{keywords}
Anh Hồ Tuấn Minh đang sống cùng gia đình ở thành phố Milan, Ý.

10 năm sinh sống và làm việc ở thành phố Milan của nước Ý xinh đẹp cũng là quãng thời gian Hồ Tuấn Minh trưởng thành, thay đổi hoàn toàn tư tưởng, phong cách sống. Anh trở thành một con người rất khác so với trước khi đặt chân đến đất nước châu Âu này.

Người Ý chỉn chu từng chi tiết 

Sinh năm 1986, Hồ Tuấn Minh hiện là phó giám đốc kiêm trưởng quầy rượu vang của nhà hàng Ristorante Top Carne ở thành phố Milan.

Để trở thành một người Milan “chính hiệu” như ngày hôm nay, Minh từng trải qua những bỡ ngỡ và choáng ngợp trong những ngày đầu tiên sống ở Ý. Trước đó, anh từng có cơ hội tiếp xúc khá nhiều với văn hoá châu Âu do tính chất công việc. Minh cũng có một thời gian học về nhà hàng, khách sạn ở Luxembourg, nhưng đến khi sống như một công dân của Milan, anh vẫn có những bất ngờ và nể phục trước lối sống của người Ý.

Điển hình trong số đó là tính cách gọn gàng, ngăn nắp. “Khi nấu ăn, phương châm của họ là lúc bước vào nhà bếp như thế nào thì bước ra mọi thứ vẫn y như vậy”.

“Trước khi ngồi vào bàn ăn là phải dọn bàn, bày biện từng cái dao, dĩa, cái nào xếp đúng chỗ cái đó. Trên bàn có nhiều loại ly, một đứa trẻ từ nhỏ đã biết phân biệt cái nào dùng uống nước, cái nào dùng uống rượu vang, loại nào dùng cho vang trắng, loại nào dùng cho vang đỏ…”.

Cách sử dụng và giữ gìn đồ đạc của người Ý cũng rất chỉn chu. Khi nấu nướng xong, dọn dẹp mọi thứ cũng phải đúng quy trình, lau chùi đúng cách. “Một tính cách khá xa xỉ của người Ý là thường dùng đồ đắt tiền, nhưng họ cực kỳ có ý thức giữ gìn, trân quý từng món đồ. Vì thế, có nhiều món đồ có tuổi đời lên tới 30-40 năm là bình thường”.

{keywords}
Một bàn tiệc tại gia đình được anh Minh sắp xếp cho các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh.

Nếu như người Việt thường cho tất cả bát đĩa, xoong nồi vào máy rửa bát thì có những món đồ người Ý không bao giờ dùng máy, bởi vì nhiệt độ trong máy sẽ làm hư hại đồ. Mỗi loại đồ dùng cũng đều có chất tẩy rửa riêng.

“Thông thường, các gia đình người Ý gốc đều có những thói quen này”.

Không chỉ trong bếp, nhà tắm cũng được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng. “Sàn nhà luôn khô ráo, sạch sẽ. Bồn rửa mặt sau khi dùng xong bao giờ cũng được lau khô sạch sẽ như lau như li. Nhiều người Việt mình qua đây cũng không theo được thói quen này”.

Để không khí trong nhà được lưu thông, không có mùi thức ăn, người Ý có thói quen mở hết cửa vào buổi sáng cho dù là sáng mùa đông lạnh lẽo.

Nước Ý xinh đẹp ở mọi ngóc ngách

{keywords}
Anh Minh có nhiều hiểu biết về thời trang hơn sau 10 năm sống ở thành phố Milan, Ý.

Đúng như danh hiệu “kinh đô thời trang thế giới”, Hồ Tuấn Minh nhận xét, thành phố Milan mà anh sống luôn “xinh đẹp ở mọi ngóc ngách”.

Không chỉ tráng lệ bởi kiến trúc lộng lẫy và cảnh sắc mê hoặc lòng người, người Milan cũng là một nhân tố quan trọng làm nên vẻ đẹp của thành phố này.

“Người Ý ăn mặc rất đẹp, rất thời trang và có gu, đặc biệt là ở thành phố Milan thì mỗi người bước chân ra đường đều như một ‘stylist’ của riêng mình”.

“Người Ý thích sang và luôn đặc biệt chú trọng tới việc mặc gì trên người. Từ quần áo tới túi xách, giày dép… đều phải được phối hợp một cách thời trang. Nhiều người không có nhiều tiền đâu nhưng họ vẫn thích dùng đồ hiệu”.

