Ở tuổi 25, Nguyễn Cao Khuê (SN 1996, Sơn Tây, Hà Nội) là chủ của một trang trại trồng cam, bưởi tại Hòa Bình. Trang trại có diện tích 32,9ha được Khuê thuê lại trong vòng 15 năm để trồng cây ăn quả.

Tùy theo thời điểm và tính chất công việc, có khoảng 8 - 20 nhân công làm việc tại trang trại. Ngoài ra, Khuê cũng mở văn phòng tại Hà Nội với 5 nhân viên để xử lý các đơn hàng, tiêu thụ cam, bưởi. Doanh thu năm 2019-2020 của họ là hơn 2 tỷ đồng.

Những thất bại đầu tiên

Nguyễn Cao Khuê bắt tay khởi nghiệp khi mới là sinh viên năm 2, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Lần đầu kinh doanh, Khuê đã nhận thất bại với mô hình bán bánh mì.

“Sau đó, người ta nói nhiều đến vấn nạn thực phẩm bẩn, khách hàng có tiền nhưng không biết mua thực phẩm sạch ở đâu. Muốn tạo ra những sản phẩm sạch như vậy nên hè năm 2015, tôi cùng bố thuê đất ở Hòa Bình để phát triển nông nghiệp hữu cơ”, Khuê kể. Nhưng một lần nữa, thất bại lại tìm đến chàng trai này.

{keywords}
Khuất Cao Khuê

Theo Cao Khuê, giai đoạn năm 2012 - 2015, nhiều người đổ xô về Cao Phong, Hòa Bình để thuê đất trồng cam, bưởi.

“Có nhiều đại gia Hà Nội lên đây trồng cam theo “trend” (xu hướng). Nhưng hầu hết họ đều bỏ tiền ra thuê người khác làm. “Cha chung không ai khóc”, đồng tiền bỏ ra như vậy sẽ không hiệu quả. Vài năm sau, cây yếu, năng suất không đạt, đất bị suy kiệt, xơ cứng…”, Khuê chia sẻ.

Hai bố con Khuê cũng gặp sai lầm như vậy. Thời điểm đó, họ chỉ lên trang trại vào cuối tuần, còn lại “khoán” cho những người làm thuê phát triển vườn cam.

“Mình là chủ vườn nhưng không hiểu cây cần chất dinh dưỡng gì, thời điểm nào… Mình giao phó tất cả cho người khác thì chuyện thất bại là dễ xảy ra. Trong vòng 3 năm, tôi và bố bị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng với các chi phí cây giống, vật tư nông nghiệp, đầu tư cho đường sá, máy móc…”.

“Nhưng đâm lao phải theo lao”, 9X quyết tâm bắt tay tái khởi nghiệp. Tháng 8/2017, Khuê tốt nghiệp đại học. Lúc này, bố nhường quyền cho anh tiếp quản toàn bộ trang trại.

Đến chủ trang trại doanh thu tiền tỷ

Việc đầu tiên Khuất Cao Khuê làm là học lại toàn bộ kiến thức và kỹ năng để chăm 1 cây cam. Anh tìm tài liệu nước ngoài - những nước đi đầu về nông nghiệp hữu cơ như Hà Lan, Mỹ… để học hỏi. Không chỉ học kiến thức nước ngoài, một mình với chiếc xe, anh rong ruổi khắp Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang… để tìm giống cây.

{keywords}
Một sản phẩm trong trang trại của Cao Khuê.

Cứ thấy chỗ nào có vườn cam, bưởi tốt, Khuê đều xin vào xem và học hỏi. “Mỗi nơi, tôi tích cóp một chút kinh nghiệm, đối chiếu với tài liệu trong sách. Dần dần mất 1 năm như vậy, tôi mới có kiến thức cần thiết về cây”.

Sau đó, chàng trai Hà Nội cố gắng xây dựng quy trình sản xuất hoàn chỉnh cho cây. Thay vì sử dụng phân bón nhân tạo, Khuê tiến hành trồng cỏ, cắt và ủ thành phân hữu cơ để bón.

