Xem video:

“Bệnh viện sách” đầu tiên tại Việt Nam

Trời bất ngờ nổi gió, anh Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) ùa chạy về phía tấm ván ép dán đầy những trang sách Hán Nôm cổ đang đợi khô. Đó “thành quả” sau hàng chục giờ lao động vất vả của anh và vợ. Các trang sách cổ có giá trị nghiên cứu cao này vừa được 2 người phục chế, hoàn nguyên thành công.

{keywords}
Anh Phúc giới thiệu những trang tư liệu Hán Nôm cổ quý hiếm vừa được anh và chị Bội Tuyền phục chế thành công. Ảnh: Nguyễn Sơn

Từ lâu, căn nhà cấp 4 của anh đã được những người yêu sách gọi là “bệnh viện sách”. Bởi, nơi đây thực hiện công việc sửa chữa, phục chế, hoàn nguyên các loại sách, tư liệu, tài liệu cổ theo phương pháp khoa học, hiện đại được thế giới công nhận.

Tính đến thời điểm này, đây là “bệnh viện sách” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Anh Phúc giải thích: “Từ lúc học đại học, tôi đã tham gia các dự án sưu tầm tư liệu Hán Nôm. Trong quá trình làm việc, tôi băn khoăn, sau khi có được tài liệu cổ, mình phải gìn giữ, bảo vệ nó như thế nào”.

“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ số hoá các hiện vật, làm bản phục chế mới sao cho giống bản cổ. Thậm chí, nhiều hiện vật cổ quá không ai dám lật mở để đọc. Điều đó khiến việc số hóa càng khó khăn hơn. Nhận thấy vấn đề này, tôi xin đi học vá sách, may sách thủ công nhưng chỉ ở mức cực kỳ cơ bản”, anh Phúc nói thêm.

Trong lúc loay hoay tìm kiếm phương pháp bảo quản những cuốn sách cổ, anh được một sư cô từng du học nước ngoài mách nước. Người này giới thiệu với anh kỹ thuật bồi trong việc phục chế các trang sách cũ, rách… Tuy vậy, sau nhiều lần áp dụng, anh vẫn nhận thấy kỹ thuật này chưa thật tối ưu.

{keywords}
“Bác sĩ sách” kể chuyện giải phẫu, chữa bệnh cho sách cổ. Ảnh: Nguyễn Sơn

Anh vẫn miệt mài kiếm tìm cho mình một lối đi mới. Thế rồi anh được 2 vị giáo viên ở Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, “ngành vá sách” ở nước ngoài rất phát triển. Hai vị khuyên anh nên đi du học. Anh đồng ý và sang Đài Loan tìm hiểu.

Anh Phúc kể rằng, sang Đài Loan, anh phát hiện tại đây “có cả một bệnh viện sách”. Anh xin nhập học và luôn là học viên xuất sắc trong chuyên ngành tu bổ hiện vật chất liệu giấy. Khi đã nắm vững các kỹ thuật, anh tiếp tục học với một bậc thầy trong lĩnh vực này.

Anh nói: “Ở Việt Nam hiện tại không có nơi nào dạy ngành này nhưng nước ngoài lại rất thịnh. Họ có những bậc thầy về lĩnh vực này. Tôi xin học với một vị thầy nổi tiếng của trường. Suốt một năm trời, tôi chỉ ngồi học kỹ thuật vá sách Hán Nôm với thầy”.

“Bác sĩ” của muôn loại sách, tư liệu cổ

Những năm tháng du học ở Đài Loan, anh Phúc quen biết với cô gái người bản địa có cùng niềm đam mê. Từng tốt nghiệp loại ưu của một trường mỹ thuật tại Mỹ nhưng Trần Bội Tuyền (29 tuổi, người Đài Loan) lại trở về nước nghiên cứu sách cổ.

Tình yêu của anh Phúc và Bội Tuyền chạm vào nhau khi cả hai cùng yêu thích công việc nghiên cứu tài liệu Hán Nôm cổ. Niềm đam mê trở thành tình yêu. Hai người kết hôn rồi về Việt Nam khởi nghiệp bằng công việc “chữa bệnh” cho sách cổ.

