{keywords}
Bốn nhân vật truyền cảm hứng năm 2021 do độc giả VietNamNet bình chọn được vinh danh vào sáng nay 20/12.

Sáng nay ngày 20/12 tại văn phòng báo VietNamNet ở TP.HCM đã diễn ra Lễ trao giải Nhân vật truyền cảm hứng năm 2021.

Bốn cá nhân, tập thể được độc giả bình chọn cao nhất năm nay là bà Đặng Thị Kim Oanh - nữ doanh nhân nhập thuốc đặc trị Covid-19 phát miễn phí cho bệnh nhân, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - người nhận đỡ đầu cho 3 bé mồ côi vì Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị đóng vai trò then chốt trong việc cứu chữa cho bệnh nhân nặng, anh Vũ Quốc Cường (đã mất vì Covid-19) - người đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, lang thang cơ nhỡ và người bị cách ly.

Năm 2021 là năm thứ 2 báo VietNamNet tổ chức Giải thưởng Nhân vật truyền cảm hứng nhằm vinh danh những hành động, dự án của các cá nhân, tổ chức có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng..

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập báo VietNamNet cho biết: "Trong một năm chịu áp lực dịch bệnh như năm 2021, sự tử tế, tương trợ lẫn nhau lại càng cần thiết hơn bao giờ hết".  

Ông Phạm Anh Tuấn đánh giá cao sự đóng góp, hi sinh, cống hiến của tất cả 14 nhân vật được đề cử giải thưởng Nhân vật Truyền cảm hứng năm 2021, từ chàng lái xe ôm cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông cho tới nhóm kỹ sư người Việt thành danh ở nước ngoài mở những lớp dạy lập trình trực tuyến miễn phí cho hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam… cùng biết bao bác sĩ, các nhà thiện nguyện đã bỏ công sức, tiền của để giúp đỡ các bệnh nhân, các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

{keywords}
Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập báo VietNamNet phát biểu tại buổi lễ.

"Bốn nhân vật được độc giả VietNamNet bình chọn là những gương mặt đại diện cho tất cả những hành động tử tế đang diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên khắp mọi miền đất nước.

Chúng tôi hiểu rằng những người có mặt hôm nay làm việc tốt không phải để được vinh danh nhưng sự có mặt của họ tại đây, lúc này đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết phải nhân rộng những hành động tử tế, để cái đẹp, cái tốt trở thành dòng chảy chính của xã hội, của các phương tiện truyền thông". 

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, trong cuộc đua kiếm tìm lượng truy cập giữa các tờ báo ngày càng khốc liệt, khi các thông tin tiêu cực ngày càng thu hút trí tò mò của bạn đọc, bào mòn đời sống tinh thần của độc giả, VietNamNet muốn góp sức thay đổi điều đó bằng những bài báo có chứa đựng những điều tốt đẹp và tôn vinh những con người tốt đẹp.  

Ông trích lời nữ phi công đầu tiên của thế giới Amelia Earhart - biểu tượng của sự độc lập, kiên trì và dũng cảm từng nói: "Không hành động tử tế nào có tác dụng đơn lẻ. Một hành động đẹp dẫn tới một hành động đẹp khác. Mọi người sẽ noi gương nhau. Một hành động tử tế sẽ vươn rễ về mọi hướng, và rễ sẽ lớn lên để mọc thành cây". 

"Báo VietNamNet đã và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để những rễ cây tử tế này không chỉ phát triển thành một cái cây mà sẽ thành một khu rừng tốt tươi". 

Lễ trao giải cũng có sự tham gia của ông Đặng Mạnh Trung - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM. 

{keywords}
Ông Đặng Mạnh Trung (ở giữa) - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM trao giải cho các nhân vật truyền cảm hứng năm nay. 

