Hôm Minh mất, cô Thành khóc suốt và kể lại cho chúng tôi nghe sự thật về những lá thư mà Minh thường nhận được.

Những năm đất nước còn chiến tranh, tôi phải xa nhà, xa quê ra Bắc học. Tất cả học sinh miền Nam chúng tôi đều khát khao tình cảm. Trong lớp, đứa nào nhận được thư của người thân đều chuyền tay nhau đọc chung. 

Chúng tôi coi đó là một niềm vui lớn. Để rồi, sau đó, mỗi đứa cố giấu đi những giọt nước mắt nhớ thương da diết và buồn tủi của mình.

Lê Hải Minh là bạn thân của tôi, không có một người bà con nào trên đất Bắc, nên suốt mấy năm liền chẳng hề nhận được một lá thư. Bỗng một hôm Minh có thư của ông chú là Lê Hải Hà, từ miền Nam mới ra, đang an dưỡng tại K15 Hà Đông. 

Lời lẽ trong thư thật cảm động, đứa nào đọc cũng phải rơi nước mắt. Anh Long lớp trưởng “lệnh” chúng tôi nhổ sắn non của lớp trồng, nấu một nồi to, mời cả cô giáo chủ nhiệm đến để ăn mừng sự kiện trên.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Những tuần sau đó, Lê Hải Minh liên tiếp nhận được thư chú mình. Chính tôi đôi lúc cũng ghen tỵ trước niềm vui của người bạn thân nhất của mình. Càng ghen tỵ hơn khi thấy cô Thành chủ nhiệm lớp càng ngày càng tỏ ra đặc biệt quan tâm chăm sóc Minh. 

Tết năm ấy, cô xin phép nhà trường đưa Minh về tận Gia Lâm ăn Tết với gia đình cô. Đêm giao thừa, cô còn đưa Minh đi xem pháo hoa ở Hồ Gươm nữa chứ…

Tình thương không giấu giếm của cô dành cho Minh, làm chúng tôi ganh ghét và ít gần gũi Minh hơn.

Cho đến một đêm mùa đông, gió mùa đông bắc tràn về lạnh thấu xương, tôi đói bụng quá không học bài được, mà sáng mai lại có hai tiết kiểm tra. Chả là chiều đó tôi mải chơi bóng bàn với mấy đứa bạn lớp 8B, đến khi xuống nhà ăn tập thể thì hết cơm, chắc là có bạn nào đó trong lớp đã “ăn nhầm”! 

Buồn ngủ gặp chiếu manh, à mà không, phải nói là gặp chiếu hoa mới đúng, Minh mang ở đâu về hai ổ bánh mì nóng hổi đưa cho tôi cùng với cái nhìn thật hiền. Tôi cầm một ổ ăn ngấu nghiến, còn một ổ đưa cho Minh. Minh bảo tôi:

- Cậu ăn đi rồi học bài, mình ăn trước rồi!

Tôi hỏi:

- Bánh ở đâu ra vậy?

Mình lại nhìn tôi với cái nhìn hiền hậu:

- Mình lặn giếng vớt giùm các cô ở lò bánh mì được mấy cái gàu, các cô thưởng cho đó!

... 

Sáng hôm sau Minh lên cơn sốt, không dậy đi học được. Tôi chạy đi báo cô giáo chủ nhiệm. Cô Thành hối anh Long lớp trưởng đưa Minh ra bệnh xá của trường. Tan học, chúng tôi kéo ra bệnh xá thăm Minh. Nhưng các cô, các chú ở bệnh xá đã chuyển Minh lên bệnh viện tuyến trên cấp cứu vì Minh bị sưng phổi cấp tính. Hai ngày sau, Minh chết ở bệnh viện E Hà Nội…

Hôm Minh mất, cô Thành khóc suốt và kể lại cho chúng tôi nghe sự thật về những lá thư mà Minh thường nhận được. Trong bữa “liên hoan” sắn non, cô Thành để ý trên phong bì thư không có con dấu của bưu điện Hà Đông, Hà Nội nơi cơ quan K15 đang đóng, mà chỉ có con dấu của bưu điện Đông Triều. 

Cô đọc thư rất kỹ và phát hiện ra nét chữ của Minh, mặc dầu Minh đã cố gắng viết cho thật khác. Trời ơi, chính Minh đã tự viết thư cho mình, rồi lại tự mình đi bộ ra thị trấn Đông Triều, vào bưu điện bỏ thư! Tất cả chúng tôi đều sững sốt. 

Riêng tôi, nhiều năm sau và cho đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót! Đó cũng là lý do vì sao con trai tôi lại có cái tên là Phan Đông Triều.

...

Tuổi học trò với bao ký ức thanh xuân hẳn khiến nhiều người không khỏi thổn thức mỗi khi nghĩ về. Bạn có câu chuyện nào về chủ đề này muốn kể cho chúng tôi? Xin gửi về địa chỉ thư điện tử: bandoisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!

Độc giả Phan Chí Thanh