Chỉ trong vài phút, cô và chồng đã đồng ý đặt lịch phá thai càng sớm càng tốt.

Liu nhớ lại cảm giác tội lỗi khi nằm trên bàn mổ. Mặc dù là người vô thần, nhưng cô bất giác cầu nguyện cho đứa trẻ sẽ tìm thấy một gia đình yêu thương mình ở kiếp sau. Nhưng cô cũng không hối tiếc về quyết định đó. Với cô, việc có thêm một đứa con nữa là điều không thể nghĩ đến.

“Chúng tôi gần như cạn kiệt tất cả tiền bạc và năng lượng cho đứa con đầu” - Liu nói và yêu cầu dùng tên giả để giấu danh tính. “Làm sao chúng tôi có tiền lo cho đứa thứ hai?”.

Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cũng nghĩ như Liu. Các cặp vợ chồng quyết định không sinh thêm con vì lo ngại tác động của việc đó đối với tài chính và lối sống hiện tại của họ.

Đó chính là xu hướng khiến các nhà lãnh đạo nước này vô cùng đau đầu. Cách đây 5 năm, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách chỉ được phép sinh 1 con, cho phép mọi gia đình có 2 con - một động thái nhằm cải thiện tình trạng dân số già của đất nước. Tuy nhiên, kịch bản bùng nổ dân số đã không thành hiện thực.

{keywords}
Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sự bùng nổ dân số sau khi gỡ bỏ quy định cấm sinh con thứ 2. Ảnh minh họa: Financial Times

Sau sự gia tăng đột biến vào năm 2016, tỷ lệ sinh của Trung Quốc lại giảm 3 năm liên tiếp, không giống như kỳ vọng của cả giới học giả và chính trị gia. Vào năm 2019, cả nước chỉ ghi nhận 14,65 triệu ca sinh - mức thấp nhất kể từ năm 1952.

Một số chuyên gia tin rằng sự sụt giảm này có thể đẩy Trung Quốc vào “bẫy sinh sản thấp” - một phản ứng dây chuyền kinh tế, trong đó xu hướng dân số già ngày càng tăng đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng và khiến chi phí chăm sóc tăng theo chiều xoắn ốc. Họ sợ rằng tiến trình này có thể đang diễn ra.

Các nhà chức trách nước này đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sinh, từ việc đề nghị “giai đoạn tạm lắng” với những cặp vợ chồng muốn ly hôn, cho tới việc nới lỏng hơn các quy định về kế hoạch hóa gia đình. Một số đơn vị bắt đầu tổ chức các sự kiện hẹn hò giúp người trẻ độc thân tìm bạn đời, khuyến khích các cán bộ nòng cốt làm gương bằng cách sinh con thứ hai.

Tuy nhiên, các biện pháp này dường như không có nhiều tác dụng. Với ông Wang Guangzhou - nghiên cứu viên Viện Dân số và Kinh tế lao động, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, việc số người độc thân và ly hôn ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi khi Trung Quốc đang phát triển và hiện đại hóa.

Trong khi đó, các cặp đôi sống ở thành thị đều có những lý do riêng cho việc không muốn sinh thêm con. Với nhiều người, việc nuôi dạy một đứa trẻ - gánh nặng tài chính, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ, cạnh tranh khốc liệt để vào trường tốt - đều là những vấn đề lớn.

{keywords}
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc liên tục giảm trong những năm qua.

Stella, 29 tuổi đã kết hôn được hơn 5 năm, nhưng vợ chồng cô chưa có kế hoạch sinh con sớm. Bạn bè họ ở Thượng Hải coi họ là những người dũng cảm và “ngầu” khi đi theo lối sống DINK - tức là thu nhập gấp đôi, không có con cái - một lối sống mà Stella nói là thực tế kém hào nhoáng hơn nhiều.

“Chúng tôi là một gia đình DINK giả. Không phải là chúng tôi không muốn có con, mà là chúng tôi không dám có con” - Stella nói.

Vào đêm trước ngày cưới năm 2015, Stella và chồng đã nhất trí với nhau không sinh con cho tới khi họ ổn định hoàn toàn. 5 năm qua, họ đang từng bước hướng tới mục tiêu đó.