Ông Trung chia sẻ, năm 2021 là một năm hết sức đặc biệt khi đất nước đã và đang trải qua đại dịch Covid-19. Chính đại dịch này làm cho cuộc sống của người dân, kinh tế đất nước gặp khó khăn. Nhưng cũng chính trong khó khăn đó đã "phát lộ" ra nhiều tấm lòng nhân ái, những con người có nghĩa cử cao đẹp chia sẻ với cộng đồng.

"Bản thân họ không được ai trao nhiệm vụ chăm lo cho mọi người. Nhưng xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương nhân ái, họ đã có những hành động đầy ý nghĩa cho xã hội.

Tôi nghĩ rằng, những gương mặt này chính là những viên ngọc sáng. Họ đã gieo niềm cảm hứng cho nhiều người học tập và làm theo. Tôi hi vọng các anh chị được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục phát huy nghĩa cử cao đẹp của mình.

Tôi cũng tin trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có thêm nhiều người có hành vi cao quý, việc làm ý nghĩa, góp phần xây dựng xã hội thân thiện, đoàn kết, thương yêu lẫn nhau". 

Ông Trung cũng gửi lời chúc mừng tới các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo nhân dịp 24 năm kỷ niệm ngày thành lập báo VietNamNet. "Mong quý báo sẽ tiếp tục phát huy những bài viết, chương trình hay để tạo ngày càng nhiều niềm tin cho độc giả".

{keywords}
MC Thanh Phương và các khách mời.

Nữ doanh nhân nguyện làm việc khó

Trong phần giao lưu với các khách mời là 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2021, bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh, Chủ tịch Quỹ từ thiện Kim Oanh đã có những chia sẻ rất chân thành về hành trình hỗ trợ cộng đồng suốt một năm qua trong công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Bà cho biết, suốt 15 năm hoạt động thiện nguyện, càng làm bà càng thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Bà cho rằng đây là trách nhiệm của một cá nhân, một doanh nghiệp đối với xã hội.

Nói về lý do trực tiếp tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, bà Oanh chia sẻ: "Nếu tôi không trực tiếp tham gia thì tôi sẽ không cảm nhận được và không bao giờ thực hiện được nhiều chương trình như vậy. Càng đi, tôi càng thấy niềm hạnh phúc nhất của đất nước chúng ta là sự đoàn kết, yêu thương và chia sẻ lẫn nhau. Tôi không gọi những gì tôi làm là chương trình từ thiện, mà tôi cho rằng đó là sự sẻ chia, sự nhân văn giữa người với người mà xã hội này cần có".

{keywords}
Bà Đặng Thị Kim Oanh tại văn phòng báo VietNamNet ở TP.HCM.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình, bà Oanh cho biết, khi làm chương trình Chung tay tiếp nối nhịp thở yêu thương, ban đầu bà định gửi tặng hàng trăm máy thở, bộ đồ bảo hộ cho các y bác sĩ nhưng sau đó nhờ sát sao hỏi thăm nhu cầu của các bệnh viện, bà đã chuyển hướng nhập về 15 ngàn bình thở oxy. "Sau 3 tuần hàng về đúng vào lúc dịch bệnh cao điểm, giúp hàng ngàn bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến không chuyển biến nặng".

Sau chương trình đó, bà tiếp tục với chương trình tặng gạo - 200 tấn gạo đã được gửi tới sinh viên đang mắc kẹt trong các trường đại học. 

Nhận thấy tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, bà lại có ý định nhập thuốc đặc trị Covid-19 (Remdesivir) - loại thuốc khó tiếp cận nhất trên thế giới vào thời điểm đó.

Thừa nhận mình là người làm kinh doanh, không có hiểu biết nhiều về thuốc, những ngày đầu tiên, bà đã không biết bắt đầu đi từ đâu. "Ai cũng hỏi chúng tôi 'sao mà nhập được thuốc?'" - bà Oanh kể.

"Thậm chí, có người còn cảnh báo: “Chắc chị Oanh bị lừa rồi đó”, nhiều người nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ có thuốc".

