{keywords}
Hình ảnh YouTuber Thơ Nguyễn trong video "cầu vía học giỏi" với búp bê. (Ảnh cắt từ video)

Video “cầu vía học giỏi” của YouTuber Thơ Nguyễn đăng trên kênh TikTok đang khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh chỉ trích dữ dội những ngày qua.

Thơ Nguyễn là kênh YouTube có hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi. Trong 2 ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong với lời giải thích đi kèm là do “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ".

"Xin vía học giỏi là điều gì đó không sai trái nên chị sẽ xin giúp các em", Thơ Nguyễn nói. Sau đó, YouTuber này cho biết kết quả cầu vía sẽ phụ thuộc việc đầu búp bê lắc ngang hay dọc.

Sau khi đăng tải, video này có khoảng 477,8 nghìn lượt yêu thích, cao hơn nhiều so với các nội dung khác trên kênh. Tuy nhiên, do vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, đến tối ngày 10/3, trang TikTok này đã ẩn phần lớn các video đã đăng.

Trước đó, trong phần bình luận video và phần mô tả, Thơ Nguyễn đã cho biết, búp bê trong video không phải là kumanthong, mà chỉ là búp bê thông thường và thực ra đó chỉ là một trò đùa của cô. Tuy nhiên, làn sóng phản đối và tẩy chay nữ YouTuber này không ngừng tăng lên.

Cũng trong ngày 10/3, YouTuber này đã đăng tải một video giải thích về sự việc gây xôn xao. Trong video, cô khóc nức nở tuyên bố sẽ dừng làm video và chuyển sang làm một công việc khác.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, tác động của những nội dung phản cảm trên Youtube hay các nền tảng mạng xã hội khác với trẻ em đã từng được đề cập đến rất nhiều trước đây.  

“Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa. Không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy.

Trẻ hành động theo cảm xúc nhiều hơn nên tất cả những gì người lớn nói các em đều nghe và tin hết. Đầu óc của trẻ cũng như tờ giấy thấm thẩm thấu tất cả những gì diễn ra trong môi trường xung quanh. Đó là lý do tại sao tất cả các nội dung hướng đến trẻ em mới phải bị kiểm duyệt gắt gao như vậy và công tác bảo vệ trẻ em đang phải tìm mọi chiến lược để bảo vệ trẻ em khỏi các trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực gây lo lắng, sợ hãi”.

{keywords}
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo dục trẻ em hiện nay bên cạnh kiến thức thì quan trọng hơn phải là giáo dục phẩm chất. Vì vậy, các nội dung hướng đến trẻ em ít nhiều đều ảnh hưởng đến việc hình thành thế giới quan, cách nhìn nhận của trẻ về bản thân mình, về người khác và thế giới.

“Những nội dung như clip Kumathong vừa qua đằng sau đó có thể mang lại cảm giác sợ hãi với hình ảnh búp bê ma, hay việc từ chối không làm theo một việc không đúng do người lớn bắt sẽ bị dọa đánh hoặc lan truyền niềm tin dùng bùa ngải để không phải cố gắng học tập, lao động”.

Ở góc độ phụ huynh, TS. Nam cho rằng, rõ ràng chúng ta không thể để trẻ tuyệt giao với công nghệ. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ cần dành thời gian để cùng xem với trẻ. “Cha mẹ nên thiết lập nguyên tắc chỉ cho phép xem nội dung trên các nền tảng mạng xã hội ở những không gian mở - nơi người lớn có thể quan sát thấy trẻ đang làm gì”.

Đồng thời, cha mẹ nên dạy trẻ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ về các vấn đề an toàn trên mạng, giúp con nhận diện những nội dung không phù hợp và động viên con báo cho cha mẹ biết.

Cha mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu tại sao những nội dung đó không tốt, quy định mức thời gian sử dụng mạng tương ứng với lứa tuổi và nhận diện sớm các dấu hiệu nghiện internet.

“Phụ huynh cũng cần được khuyến khích tự cập nhật về công nghệ để giỏi hơn trẻ. Ví dụ, phụ huynh phải sử dụng được những bộ lọc, các ứng dụng cảnh báo. Cha mẹ cũng cần được hướng dẫn cách nói chuyện với con về những nguy cơ, những vấn đề mà trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo. Các tài liệu giáo dục an toàn trong sử dụng mạng đã được thẩm định cũng cần được giới thiệu đến các cha mẹ như một tài liệu phải đọc để đồng hành với con trên mạng”.

Liên quan đến chính sách, TS. Nam cho rằng cần phải có những biện pháp kiểm soát chặt hơn các nội dung được tạo ra trên mạng xã hội.

TS. Nam đề xuất, nếu việc sáng tạo nội dung trên youtube hiện đã trở thành một nghề thì có lẽ cũng sẽ cần những chứng chỉ hành nghề, bộ quy tắc đạo đức hành nghề để đảm bảo những người sáng tạo nội dung cho trẻ em có đủ kiến thức chuyên môn và năng lực để giáo dục trẻ em, phải biết tôn trọng các nguyên tắc đạo đức để bảo vệ cộng đồng.

“Nếu coi các nội dung sáng tạo trên mạng xã hội là món ăn tinh thần thì cũng cần có quy trình kiểm duyệt như kiểm duyệt thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Đi cùng với đó, cần có các chiến lược yêu cầu gắn nhãn nội dung video để khuyến cáo cha mẹ về các video nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến cáo về các nguy cơ có thể xảy ra khi xem”.

“Ngoài ra, chương trình học tại nhà trường nên có phần thời lượng dành cho nội dung hướng dẫn sử dụng mạng an toàn” - PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, Cục này đã yêu cầu TikTok và YouTube gỡ những nội dung vi phạm liên quan đến tài khoản Thơ Nguyễn. 

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an (Cục A03 - Cục An ninh Chính trị nội bộ) để mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc vì video người này truyền tải có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, sau đó sẽ xử lý theo quy định. 


Xem thêm video: Streamer, Youtuber kiếm tiền như thế nào?

Nguyễn Thảo

Video xấu, độc trên Youtube: Từ sự tò mò đến những cái chết đau lòng

Video xấu, độc trên Youtube: Từ sự tò mò đến những cái chết đau lòng

Trước video "xin vía” búp bê kumanthong để học giỏi của Thơ Nguyễn, hàng loạt video với nội dung nhảm nhí, độc hại từng xuất hiện YouTube khiến phụ huynh phải giật mình.