{keywords}
Chị Bội Tuyền thực hiện công đoạn “mặc áo giáp cho trang sách cổ”. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Anh Phúc cười tươi khi nhắc đến việc nhiều người gọi mình là “bác sĩ” của muôn loại sách cổ. Anh nói: “Cách gọi này không sai. Bởi, để sửa chữa, phục chế một cuốn sách, tôi phải giải phẫu rồi sử dụng thuốc điều trị cho nó”.

Thao tác đầu tiên trong chuỗi công đoạn hoàn nguyên sách cổ là giải phẫu cuốn sách. Ở công đoạn này, anh và chị Tuyền tháo rời từng trang sách, gắp từng mảnh giấy vụn, rách nát. Các thao tác này tưởng dễ nhưng vô cùng phức tạp. Bởi, nếu không tỉ mỉ có thể làm rách, hỏng trang sách quý.

{keywords}
Vợ chồng anh Phúc, chị Tuyền.

Anh phân tích: “Ở nước ta, để chữa lành một trang sách rách, cách nhanh nhất là sử dụng băng keo trong dán lại. Tuy nhiên, điều này vô cùng nguy hại. Chất keo dính thực chất là một loại hợp chất hoá học có tuổi thọ thấp hơn rất nhiều so với trang sách. Lâu ngày nó tan ra, thấm vào tờ giấy, huỷ hoại luôn trang sách”.

Để bóc, tách lớp keo nói trên, anh phải sử dụng các loại hóa chất, dụng cụ chuyên biệt mà chỉ có thể nhập về từ nước ngoài. Sau đó, anh bồi thêm một loại giấy đặc biệt dưới trang sách cũ để làm bệ đỡ cho nó.

Anh nói, ở nước ngoài, kỹ thuật này được gọi là mặc áo giáp cho trang sách. Tuy nhiên, anh hay gọi đây là kỹ thuật bồi. Đối với các loại sách cổ bị rách nát, hoen ố, mục, sau khi mặc áo giáp, đem đi phơi cho khô còn phải trải qua quá trình điều trị bệnh bằng thuốc.

Đây chính là công đoạn thứ hai của người bác sĩ sách. “Các vết ố thường do nấm gây ra. Mình phải xử lý nếu không chúng sẽ tiếp tục phát triển, gây hại sách. Cách xử lý là phát hiện, sử dụng thuốc chuyên biệt chấm, bôi lên vết ố để diệt mầm mống của nấm”, chị Bội Tuyền chia sẻ.

{keywords}
Thao tác trong mọi công đoạn hoàn nguyên sách cổ đều phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Sau khi mặc áo giáp, vá, chữa bệnh xong cho các trang sách cổ là công đoạn hoàn nguyên. Đây là thao tác đòi hỏi tính thẩm mỹ và khoa học cực cao.

Anh Phúc phân tích: “Vá xong phải nhuộm tờ giấy có màu tương đồng với những trang khác của cuốn sách. Sau khi hoàn thiện, nếu không thực sự để ý, không ai có thể nhận ra cuốn sách cổ từng được vá, bồi thêm một lớp giấy khác. Bởi, sau công đoạn này, giữa các trang được vá và trang không hư hỏng có màu đồng nhất”.

Điều đáng nói, kỹ thuật này có thể áp dụng được với tất cả các loại sách đóng từ nhiều loại giấy khác nhau.

Có nghề hiếm trong tay, anh Phúc và chị Bội Tuyền tự hào cho biết, ngoài việc thỏa niềm đam mê nghiên cứu Hán Nôm, cả hai còn góp sức trong việc phục chế, bảo quản các loại hiện vật bằng chất liệu giấy có giá trị.

Nữ sinh trả lại 200 triệu đồng: Từ nhỏ đã được dạy không tham của rơi

Nữ sinh trả lại 200 triệu đồng: Từ nhỏ đã được dạy không tham của rơi

Kiều Anh cho biết, từ lúc còn nhỏ em đã được dạy bảo không tham của rơi. Thế nên, ngày nhặt được số tiền lớn, em cũng không thông báo, hỏi ý kiến gia đình về việc mang đi trả lại.

Nguyễn Sơn