Thế nhưng, bằng tất cả những mối quan hệ và kết nối, chỉ trong 10 ngày, bà đã nhập về Việt Nam một lượng thuốc lớn. 

Nữ doanh nhân cũng chia sẻ chân thành rằng, đó cũng là thời điểm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp. Sáng thứ Sáu, thuốc về đến Việt Nam, bà phải đối mặt với câu hỏi "tiền đâu chuyển mấy chục tỷ để lấy thuốc trong ngày thứ Bảy?".

Sau đó, bằng các mối quan hệ và uy tín của doanh nghiệp, ngân hàng đã giải ngân ngay 35 tỷ đồng trong ngày để Quỹ Từ thiện Kim Oanh có thể nhận toàn bộ lượng hàng lớn. Sau khi nhận thuốc, công cuộc phân bổ thuộc như thế nào cho phù hợp, tỉnh nào, bệnh viện nào đồng ý nhận thuốc cũng là một vấn đề lớn. "Có bệnh viện trả lời rằng không biết chất lượng thuốc như thế nào nên không giúp được chị Oanh".

Nhưng cuối cùng, rất may mắn, 11h đêm Quỹ đã hoàn tất mọi việc, 7h sáng hôm sau đã có thể đi trao thuốc tận tay các bệnh viện. 

Ngay sau chương trình tặng thuốc Remdesivir, hoạt động nấu hàng ngàn suất bún bò Huế lại đến với chị một cách tự nhiên. "Hôm đó, tôi có một ngày nghỉ nên nấu bún bò cho gia đình ăn. Tôi cũng đem một số suất bún tặng cho một số nhân viên ở bệnh viện. Một cô ăn xong nói với tôi rằng 'ăn xong tô bún tỉnh cả người'. Tôi nghe mà thấy xót xa, ngay lập tức cho họp nhân viên lại để tiến hành luôn chương trình nấu và trao tặng các suất bún bò cho nhân viên y tế".

Mục tiêu bà đặt ra là sẽ trao tặng 30 ngàn tô bún bò, nên có ngày bà đứng bếp nấu tới 2.000 suất. Là một người gốc Huế, bà biết để làm ra một tô bún bò đòi hỏi sự cầu kỳ và tinh tế, vì thế tất cả các khâu đều phải được chuẩn bị rất cẩn thận, ăn khớp với nhau. "Làm thế nào để tô bún được chuyển từ Bình Dương lên TP, làm sao cho nóng để đưa về Đồng Nai, nấu lại rồi mới đưa đến các bệnh viện,... là một 'bài toán' vô cùng vất vả".

Nhưng cứ đến giờ trưa, khi bà nhận được tin nhắn từ các bệnh viện khen “ăn tô bún như được sống lại”, khi các bác sĩ trả lại tô bún chỉ còn chiếc tô không, là bà vô cùng hạnh phúc, quên hết mệt mỏi. 

Suốt một năm qua, những đóng góp của nữ doanh nhân trong công cuộc chống dịch là rất đáng ngưỡng mộ, nhưng bà cho rằng đó không chỉ là công sức của riêng bản thân bà, mà là sự góp sức của hàng ngàn người trên tuyến đầu, hàng vạn người đã đóng góp, hi sinh.

Người cha của 5 đứa con 

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - trợ lý Quân khí, Ban Chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.HCM - xúc động chia sẻ lời đầu tiên với độc giả báo VietNamNet: "Bản thân tôi, qua đợt dịch Covid-19, rất hạnh phúc vì có 5 đứa con rất ngoan. Hạnh phúc hơn là khi bản thân được đóng góp sức mình chung tay xoa dịu nỗi đau mồ côi". 

{keywords}
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tại Lễ trao giải Nhân vật truyền cảm hứng năm 2021.