Sau khi tốt nghiệp đại học, họ đều ở lại Thượng Hải thay vì chuyển về quê. Họ tìm được việc làm, được thăng chức và cuối cùng là được cấp hộ khẩu ở thành phố này. Họ cũng đã mua một chiếc xe hơi và mua thế chấp cho một căn hộ 60m2.

Tuy nhiên, họ vẫn chưa sẵn sàng để sinh con. Stella đang giải quyết một loạt vấn đề mà các cặp đôi cần làm trước khi có con, từ việc mua một căn hộ lớn hơn đến việc liệu bố mẹ họ có sẵn sàng chuyển đến Thượng Hải để giúp họ chăm sóc con cái hay không. Stella cũng lo lắng việc mang thai có thể khiến cô không được thăng tiến trong tương lai.

“Năm ngoái, chúng tôi lại bàn về chuyện sinh con, và câu trả lời là không” - Stella nói. “Thực tế là chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị đủ về mặt tài chính”.

Chi phí nuôi con quá lớn

{keywords}
Nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con thứ hai vì không thể đảm bảo về mặt tài chính. Ảnh minh họa: The Conversation

Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, chi phí liên quan đến việc nuôi dạy một đứa trẻ có thể lớn đến mức ngạc nhiên. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của công ty tư vấn TF Securities, cha mẹ ở Bắc Kinh ước tính chi phí nuôi con ít nhất là 78.000 tệ - tương đương với thu nhập hơn 1 năm của một hộ gia đình trung bình ở thành phố này. Báo cáo cho thấy, nếu tính thêm các khoản phụ như chăm sóc trẻ, phí bảo hiểm cho tài sản ở các khu vực có trường học tốt, tổng số có thể lên đến 2,5 triệu tệ.

“Đặc biệt là ở các thành phố lớn, các cặp vợ chồng trẻ có học vấn cao sẽ thấy có nhiều chi phí cơ hội cho việc nuôi dạy một đứa trẻ” - ông Wang nhận định. “Việc họ chọn sinh ít con hơn, thậm chí không sinh con là điều không thể tránh khỏi”.

Chính quyền địa phương đang cố gắng giúp cuộc sống dễ dàng hơn với các cặp vợ chồng trẻ. Hồi tháng 4, tỉnh Sơn Tây đã ban hành một văn bản khuyến khích các nhà tuyển dụng cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ 200 tệ/ tháng cho những cặp vợ chồng có con dưới 3 tuổi. Một tháng sau, Bắc Kinh cũng tăng tiền bảo hiểm thai sản cho phụ nữ.

Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng có thu nhập trung bình, những chính sách mới này là chưa đủ. Theo một cuộc khảo sát của Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, phụ nữ từ 30 đến 39 tuổi, có hộ khẩu, có bằng cử nhân, có thu nhập hộ gia đình trên mức trung bình có nhiều khả năng sinh con thứ hai hơn.

“Bây giờ, ở Thượng Hải, có thể bằng chứng cuối cùng cho thấy bạn xuất thân từ một gia đình giàu có là sinh con thứ hai” - Liu nói.

Tất nhiên, vẫn có nhiều cặp vợ chồng trung lưu chỉ đơn giản là không thích sinh con thứ hai. Mặc dù Yoyo Zhao đáp ứng tất cả các tiêu chí được nêu trong cuộc khảo sát trên, cô vẫn rùng mình khi nghĩ đến việc nuôi dạy thêm một đứa trẻ nữa.

“Một số người xung quanh tôi nói rằng, sinh 2 con là hạnh phúc nhân đôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ ghen tị với cuộc sống của họ” - người phụ nữ 36 tuổi tâm sự. “Tôi thực sự tin rằng nỗi đau của họ cũng tăng lên gấp đôi”.

Kể từ khi sinh con trai vào năm 2012, cuộc sống của Zhao cũng như hôn nhân của cô hoàn toàn thay đổi. Khi phóng viên gặp cô vào tháng 9, vô tình đó là ngày sinh nhật của chồng cô. Trước đây, họ sẽ đi ăn mừng bằng một bữa ăn thịnh soạn, nhưng giờ thì không.

“Con trai tôi phải tham gia một cuộc thi ở lớp ngoại khóa. Tôi phải về nhà sớm để giúp thằng bé chuẩn bị” - Zhao thở dài.

