Bài viết dưới đây của tác giả Chang Han - một cây viết tự do, đồng thời là nhà phân tích nghiên cứu tại Học viện châu Âu về Tôn giáo và Xã hội.

Từ lâu, các thành phố lớn đã có sức hút khó cưỡng đối với giới trẻ Trung Quốc. Chúng đại diện cho mọi thứ mà vùng nông thôn còn thiếu: nguồn lực giáo dục tốt hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn và khả năng tiếp cận với thế giới rộng lớn hơn.

Với thế hệ 8X, 9X sinh ra trong các gia đình nông thôn, việc thoát khỏi cuộc sống ruộng đồng, được học hành và có một công việc trên thành phố là điều đáng tự hào, còn trở về quê chỉ được xem là lựa chọn thứ yếu.

Nhưng điều đó dường như không còn phù hợp.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã đổ nhiều nguồn lực vào các vùng nông thôn. Chính quyền Bắc Kinh hy vọng có thể thu hút những người trẻ tài năng về định cư ở nông thôn để thúc đẩy nền kinh tế.

Theo Bộ Nông nghiệp, chỉ tính riêng năm 2020, 10,1 triệu người đã trở về nông thôn để bắt đầu kinh doanh hoặc tham gia vào công cuộc “đổi mới”.

Nhưng xu hướng ngược dòng này không phải chỉ do các quyết sách của chính phủ. Trong những năm qua, ngày càng nhiều thanh niên thành thị mong muốn được chạy trốn khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại để về quê.

Trong một nhóm có tên là “cuộc sống thôn dã” trên trang mạng xã hội Douban, hàng chục nghìn thanh niên đã thảo luận về việc nghỉ hưu sớm để tận hưởng vẻ đẹp bình dị và tự nhiên của vùng nông thôn Trung Quốc.

Ở một góc độ nào đó, 2 xu hướng này dường như mâu thuẫn với nhau.

Trong khi chính phủ mong muốn mang lại sức sống kinh tế đô thị cho các khu vực nông thôn thì những người trẻ nước này lại mơ ước về một cuộc sống điền viên, không bị áp lực bởi công việc và vấn đề tài chính.

{keywords}
 

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn phía đông tỉnh An Huy. Trước khi có những nỗ lực xoá đói giảm nghèo gần đây, quê tôi là nơi có một nửa dân số được xếp vào loại “nghèo cùng cực”.

Thanh niên lớn lên đi học đại học ở thành phố rồi ở lại đó làm việc. Những người khác thì bỏ học lên thành phố lao động tự do. Chỉ một số ít quay trở lại, chủ yếu là vì họ đã kiếm được việc làm tại các cơ quan nhà nước hoặc trường học địa phương, nơi có điều kiện sống tốt hơn vùng nông thôn hẻo lánh.

Đối với hầu hết thanh niên nông thôn, động cơ chính cho cả việc di cư và trở về sau này của họ là kinh tế.

Lü Dewen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, cũng lập luận rằng lựa chọn trở về nông thôn phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực địa phương và cơ hội thị trường.

Điều này đã được chứng thực bởi những người mà tôi phỏng vấn. Những người trẻ trở về quê thường ghen tị với các chính sách hỗ trợ mà chính phủ dành cho các vùng nông thôn ở Giang Tô và Chiết Giang - 2 tỉnh ven biển rất phát triển. Còn ở các khu vực như Giang Tây, Vân Nam và An Huy, nơi mức độ phát triển thấp hơn đáng kể, việc trở về nông thôn giống như rảo bước trên một con đường không lối đi. Bởi rời khỏi thành phố thật đơn giản nhưng tìm ra thứ gì đó để làm ở nông thôn lại là một thách thức.

Ở một số vùng nông thôn, việc thiếu cơ sở hạ tầng và quản trị xã hội hiện đại cũng khiến nhiều người thất vọng, lấy ví dụ như “cuộc cách mạng nhà vệ sinh” do chính phủ thúc đẩy. Việc thực hiện chương trình này cũng gặp những trở ngại về tiến độ khi các nhà vệ sinh cũ đã bị đập bỏ nhưng các nhà vệ sinh mới vẫn chưa được xây dựng.

Một vấn đề nữa là hầu hết người trẻ sống ở thành phố trong một thời gian dài đều đã quen với lối sống tôn trọng các quy tắc về quyền riêng tư và sự độc lập. Tuy nhiên, trong một xã hội với văn hoá làng xã như nông thôn Trung Quốc, hầu như mọi người đều biết nhau. Khái niệm về quyền riêng tư thực tế không tồn tại. Điều tương tự cũng xảy ra đối với những vấn đề khác. Do đó, những người trẻ trở về từ thành phố thường bị mắc kẹt giữa 2 hệ thống giá trị, hay nói đơn giản là họ khó thích nghi với lối sống nông thôn.

Cụ thể hơn, những người mà tôi phỏng vấn chỉ ra rằng vấn đề phổ biến nhất mà họ gặp phải là việc dân làng không chấp nhận lối sống của họ, bao gồm cả việc không kết hôn và không sinh con. Một vài người thậm chí còn bị chế giễu vì lựa chọn trở về, vì theo quan điểm nông thôn, nó thể hiện một bước lùi trong cuộc đời.

Một sinh viên tốt nghiệp đại học từng làm việc ở Thâm Quyến trong 2 năm đã mô tả cho tôi nghe về sự khinh thường mà cô ấy phải đối mặt từ cha mẹ và hàng xóm sau khi nghỉ việc và trở về quê. Trong vòng 6 tháng, cô đã phải từ bỏ thôn quê và quay trở lại thành phố.

Điều này không có nghĩa rằng nông thôn Trung Quốc là một nơi vô vọng. Những hình ảnh một vùng đất hoang nghèo đói không thể hiện được chính xác những gì đang thực sự diễn ra. Nhưng ngược lại, đối với những người trẻ chạy trốn khỏi các thành phố, cuộc sống nông thôn cũng không phải là một thiên đường đầy mơ mộng.

Một người từng làm việc ở Thành Đô 4 năm trước khi về quê, nói rằng: “Khi bạn nhận ra, dù đã làm việc một thời gian dài, bạn vẫn không thể mua được một căn nhà hay một chiếc xe hơi ở thành phố rồi khi trở về quê, bạn cũng không bao giờ được người dân địa phương đối xử bình đẳng, bạn bắt đầu cảm thấy vô cùng bất lực”. Nhưng cô vẫn nhấn mạnh rằng, lựa chọn trở về của cô là hợp lý.

Nói tóm lại, điều cần thiết không phải là sự phân biệt rõ ràng rằng ở nông thôn thì “tốt” và thành phố thì “xấu” hoặc ngược lại, mà là nỗ lực thực sự để giải quyết những bất bình đẳng tồn tại ở giữa và trong những không gian này. Chỉ khi đó, những người trẻ tuổi mới thực sự được tự do lựa chọn vị trí phù hợp nhất với mình.

Đăng Dương (Theo Sixth Tone)

Gia đình 10 người rời TP.HCM lên Đà Lạt, thuê đồi trọc mở trang trại

Gia đình 10 người rời TP.HCM lên Đà Lạt, thuê đồi trọc mở trang trại

Sau một năm “bỏ phố về rừng”, chị Việt Anh thấy tình cảm gia đình gắn kết hơn, cuộc sống cũng chậm lại và tự do tự tại.