Khi đưa tro cốt chị Nga về nhà trọ ở quận Tân Phú, TP. Thủ Đức, anh phát hiện tất cả mọi người ở dãy nhà trọ đều dương tính, cuộc sống và tình trạng sức khoẻ đều rất khó khăn. Lúc phát hiện chỉ còn cháu Phạm Bảo Châu đang sống một mình trong căn nhà trọ, lại nhiễm bệnh, bản thân anh rất bất ngờ và xót xa.

Trước tình cảnh dịch bệnh phức tạp, một đứa trẻ bơ vơ không có nơi nương tựa, anh quyết định mình phải làm một điều gì đó giúp đỡ cháu. Từ đó, anh nhận đỡ đầu chăm lo cho Châu. Sau gần 2 tháng tìm kiếm người thân cho cô bé,  anh cũng tìm được bà ngoại của cháu, năm nay 87 tuổi cùng anh chị của bé Châu là Đình Huy và Bảo Ngọc hiện sống trong căn nhà xuống cấp 20m2 ở Quận 4.

"Trong một lần qua thăm, cháu Ngọc có nói với tôi rằng 'Chú Kiên ơi, cho con gọi chú Kiên bằng ba nha. Con không có ba, con muốn có ba để được ba quan tâm'".

Là một người cha, mặc dù biết là sẽ rất khó khăn về kinh tế, công việc và các mối quan hệ xã hội, nhưng thấu hiểu trước hoàn cảnh các cháu thiếu thốn tình cảm người cha từ nhỏ, nay mất đi người mẹ nên anh quyết định nhận đỡ đầu cho cả 3 đứa trẻ.

Rất hạnh phúc, việc làm của anh được gia đình, đơn vị, đồng đội, bạn bè và cộng đồng ủng hộ. Mặc dù đang mang một trách nhiệm rất nặng nề nhưng anh cho biết anh rất biết ơn trước sự quan tâm của báo đài, của xã hội. "Sự bầu chọn của độc giả báo VietNamNet hôm nay cũng như một động lực, tiếp thêm năng lượng cho tôi trong hành trình cưu mang các em bé mồ côi vì Covid-19".

{keywords}
Anh Kiên chia sẻ về tình trạng của 3 cháu bé hiện tại.

Chia sẻ về tình trạng của 3 cháu bé hiện tại, anh Kiên cho biết, hiện nay 3 cháu đang sống cùng bà ngoại tại Phường 8, Quận 4. Hàng tuần, anh mang lương thực gửi cho mấy bà cháu, hằng ngày anh gọi điện hỏi thăm tình hình các cháu.

"Trong việc chăm lo cho các cháu có nhiều khó khăn, đặc biệt là về thời gian. Hiện tại, tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ trực tại đơn vị, lúc nào rảnh tôi đưa các cháu về nhà mình chơi, để chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Một khó khăn lớn nữa là kinh tế và các mối quan hệ xã hội của tôi. Cuộc sống của bản thân tôi bị đảo lộn hoàn toàn".

Anh Kiên chia sẻ, trong tương lai gần, anh muốn hỗ trợ 4 bà cháu xây một căn nhà để ở đồng thời dành thời gian quan tâm để các cháu ổn định tâm lý hơn. "Hiện cháu Huy và Ngọc học tập còn hạn chế, chưa theo kịp bạn bè do có thời gian nghỉ học theo mẹ đi nhặt ve chai. Trong thời gian này, tôi cũng dành thời gian dạy online cho các cháu, mất khá nhiều thời gian và khó khăn". 

Giây phút sinh tử của bệnh nhân là động lực

Chia sẻ về việc đại dịch đã làm thay đổi cuộc sống của đội ngũ nhân viên y tế, Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Huy - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Trong 2 năm vừa qua, đại dịch đã thay đổi rất nhiều. Năm 2020, dịch Covid-19 chưa quá mạnh nên công việc của nhân viên y tế không thay đổi lớn. Đa số đội ngũ y bác sĩ đều điều trị ở một số địa bàn có bệnh nhân và tham gia tình nguyện cho các địa phương. Bước sang năm 2021, đại dịch bùng phát, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tất cả mọi người nói chung và của nhân viên y tế ở bệnh viện nói riêng".

