{keywords}
Nguyễn Nhật Anh (bên trái) yêu thích chạy bộ bất chấp những khó khăn về vận động. Ảnh: Đỗ Quang Hưng

Căn bệnh vàng da lúc mới sinh khiến các tế bào thần kinh vận động của Nhật Anh bị ảnh hưởng. Cậu gặp khó khăn khi nói và vận động. Hiện tại, 19 tuổi, Nhật Anh vẫn phải ăn cơm bằng thìa và bát tô. Giọng nói của cậu không phải ai cũng hiểu được.

Thế nhưng, vượt qua những khó khăn và thiệt thòi của bản thân, Nhật Anh luôn là một chàng trai vui tươi, lạc quan, yêu thể thao và thích giao tiếp với mọi người.

Mỗi ngày, cậu chạy bộ 10km ở công viên Hoà Bình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Riêng ngày thứ 7, Nhật Anh cùng với các anh chị trong câu lạc bộ chạy hơn 20km.

Cơ duyên khiến chàng trai 19 tuổi đến với sở thích chạy bộ là sau một lần được bạn rủ đi chạy, nhưng không theo kịp bạn nên cậu rất “cay cú”. Từ đó, Nhật Anh luyện tập và yêu thích môn thể thao này lúc nào không hay. Hiện, cậu đã đạt được tốc độ không hề “xoàng” – 10km/h.

Nhiều người khi nhìn vào khả năng giao tiếp và vận động của Nhật Anh không thể ngờ được rằng, ngoài chạy bộ, cậu còn yêu thích và chơi được nhiều bộ môn khác như: cờ tướng, cờ vua, patin… và cực kỳ mê chơi game.

Bất chấp những khó khăn do bệnh tật, Nhật Anh hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Thương mại điện tử, Trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội.

Nghị lực của Nhật Anh

{keywords}
Nhật Anh thích và chơi được nhiều môn thể thao. Ảnh: NVCC

Kể về cậu con trai, chị H. (47 tuổi) đã tiết lộ những câu chuyện rất dễ thương và nghị lực của Nhật Anh.

Suốt 7 năm đầu đời của con, vợ chồng chị đã dắt con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Thay máu, cấy tế bào gốc, châm cứu… là những liệu pháp điều trị mà Nhật Anh đã phải trải qua. Chị vẫn nhớ như in những buổi chiều chị chở con đi tập về. Lúc ấy, Nhật Anh mới chỉ 3-4 tuổi, rất thích uống sữa ngô. Mỗi lần, 2 mẹ con chạy xe qua hàng sữa ngô là cậu lại ra hiệu cho mẹ dừng lại. “Nhiều khi nó khóc quá, mọi người nhìn thấy thương. Mặc dù mình cũng chưa đến mức không mua được cho con nhưng người ta thấy thương là cho luôn, không lấy tiền”.

Rồi có lần 2 mẹ con đi từ nhà bác sĩ về trong trời mưa tầm tã. Xe hết xăng mà trong túi mẹ không có tiền. Chị lại phải đẩy xe trở lại nhà bác sĩ để vay tiền mua xăng. Hai mẹ con lóc cóc đẩy xe tới trạm xăng thì người ta kêu tiền giả. Chị lại phải gửi xe quay lại nhà bác sĩ trình bày. Vị bác sĩ tốt bụng dúi vào tay chị tờ 500 nghìn đồng rồi nói: “Thôi, cầm tờ 500 này, không cầm tờ 100 kia nữa. Tiền này bác vừa mới nhận lương xong, không thể là tiền giả được”.

Lần dắt bộ xe 2km ấy cả đời chị sẽ không quên được, vì tấm lòng của vị bác sĩ, vì hình ảnh của Nhật Anh khật khà khật khừ bám đuôi xe mẹ khiến chị không khỏi xót xa.

{keywords}
Nhật Anh luôn vui vẻ, lạc quan từ khi còn nhỏ. Ảnh: NVCC

Đó là những năm tháng kinh tế gia đình còn khó khăn, 2 vợ chồng chị chật vật kiếm tiền lo chữa bệnh cho con trai đầu lòng. Nhưng dù tài chính gia đình có như thế nào - dù là ngày xưa khó khăn hay bây giờ đã khá hơn nhiều, anh chị cũng luôn dành những gì tốt nhất cho cậu con trai thiệt thòi.

Nhật Anh như hiểu được những vất vả ấy của bố mẹ, luôn tỏ ra dũng cảm và kiên nhẫn với việc luyện tập, với những lần phải đến bệnh viện điều trị.

