về mẹ với đôi mắt đỏ hoe. 

Bố mẹ Ngà ở trong ngôi làng của người S'Tiêng, xã Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai. Phong tục ở đó, các bé gái đến tuổi 13-14 là lấy chồng, sinh con. 

Năm Ngà học lớp 10, bà mối đến nhà giới thiệu có một chàng trai ở làng bên đang tuổi cập kê. Bà mối muốn kết nối Ngà cho chàng trai.

Cha mẹ Ngà mưu sinh chủ yếu bằng nghề đi rừng hái đọt mây, măng tre, rau nhíp, đào củ sâm về bán. Nghe bà mối giới thiệu về chàng trai, ông bà rất ưng.

‘Bố mẹ nói em hãy bỏ học để lấy chồng’, Ngà nhớ lại kỷ niệm của 3 năm trước, em phải đấu tranh kịch liệt để được tiếp tục đi học.

{keywords}
Ngà cho biết, hiện đã có hai nơi hứa sẽ nhận cô vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cô vẫn muốn được về quê làm việc trong khu du lịch gần nhà, để mong, từ câu chuyện của mình có thể thay đổi được phong tục kết hôn sớm trong làng.

Từ nhỏ, chứng kiến nhiều cô gái trong làng vất vả vì lấy chồng sớm, Ngà không muốn mình cũng như vậy. Cô quyết tâm phải đi học bằng được.

Ban đầu, cô nghĩ sẽ chỉ học hết lớp 12 rồi nghỉ, đi làm công nhân. Ở xóm Bù Chắp 1 của Ngà có một lớp tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Vốn ngoại ngữ yếu, Ngà đến đăng ký học thêm.

Ở đó, Ngà gặp được chị Trâm Anh - một cô gái trẻ đến làng Ngà làm dự án du lịch gắn liền với phong tục tập quán người dân tộc. ‘Chị Trâm Anh là người giúp em nhận ra những điều cần làm cho cuộc đời mình. Một trong những dự định là phải đi học’, Ngà nói và quyết tâm đi học, dù đi học chậm mất hai năm.

Ngành Ngà chọn là ngôn ngữ Pháp, vì ở Tà Lài có một khu du lịch, có nhiều người Pháp đến thăm quan. Cô muốn sau khi học xong sẽ về quê làm việc, phát triển thêm dịch vụ du lịch ở địa phương.

Tháng 8 vừa qua, Ngà mang ba lô, tạm rời xa bản làng, con suối, rừng cây và gia đình đến Sài Gòn nhập học. ‘Mẹ đùm cho em ít gạo, mấy quả trứng và dặn, ở thành phố phải cẩn thận, cố gắng học tốt’, Ngà nói bằng giọng biết ơn mẹ.

Từ cô gái quanh năm sống với núi rừng, cuộc sống tĩnh lặng bên dòng suối, nương rẫy, đến Sài Gòn xe cộ tấp nập, nhà cao tầng chi chít, đèn đường sáng bừng, ban đầu Ngà khá bỡ ngỡ. Nhưng bây giờ, cô đã quen mọi thứ, tự chạy xe máy đi làm, gặp gỡ nhiều người khác nhau. Cô cũng không ngại mình là người dân tộc thiểu số.

‘Vừa rồi lớp em thuê xe đi cắm trại ở Củ Chi. Bạn em kể, khi đọc đến tên em, anh hướng dẫn viên thấy lạ nên cười. Bạn đã đến nhắc anh ấy. Không chứng kiến, nhưng nghe bạn kể lại em vui vì bên cạnh mình có rất nhiều người tốt', Ngà nói.

Cô cũng cho biết sẽ gắng học tốt, đi làm thêm để có thể tự lo cho cuộc sống sinh viên. Tết này, cô sẽ về quê, sà vào lòng mẹ rồi thủ thỉ những chuyện của mình ở Sài Gòn.

Ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết, Ngà là cô gái có bản lĩnh khi đã quyết tâm đi học và bảo vệ được chuyện không lấy chồng sớm ở buôn làng. ‘Tôi đánh giá cao ý chí vươn lên của Ngà. Mong sau khi tốt nghiệp đại học em sẽ về quê làm việc, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển’, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng thông tin, tính cả Ngà, hiện cộng đồng người S'tiêng và cộng đồng người Mạ ở địa phương có hơn 10 người đi học đại học. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ trở về quê làm việc.

*Bài viết có sử dụng tư liệu ảnh của tác giả Chí Phan/Flickr.com

Cô gái vượt bạo bệnh đi thi Hoa khôi Ngoại thương

Cô gái vượt bạo bệnh đi thi Hoa khôi Ngoại thương

19 tuổi, xinh đẹp, tương lai đầy rộng mở, cô sinh viên năm nhất ĐH Ngoại thương không bao giờ nghĩ, một ngày mình mắc bệnh ung thư.

Tú Anh