"Tôi còn nhớ, ngày 15/7 là ngày thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn, mọi thứ từ nhân lực, thiết bị máy móc, thuốc men đều thiếu thốn. Sau đó, được Bộ Y tế hỗ trợ, các bệnh viện cơ sở, trung ương cung cấp người, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã hoạt động ổn định hơn.

Mỗi ngày chúng tôi đón rất nhiều bệnh nhân, nhiều lúc quá tải. Đội ngũ y bác sĩ cũng không đủ để chữa trị cho người bệnh nên cơ sở đã phải xin thêm người để có thêm nhân lực hỗ trợ lẫn nhau.

Bản thân tôi tham gia chống dịch từ tháng 5-6 đến giờ chưa về nhà. Mọi việc cá nhân cũng phải dừng lại để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là chống dịch".

{keywords}
Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Huy - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy

Dù khó khăn, thử thách, có lúc mệt mỏi vô cùng nhưng đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy luôn hết lòng với công việc. Điều giúp họ vượt qua được mệt mỏi khó khăn chính là lúc chứng kiến giây phút sinh tử của bệnh nhân.

"Có những người tưởng chừng không gượng dậy được nhưng rồi họ đã tỉnh lại, xuất viện, về với gia đình. Thấy bệnh nhân khỏe mạnh, đi qua chào mình, chúng tôi vô cùng xúc động. Nụ cười của họ chính là động lực giúp chúng tôi có niềm tin để cố gắng cứu thêm nhiều bệnh nhân nữa".

Trong suốt quá trình chống dịch, có rất nhiều trường hợp khiến các y bác sĩ xúc động. Nhưng câu chuyện khiến bác sĩ Huy và các đồng nghiệp nhớ nhất có lẽ là trường hợp của nữ bệnh nhân 29 tuổi, nặng hơn 100kg.

Khi bị mắc Covid-19, bệnh nhân này đã được điều trị ở Bệnh viện Củ Chi 2-3 ngày rồi mới chuyển sang bệnh viện hồi sức chúng tôi. Lúc đó, tình trạng của bệnh nhân rất nặng: ngưng thở, suy gan, suy thận nặng.

Tình hình nguy cấp, các bác sĩ phải chạy từ khoa hồi sức xuống vì di chuyển bệnh nhân lúc này rất nguy hiểm. Các y bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản tại khoa cấp cứu, làm ECMO ngay tại đó để cứu bệnh nhân rồi mới chuyển lên khoa hồi sức.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị xuất huyết phổi, suy gan, thận, nhiễm trùng nặng. Các y bác sĩ rất băn khoăn không biết có nên dùng kháng sinh, kháng nấm hay không. Vì điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến tiền sử gan, thận của bệnh nhân.

"Các y bác sĩ đã nhiều lần nghĩ bệnh nhân khó có thể qua khỏi vì tình trạng rất nặng. Thế nhưng chính người bệnh đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.

Mỗi lần tỉnh lại, thấy các bác sĩ chữa trị cho mình, bệnh nhân rất hợp tác và nghe lời. Tất cả đều cảm nhận được nghị lực, tinh thần khát khao sống của người bệnh. Và chúng tôi lại cố gắng hết mình. Sau 18 ngày bệnh nhân đã khởi sắc, ổn định. Sau 20 ngày, bệnh nhân đã bỏ được ECMO rồi dần khỏe lại.

Nhìn thấy bệnh nhân hồi phục, chúng tôi rất vui vì cảm giác như vừa kéo một người từ cửa tử quay về".

{keywords}
Bác sĩ Phạm Minh Huy cho biết, dù khó khăn, thử thách, có lúc mệt mỏi vô cùng nhưng đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy luôn hết lòng với công việc.