Mặc dù vợ chồng cô đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho việc lập gia đình nhưng họ vẫn bất ngờ về những khó khăn của công việc này.

Trong suốt thời gian mang bầu, Zhao phải kiểm soát cân nặng một cách cẩn thận vì lo sợ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Cô cũng phải mổ cấp cứu sau một ca vượt cạn khó khăn.

“Ngày xưa, những rủi ro và chi phí mà phụ nữ phải chịu đựng khi sinh con bị đánh giá thấp” - Zhao nói.

Khi con trai đến tuổi học mẫu giáo, Zhao nhận thấy cô phải chi trả những khoản tiền khổng lồ cho các lớp giáo dục sớm - điều mà nhiều phụ huynh Trung Quốc coi là cần thiết để đứa trẻ không bị tụt lại đằng sau. “Nếu tính ra túi xách thì năm nào tôi cũng mất một chiếc túi Hermes Birkin”.

Thay vào đó, Zhao bắt đầu mang theo một chiếc túi lớn của mẹ bỉm sữa chứa đầy khăn, tã của trẻ em. Cô ngừng trang điểm (đề phòng con trai liếm nó) và ngừng dùng đồ trang sức (vì nó có thể làm xước da thằng bé). Phần lớn thời gian rảnh rỗi, cô phải đưa con đi học các lớp hội họa, tiếng Anh… nên việc ăn mặc cũng chẳng có ích gì.

Đối với Zhao, 8 năm như vậy là quá đủ. “Tôi không còn năng lượng để chăm sóc đứa con thứ hai” - cô nói. “Tôi không muốn lặp lại những đau khổ mà tôi đã phải chịu đựng”.

Con một - con luôn là đứa trẻ được chọn

{keywords}
Nhiều người cho rằng con một không hề cô đơn. Ngược lại, chúng không phải san sẻ tình yêu thương với bất cứ ai. Ảnh minh họa: SCMP

Mặc dù một số người cho rằng con một có thể khiến đứa trẻ cô đơn, nhưng Zhao bác bỏ nỗi lo này. Giống như hầu hết bậc cha mẹ cùng thế hệ với cô, cả Zhao và chồng đều là con một vào những năm 1980 do chính sách một con thời đó.

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn trong suốt thời thơ ấu. Thay vì cho thằng bé một đứa em, tôi hi vọng thằng bé có thể học cách kết bạn và có một gia đình cho riêng mình”.

Liu - cũng là con một - đồng tình với điều này. 9 tháng sau khi phá thai, cô chẳng cảm thấy gì ngoài việc thấy nhẹ nhõm về quyết định của mình, đặc biệt là khi Thượng Hải bị cách ly chỉ vài ngày sau khi cô làm thủ thuật.

Với Liu, làm việc tại nhà cùng với cậu con trai có thói quen bật dậy đột ngột mỗi khi cô đang gọi video cho sếp thật là mệt mỏi.

“Chúng tôi bị mắc kẹt ở nhà với một đứa trẻ 4 tuổi hiếu động suốt 24 giờ/ ngày. Nó giống như một bộ phim kinh dị vậy” - cô kể. “Hãy tưởng tượng nó sẽ kinh khủng hơn biết bao nhiêu nếu có 2 đứa trẻ”.

Và Liu khẳng định quyết định của cô cũng có lợi cho con trai mình. Nhiều bạn cùng lớp thằng bé là con thứ hai. Chính cậu bé liên tục nói rằng không muốn có em trai.

“Tôi nghĩ với tư cách là cha mẹ, chúng ta nên tôn trọng con cho dù nó đang ở tuổi nào”.

“Tôi cũng muốn dành cho con trai tất cả tình yêu thương mà chúng tôi có thể. Thằng bé luôn là người được chọn, và không phải chia sẻ tình yêu thương với bất kỳ ai”.

Phụ nữ có học vấn cao ở Trung Quốc khổ sở vì ở nhà nội trợ

Phụ nữ có học vấn cao ở Trung Quốc khổ sở vì ở nhà nội trợ

Nhiều phụ nữ có học vấn cao tại Trung Quốc quay về làm nội trợ, vun vén gia đình. Không ít người hối hận vì vất vả, không được coi trọng và thiếu sự cảm thông từ người thân.

Đăng Dương (Theo The Sixth Tone)