“Trong gia đình, bao giờ người phụ nữ cũng lép vế hơn người đàn ông. Vì lối sống, người đàn ông tự trao cho mình quyền dạy vợ bằng bạo lực”, ông Vân cho hay.

Bạo hành bằng võ... miệng

Xúc phạm đến bạn đời bằng lời nói là một kiểu gây thương tích không để lại dấu vết, không nhìn thấy được.

Hôm nay là ngày đầu tiên nằm trong chuỗi tháng hành động chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi cả nước (từ ngày 15/11 – 15/12).

Trong khi các bộ, ngành kêu gọi bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam, thì ở đâu đó vẫn không ít chị em phụ nữ bị đàn ông tung những cú tát trời giáng. Không ít người vừa bị xâm hại cả thể xác, vừa bị bạo hành tinh thần.

Dịp 20/10, dư luận từng “dừng hình” và bức xúc vì 2 hành khách hành hung nữ nhân viên Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ngay tại nhà ga sân bay Nội Bài. Hôm nay, dư luận lại phẫn nộ trước thông tin một cô gái chỉ vì sang đường chậm, bị người đàn ông đi ô tô ép vào lề đường rồi vung cú tát trời giáng vào mặt.

Im lặng là chết đấy!

Trao đổi với phóng viên, ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, phụ nữ bị bạo lực nhiều là do nguyên nhân kinh tế, mâu thuẫn gia đình. Tuy vậy, bất bình đẳng giới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực, bởi có quan niệm là người của mình, vợ của mình, chồng của tôi, con của tôi, cứ dùng từ “của” - cho rằng sở hữu của mình thì mình có quyền.

“Trong gia đình, bao giờ người phụ nữ cũng lép vế hơn người đàn ông. Vì lối sống, người đàn ông tự trao cho mình quyền dạy vợ bằng bạo lực. Do vậy, phòng chống bạo lực gia đình đang đứng trước những khó khăn không nhỏ”, ông Vân cho hay.

Đại diện Vụ Gia đình cũng nhận định, trong cuộc sống, có rất nhiều phụ nữ thường chấp nhận, cam chịu bạo lực gia đình nhưng tâm lý chung của người phụ nữ đều có xu hướng không muốn tố giác, bởi họ nghĩ chuyện trong nhà mà để người ngoài biết “xấu chàng hổ ai”....

{keywords}

Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình

Ngoài ra, do văn hóa của người Việt Nam, người phụ nữ nói chung và nạn nhân của bạo lực nói riêng vẫn chưa hiểu được quyền của mình là quyền được bảo vệ. Hơn nữa, đằng sau cánh cửa của mỗi nhà, để phát hiện bạo lực gia đình không hề dễ. Cho nên mọi người phải hiểu rằng, phải tôn trọng người khác và mình được tôn trọng, kể cả cha mẹ, không phải cứ con cái mình đẻ ra thì có quyền được đánh, mắng nhiếc, sỉ nhục.

“Để giảm thiểu hành vi bạo lực gia đình nên lan tỏa thông điệp: Hãy lên tiếng, im lặng là chết đấy!”, ông Vân khuyến cáo.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Tư tưởng lệch lạc

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết, con số 34% phụ nữ Việt Nam bị bạo hành, xâm hại tình dục do Bộ Lao động thương binh xã hội vừa công bố là vấn đề đáng báo động.

Là chuyên gia tâm lý, ông Chất cho biết, ông từng trực tiếp tư vấn cho rất nhiều phụ nữ bị bạo hành. Đáng chú ý là trường hợp của chị Trần Thị Tính (ở Hà Nội). Chị Tính là người có học thức, trình độ nhưng lại gặp người chồng ẩn náu sự tàn ác. Từ một người chồng hiền lành biến thành kẻ vũ phu, bệnh hoạn, tra tấn vợ một cách dã man.

Ông Chất kể, do gia đình khó khăn nên sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Tính bàn với chồng đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Cuộc sống nơi đất khách quê người cực nhọc lắm mới có được đồng tiền gửi về cho gia đình. Chị tiết kiệm, gom góp từng đồng gửi về cho chồng mua sắm và chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Hết thời hạn lao động ở nước ngoài, trở về Việt Nam, Tính tưởng tượng ra niềm hạnh phúc lúc được gặp chồng. Nhưng khi về nhà, chồng chị đã thay đổi, không yêu thương vợ, quan hệ ngoài luồng với người con gái khác, thường xuyên đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Không những thế, người chồng không cho chị Tính ở chính ngôi nhà do chị xây.

Một trường hợp khác còn đau đớn hơn. Chị Lê Thu Huế (Hà Nam) cùng chồng rời quê ra Hà Nội lần hồi kiếm sống nuôi hai đứa con - một học lớp 9, một học lớp 5. Chồng chị làm xe ôm còn chị buôn bán vặt vãnh. Nhưng tiền kiếm được không đáng là bao mà chồng chị lại ham mê lô đề. Chị khuyên bảo mãi không được và cũng vì chuyện đó mà hai vợ chồng cãi vã.

Một hôm, thú tính trỗi dậy, chồng chị xông vào túm cổ, đập đầu xuống thành giường liên tiếp cho đến khi chị bất tỉnh. Dường như chưa hả, người chồng ấy còn bồi thêm một đòn nữa là bóp cổ đến nghẹt thở. Chị phải đi cấp cứu và điều trị vì hoảng loạn cả tháng tại bệnh viện.

Từ những câu chuyện này, theo chuyên gia Nguyễn An Chất, trong gia đình hiện nay các giá trị bị đảo lộn, xuất hiện nhiều các mâu thuẫn trong gia đình. Người đàn ông Việt yêu cầu sự chung thủy tuyệt đối của người vợ với mình nhưng lại tự cho mình cái quyền bồ bịch, theo tư tưởng cũ “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Người chồng đã vận dụng những tư tưởng cũ một cách lệch lạc, khấp khểnh để ép người phụ nữ.

“Họ là người không hiểu giá trị sống và không có trách nhiệm ngay chính với bản thân họ thì làm sao họ có trách nhiệm với gia đình, với vợ con”, ông Chất lo ngại.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn An Chất, bạo lực trong gia đình cũng là do hai vợ chồng đều thiếu kỹ năng sống, ứng xử kém, nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã, đánh chửi nhau.

Báo động tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em

Các tổ chức, cá nhân đã gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc cần thiết phải thúc đẩy thực thi và giám sát pháp luật liên quan tới các vấn đề phụ nữ trẻ em. 

(Theo Dân Việt)