Chia sẻ về việc chuẩn bị tâm lý và tinh thần cho cuộc chiến thời bình trường kỳ phía trước, bác sĩ Huy cho biết, "Chúng tôi luôn cố gắng hết mình với công việc, nhiệm vụ được giao. Việc chuẩn bị tinh thần để chống dịch không chỉ là chuẩn bị về tư tưởng mà còn là chuẩn bị về kiến thức.

Covid-19 tuy đã bùng phát 2 năm nhưng lại rất mới. Có nhiều chủng mới đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức về chẩn đoán để đáp ứng những thay đổi từng ngày cả về triệu chứng và cách điều trị.

Bản thân đội ngũ y bác sĩ chúng tôi cũng luôn phải cố gắng sắp xếp thời gian cân đối giữa công việc, học tập và gia đình. Covid-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài và mỗi chúng ta phải luôn sẵn sàng tâm lý sống chung với dịch".

Người lo bữa cơm cho người nghèo đến hơi thở cuối cùng

Thay mặt anh Vũ Quốc Cường (đã mất vì Covid-19) - người thành lập quán cơm Cường béo, người làm thiện nguyện đến hơi thở cuối cùng, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan - vợ anh nói: "Nhà tôi chỉ có mười mấy mét vuông nhưng từ mười mấy mét vuông đó, gia đình cũng giúp được rất nhiều người như sinh viên, học sinh, bà con lối xóm... suốt chục năm nay.

Cho đến nay, điều ấn tượng nhất của tôi về anh Cường là mỗi lần vợ chồng đi làm thuê, làm mướn có bao nhiêu đồng, anh ấy cứ dặn là gia đình phải hà tiện, ăn ít thôi. Bữa cơm ăn vừa đủ thôi, còn lại tiết kiệm dành phần đó chia sẻ cho những người khó khăn hơn".

Tôi và các con cũng nghe lời theo và làm như thế suốt bao nhiêu năm nay. Khi vợ chồng bắt đầu làm từ thiện, chúng tôi không bao giờ nghĩ là làm vì cái gì cả. Mỗi khi nấu những phần cơm chia sẻ với người khó khăn, họ vào ăn hết phần cơm rồi vui vẻ nói: 'Chị ơi, chị cố gắng nấu để chúng em có thêm bữa cơm, còn dư phần nào thì chia sẻ với gia đình chúng em nữa'. Chỉ có câu nói ấy mà bao năm nay chúng tôi làm không biết mệt mỏi".

{keywords}
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan - vợ anh Vũ Quốc Cường (anh Cường đã mất vì Covid-19) xúc động khi chia sẻ tại lễ trao giải.

Chị Lan nhớ câu anh dặn các con: “Người ta lớn người ta làm việc lớn, người ta giúp đời những việc lớn, gia đình mình nhỏ, có thể chia sẻ được gì thì mình cứ làm đừng ngần ngại, đừng nghĩ mình không có tiền thì không làm. Không có tiền thì mình vẫn chia sẻ được những việc nhỏ nhặt nhất trong xã hội”. 

Chị Lan cho biết, đến hôm nay, ngồi trước mọi người, chứng kiến mọi người làm được những việc lớn lao để giúp xã hội, dù gia đình chị chỉ làm được những việc nhỏ nhặt thôi nhưng cảm rất vui, có thêm tinh thần vượt qua những nỗi đau, mất mát của mình.

Dù biết rằng giờ đây, gia đình, các con chỉ có một mình gánh vác nhưng chị cũng cảm thấy an ủi rất nhiều. Trước đó, mẹ chị cũng làm từ thiện rồi mất vì Covid-19. Sau đó, chồng chị cũng ra đi. Các con chị vẫn đang tuổi ăn học, rất hụt hẫng khi mất đi người bố, người trụ cột trong gia đình.