Dị tật của con cũng không ít lần khiến 2 mẹ con phải chịu đựng những ấm ức, thiệt thòi. Chị nhớ có lần đến đón con ở trường mầm non thì phát hiện con bị nhốt vào nhà kho. Cô giáo cũng đến xin lỗi chị. Thương con nhưng vì biết con mình quậy phá khiến các cô gặp khó khăn nên chị cũng ngậm ngùi bỏ qua, không làm lớn chuyện.

Lần khác, Nhật Anh tự đạp xe tới trường cách nhà vài trăm mét. Chẳng may, cậu bị ngã khiến chiếc xe lệch ghi-đông. Nhật Anh nhanh trí đặt bánh xe tì vào cột điện bên đường để vặn lại ghi-đông. Nhưng hàng xóm lại đánh giá chị không quan tâm tới con, con bị bệnh mà lại để con tự đạp xe tới trường, đến mức đâm vào cột điện.

“Nhiều lúc tôi chỉ muốn chuyển nhà đi đâu đó, nơi mà người ta sống cởi mở, bớt phán xét, kỳ thị hơn” – chị tâm sự.

Cậu bé ‘thèm’ bạn

{keywords}
Nhật Anh (ngoài cùng bên trái) và các thành viên trong câu lạc bộ chạy HBPR. Ảnh: Đỗ Quang Hưng

Cũng vì bệnh tật mà Nhật Anh có rất ít bạn bè. Chính vì thế, từ khi còn nhỏ, cậu đã rất thèm có bạn để chơi cùng, học cùng. “Không có ai chơi nên ngày nhỏ cu cậu hay đứng cả tiếng để xem người ta chơi cờ tướng. Thấy ngồi xem hào hứng quá, người ta cũng cho chơi vài ván thì con thích lắm. Sau thấy con thích, tôi cũng cho con đi học cờ tướng ở câu lạc bộ”. Bây giờ cả cờ vua, cờ tướng, Nhật Anh đều chơi tốt.

Cũng hồi 5-6 tuổi, cậu hay được mẹ đưa ra công viên chơi. Ở đó, có một cụ già thấy Nhật Anh đáng yêu nên hẹn cậu ra đi bộ thường xuyên. “Mối quan hệ” đặc biệt của cậu bé Nhật Anh với cụ già kéo dài được một thời gian dài. Rồi bỗng một ngày, không thấy cụ ra công viên nữa. “Có lẽ, ông cụ bị ốm” – chị H. kể. Sự biến mất của người bạn lớn khiến Nhật Anh hụt hẫng và thất vọng. Cậu còn giận bố và bắt bố phải đi tìm ông cụ mãi.

Từ khi gia nhập câu lạc bộ chạy ở công viên Hoà Bình, được các anh chị quý mến, trò chuyện cùng, tính khí cậu thay đổi hẳn, theo lời chị H.

“Con rất thích được trò chuyện cùng mọi người, được các anh chị khuyên bảo, chỉ dẫn. Từ khi vào câu lạc bộ chạy, con lạc quan, hoạt bát hẳn và kiềm chế được cảm xúc tốt hơn. Tôi thấy con thích chạy và được giao tiếp với mọi người như thế cũng mừng, chỉ dặn con đừng cố sức quá, ảnh hưởng tới sức khoẻ”.

Chia sẻ về con trai, anh B. ngậm ngùi tiếc nuối vì “chỉ cần sớm thêm 1 ngày thôi thì bệnh vàng da của con đã không ảnh hưởng tới não”. Nhưng anh cũng cảm thấy may mắn khi con đủ ý chí, nghị lực để vượt qua bệnh tật, học tập và vui chơi được như bây giờ. “Hầu hết những trường hợp như con đều nằm liệt”.

“Chúng tôi luôn dặn con, chơi thể thao là tốt nhưng con nên chơi vừa sức để rèn luyện sức khoẻ, chứ không cần quá cố như người ta”.

Mong muốn của anh chị là sau khi tốt nghiệp, Nhật Anh có thể tìm được một công việc phù hợp với khả năng của mình, nếu được đúng chuyên ngành con học thì càng tốt.

Còn với Nhật Anh – chàng trai đang dành hết tình yêu của mình cho chạy bộ, cậu chỉ mong ước “giành huy chương ở mọi giải chạy mà em tham gia”. Ước mơ ấy được cậu đặt mục tiêu hiện thực hoá trong năm nay.

Nguyễn Thảo

Cô gái mắc hội chứng Down tốt nghiệp đại học, giành nhiều giải thưởng

Cô gái mắc hội chứng Down tốt nghiệp đại học, giành nhiều giải thưởng

Các bác sỹ nói rằng Jessica sẽ không bao giờ có thể đi bộ, nói chuyện, đọc, viết như những người bình thường. Tuy nhiên, nghị lực phi thường của Jessica đã đưa cô vượt xa mong đợi của mọi người.