Người dân trên đảo hào hứng giúp đỡ anh Lợi dồn cát vào chai nhựa.

Anh Nguyễn Lợi (SN 1990, Quảng Ngãi) sinh ra và lớn lên trên đảo Bé Lý Sơn. Công việc hiện tại của anh là một hướng dẫn viên du lịch. Là người bản địa sinh ra và lớn lên trên đảo nên anh luôn dành một tình yêu và sự chân trọng với hòn đảo này.

{keywords}
Anh Lợi ngày nào cũng thu gom chai nhựa trên các bờ biển quanh đảo Bé Lý Sơn.

 Anh Lợi cho biết: "Hàng năm lượng du khách đến thăm đảo rất nhiều, nên lượng rác thải nhựa cũng khá lớn, đặc biệt là các chai nước. Không chỉ vậy, lượng chai nhựa dạt trên bờ biển tấp vào đảo cũng rất lớn. Là một người con của đảo Bé Lý Sơn, tôi rất đau lòng trước thực trạng này".

{keywords}
Hàng loạt chai nhựa du khách thải ra và do sóng biển cuốn vào hòn đảo này mỗi ngày.

Hàng ngày vào mỗi buổi chiều, anh Lợi cùng đám nhỏ trên đảo đều đi dạo quanh các bờ biển để thu gom ve chai nhựa dạt vào. Đây là công việc mà anh yêu thích và cũng tạo được khoảng thời gian vui chơi cho các bé sống trên đảo. Nhưng đặc biệt hơn cả là tạo một tình yêu thiên nhiên, xây dựng ý thức bảo vệ hòn đảo xinh đẹp này.

"Năm 2019 tôi mới nảy ra một ý nghĩ, tại sao mình không tận dụng những chai nhựa này để làm việc gì có ý nghĩa hơn. Giá cả vật liệu gạch, ngói, xi măng ở trên đảo là rất cao vậy nên nếu tôi tận dụng các chai nhựa để làm gạch sẽ tiết kiệm hơn, lại giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên đảo. Vậy nên tôi quyết định sẽ xây một ngôi nhà từ những chai nhựa này", anh Lợi kể. 

{keywords}
Bức tường nhà xây dựng từ 6000 chai nhựa.

Thế nhưng công cuộc xây nhà từ chai nhựa lại không dễ dàng đến vậy. Anh tìm hỏi những người có chuyên môn xây dựng nhưng những gì anh nhận lại chỉ là những cái lắc đầu và cho rằng ý tưởng của anh là không thể thực hiện được.

Anh Lợi chia sẻ: "Chai nhựa là chất liệu khác hoàn toàn với gạch nung. Khi xây dựng rất khó để kết dính bằng xi măng. Nhiều lần tôi rất nản vì nghĩ rằng mình không làm được. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, sai thì làm lại.

{keywords}
Các em bé rất thích thú khi được vào ngôi nhà làm từ chai nhựa của anh Lợi.

Vì yếu tố đó mà cứ xây được khoảng 20-30 cm tường là tôi phải ngưng để tường khô lại sau đó mới chồng gạch lên cao hơn. Cuối cùng sau 4 tháng tôi cũng hoàn thành được ngôi nhà 15 mét vuông làm từ 6000 chai nhựa".

Để các chai nhựa này trở thành những viên gạch có thể xây nhà, anh phải nhờ đến "biệt đội tí hon" trên đảo đổ cát đầy và nén chặt trong các chai nhựa. Nhờ tận dụng được chai nhựa làm gạch mà chi phí để xây xong ngôi nhà tôi chỉ mất khoảng 40 triệu đồng. So với giá cả vật liệu xây dựng trên đảo con số này là khá tiết kiệm. 

{keywords}
Có thể treo quần áo ngay trên bức tường nhà.

"Mình chỉ cố gắng làm hết sức để có thể bảo vệ hòn đảo mà mình đã sinh ra và lớn lên. Ngôi nhà xây dựng từ những chai nhựa này cũng chỉ là câu chuyện rất nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Chỉ mong rằng các du khách sẽ luôn có ý thức để bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống tuyệt vời này", anh Lợi chia sẻ.

Theo Dân trí

Bạn trẻ Tây Ninh luồn rừng, treo mình trên vách núi... để nhặt rác

Bạn trẻ Tây Ninh luồn rừng, treo mình trên vách núi... để nhặt rác

Mang theo những bao tải lớn, nhóm thanh niên mê xê dịch tự nguyện luồn rừng, treo mình trên vách núi để nhặt rác, chai nhựa… với hy vọng lan toả thông điệp bảo vệ cuộc sống xanh.