"Vừa qua, thông qua báo VietNamNet, xã hội, cộng đồng mạng có giúp đỡ, hỗ trợ cho gia đình chúng tôi một số tiền. Tôi nói với các con rằng, mình khổ mà khi bố sống, bố luôn vì mọi người. Bố chia sẻ hết không hề để lại tài sản gì cho bản thân. Bây giờ, mọi người đang trong tình cảnh rất khó khăn, khổ sở, mẹ xin các con dùng phần tiền này để giúp mọi người trước đã rồi mình từ từ sống lay lắt sau. Xã hội sẽ không bỏ rơi mình đâu.

Các con tôi nói tôi đã làm theo tâm nguyện của bố khi còn sống nên gia đình dùng hết số tiền được ủng hộ mua nhu yếu phẩm tặng cho người dân nơi tâm dịch để mọi người biết rằng xã hội sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.

Bây giờ, anh ấy đã mất rồi nhưng tôi mong xã hội có thêm nhiều Cường béo nữa, có thêm nhiều người như những người ngồi đây để giúp xã hội càng ngày càng phát triển, càng giảm đi người cực  khổ, thiếu may mắn trong cuộc sống.

Chương trình giao lưu với 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2021 kết thúc với một hành động ý nghĩa từ bà Đặng Thị Kim Oanh. Bà Oanh đã dành tặng phần quà (tiền mặt) của báo VietNamNet cho Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, cộng thêm 20 triệu đồng - món quà của cá nhân bà để anh có thêm kinh phí lo cho 3 đứa trẻ mồ côi. Về ý định xây sửa lại căn nhà cho 4 bà cháu, bà Oanh cho biết, khi nào tiến hành, Quỹ Từ thiện Kim Oanh sẵn sàng chung tay hỗ trợ anh trong việc này.

Về phần mình, bà Oanh chia sẻ: "Sau 1 năm nhiều đau thương, mất mát vừa qua, tôi rất hạnh phúc khi được ngồi đây, khi vẫn còn có được sức khoẻ. Sự thành công hôm nay không chỉ là nhờ một cá nhân nào mà là sự đồng lòng. Tôi cũng xin cam kết rằng, chừng nào còn hơi thở, còn cuộc sống, còn trên đời này, tôi nguyện tiếp tục làm những việc khó nhất để đóng góp cho cộng đồng".

Ngoài 4 nhân vật được vinh danh trong lễ trao giải, báo VietNamNet sẽ gửi bằng chứng nhận cho 10 cá nhân và tập thể còn lại trong danh sách đề cử. 

Năm 2020, 4 nhân vật được trao giải thưởng Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng gồm có: cô giáo Trương Thị Nhượng (giáo viên Trường TH & THCS xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), "cha đẻ" ATM gạo miễn phí - Hoàng Tuấn Anh, sinh viên cõng bạn đến trường Ngô Minh Hiếu và nguyên Chủ tịch xã Bắc Trạch, Quảng Bình - Phan Thanh Miên (đã mất).

Năm 2021 là một năm đầy những biến động, mất mát và đau thương vì dịch bệnh Covid-19. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những tấm lòng cao cả đó đã được báo VietNamNet giới thiệu đều đặn không ngừng, góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp trong xã hội, cổ vũ tinh thần lạc quan cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Báo VietNamNet đã đề cử 14 cá nhân, tập thể vào danh sách "Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021". Cuối cùng, độc giả đã bình chọn để tìm ra 4 gương mặt tiêu biểu nhất. 

Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn các độc giả đã quan tâm, tham gia bình chọn để tìm ra những cá nhân tiêu biểu, với sứ mệnh lan tỏa những câu chuyện tử tế, những điều tốt đẹp trong cuộc sống!

Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ban Đời sống

Lễ trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021

Lễ trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021

Sáng nay, 20/12, Báo VietNamNet tổ chức Lễ trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng năm 2021.