Đặc biệt, ở Ý, sành điệu và thời trang không chỉ là đặc quyền của riêng người trẻ. “Có những ông già, bà già 80-90 tuổi vẫn đều đặn tuần 2 buổi đi làm tóc, gội đầu, uốn nhuộm tóc… Ra đường, họ vẫn xịt keo tóc, đánh son, đeo trang sức vô cùng chỉn chu. Ở Việt Nam mà vậy thì bị chê là ‘già mà còn xí xọn’”.

Vào các tuần lễ thời trang, đường phố Milan đầy những “người mẫu” nghiệp dư nhưng cực kỳ phong cách và quý phái. Trước khi ra đường, họ sẽ chú ý tới việc xịt nước hoa hiệu nào, đi đôi giày hãng nào, đánh son thương hiệu nào, thậm chí là chiếc gậy chống cũng phải có tên tuổi.

Sống trong một không gian thời trang sôi động như vậy, đặc biệt lại làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, thường xuyên phải tiếp xúc với khách, dĩ nhiên anh Minh không thể không quan tâm tới thời trang. “Tôi chỉnh đốn lại cách ăn mặc của mình, học cách phối đồ và đặc biệt là bỏ hẳn thói quen dùng hàng nhái như khi còn ở Việt Nam. Sang đây mà dùng hàng nhái, tự nhiên cảm thấy ngại”.

Không chỉ biết cách ăn mặc thời trang hơn, anh Minh cũng học được cách bảo quản quần áo theo kiểu người Ý. Nếu như thói quen cũ, anh hay tiện tay ném đồ vào máy giặt thì bây giờ có một số loại trang phục, anh buộc phải đem ra hiệu giặt là để có độ bền tốt nhất.

Chính nhờ tính cách mua đồ tốt ngay từ đầu, lại bảo quản cẩn thận nên người Ý dùng đồ rất bền, có những chiếc áo măng-tô có tuổi thọ lên đến 30-40 năm.

Tính cách yêu thời trang và cầu kỳ trong ăn mặc, bảo quản của người Ý dẫn đến một văn hoá phổ biến, đó là hầu hết các gia đình từ trung lưu trở lên đều thuê giúp việc theo giờ, thường là 1 tuần 2 ngày. Những người giúp việc này sẽ có nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa và là quần áo thật phẳng phiu. “Thậm chí là người Ý có nhu cầu là cả đồ lót” – anh Minh chia sẻ. Bản thân gia đình anh cũng đang có một người giúp việc như vậy.

Anh Minh cho rằng, có lẽ nhờ tính cách yêu cái đẹp, sống hết mình vì cái đẹp nên tuổi thọ của người Ý rất cao – cao nhất châu Âu và cao thứ 2 thế giới. “Người già ở Ý 70-80 tuổi là bình thường. Đặc biệt là họ vẫn rất lạc quan, yêu đời và trẻ trung”.

Hồ Tuấn Minh sinh năm 1986 ở Quy Nhơn. Hiện định cư tại Milan, Ý. Một số giải thưởng danh giá trong lĩnh vực khách sạn - nhà hàng anh từng giành được:

- Giải Nhất cuộc thi tay nghề trẻ TP.HCM năm 2006.

- Giải Ba Hội thi tay nghề quốc gia năm 2006.

- Giải Tay nghề trẻ xuất sắc Khu Vực Châu Á Asia Skills Competition tại Brunei Darusalem năm 2006.

- Giải Nhất Best Sommelier In Viet Nam 2009.

- Giải Nhất cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc gia (Giải thưởng danh giá về tay nghề nhà hàng) tại Huế, Việt Nam.

- Huy Chương Bạc cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc tế, nhận giải thưởng là học bổng toàn phần chuyên tu tại Luxembourg và đạt chứng chỉ loại Giỏi.

(Còn nữa)

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

'Cú sốc' của chàng kỹ sư người Việt ở tỉnh nghèo Nhật Bản

'Cú sốc' của chàng kỹ sư người Việt ở tỉnh nghèo Nhật Bản

“Ra đường mà nói to, rất có thể bạn sẽ bị cảnh sát tới nhắc nhở vì làm ảnh hưởng tới người khác. Hoặc trẻ con gây ầm ĩ trong nhà hàng cũng có nguy cơ bị mời đi ra ngoài”, Quý nói.