“Đây là hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, chúng tôi tận dụng cỏ, rác ủ thành phân cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhờ vậy, sức đề kháng của cây cao hơn và tuổi thọ của cây cũng dài hơn”.

Thay vì thuê người làm và “chỉ tay năm ngón” như trước, lần này chàng quý tử thành phố cũng lên nương làm việc cùng những người nông dân.

“Với người nông dân, chúng ta không thể mang lý thuyết ra nói. Họ chỉ phục khi mình làm được và làm tốt hơn họ. Có thế người ta mới nể và nghe mình”, Khuê cho biết.

{keywords}
 

“Ngày đầu tôi lên, mọi người đang trồng cỏ để sau ủ làm phân. Chúng tôi phải cuốc đất, tạo luống trên quả đồi. Khi quốc xong, trong 10 luống thì có 9 luống thẳng, đẹp còn 1 cái xiên, vẹo là sản phẩm của tôi. Tôi chỉ muốn tìm chỗ nứt dưới đất mà chui xuống cho đỡ xấu hổ vì mang tiếng là chủ mà làm xấu nhất”, Khuê nhớ lại.

Khi có sản phẩm, Cao Khuê tiếp tục xây dựng đội ngũ bán hàng, xây dựng về marketing, thương hiệu… Anh bắt đầu nhận được những phản hồi tốt về sản phẩm của mình.

“Đó là một khách hàng người Pháp. Ông ăn thử cam của chúng tôi và nói rằng, vị cam này giống với cam ngày xưa bên Pháp ông hay ăn. Ông còn kể, ở bên Pháp họ có thói quen uống nước cam buổi sáng.

Từ ngày sang Việt Nam, ông chưa tìm được cam ngon như vậy nên mất thói quen đó. Sau khi ăn thử, ông nói hương vị rất tuyệt và cảm giác như được ở nhà. Nay, ông đã thành khách hàng quen thuộc của chúng tôi”, chàng trai 9X kể.

Một vụ cam kéo dài 4 tháng, 8 tháng còn lại Khuê dốc sức chăm sóc, nuôi dưỡng cây. Theo anh, mỗi cây cam cho trái như người mẹ sinh con.

Quá trình mang thai, cho quả, cây rất yếu. Sau khi thu hoạch, người làm vườn phải hồi sức cho cây. Có như vậy, mùa sau cây mới cho năng suất tốt.

“Nhiều người chỉ quan tâm năng suất. Cây yếu, họ lại bón phân hóa học nhưng làm như vậy là “lạm dụng sức khỏe” của cây. Một cái cây không khỏe mạnh, hạnh phúc, quả sẽ không thể ngon”, Cao Khuê nhấn mạnh.

Hiện, Khuất Cao Khuê còn triển khai thêm tour để khách tham gia trải nghiệm tại vườn. “Khách hàng trực tiếp đến vườn được nghe những câu chuyện về cây cam. Họ sẽ hiểu hơn sản phẩm và tâm huyết của người trồng cây”, 9X cho biết.

Cao Khuê từng chia sẻ cảm nhận khi “bỏ phố về vườn”: “Làm sao thích được khi đang ăn trắng mặc trơn, sinh viên trường top, tự nhiên bị “đày” lên rừng lên núi. Nơi đây, giường không có mà ngủ, tôi luôn đi làm trong tình trạng "đầu đội trời, chân đạp đất", lại còn ở cùng những người không nói tiếng Kinh”.  

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của 3 năm đầu tiên. Hiện, Khuê thừa nhận đã quá mê công việc ở đây đến nỗi “lâu lắm rồi, tôi không có thời gian riêng dành cho bản thân”.

Xem thêm video: Mê mẩn vườn dâu lớn nhất miền Tây, trái kín đặc từ gốc đến ngọn

9X Sài Gòn khởi nghiệp thành công với chiếc 'túi biết thở'

9X Sài Gòn khởi nghiệp thành công với chiếc 'túi biết thở'

Câu chuyện về hàng nông sản bị hư hỏng nhiều trong quá trình xuất khẩu đã khiến cô gái sinh năm 1991 tạo ra chiếc "túi biết thở”, giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.

Ngọc Trang (Ảnh: NVCC)