“Đang yên đang lành tự nhiên tại Tết!”. Đây là câu nói cửa miệng tôi được nghe khá nhiều mỗi dịp Tết đến Xuân về. Và bản thân tôi cũng hiểu được, bất cứ ai khi nói ra câu này đều mang trong mình một tâm trạng không giống ai.

Có người căng thẳng vì công việc dồn dập dịp cuối năm, người lo lắng phải chi tiêu những khoản nào, mua gì vì Tết cái gì cũng tốn kém. Hay mối bận tâm của hầu hết các bạn trẻ là gặp phải những câu hỏi “khó đỡ” từ người thân, họ hàng...

Tôi có một cô bạn chuẩn bị bước sang tuổi 25, ra trường được 3 năm, mới chia tay người yêu cách đây nửa năm và cũng có dự định sẽ tìm một công việc khác sau khi ra Tết. Cô ta kể từ khi bắt đầu cuộc sống tự lập cũng là lúc bắt đầu những chuỗi năm cứ Tết đến là thấy sợ.

Tự nhiên... lại Tết! - 1

(Ảnh minh họa: Phan Thanh Tâm)

Nỗi ám ảnh ngày Tết gói gọn trong một chữ sợ nhưng lại sợ rất nhiều thứ. Và có lẽ ám ảnh nhất vẫn là vấn nạn “Bao giờ lấy chồng?”, “Bạn trai đâu sao không dẫn về?”. Những câu hỏi tọc mạch về chuyện riêng tư hay quan tâm quá mức khiến người bị hỏi dễ cảm thấy khó xử, thậm chí là khó chịu.

Với nhiều bạn trẻ, việc cả năm đi làm quần quật mới có một kỳ nghỉ dài hơi, được quẳng gánh deadline đi mà vui sống thì áp lực tinh thần từ họ hàng, người thân ập đến. Việc thì cố kiểu gì cũng xong nhưng chuyện tình duyên đâu phải ai cũng cứ cố là được!

Chưa hết chuyện tình duyên thì lại đến nỗi sợ tốn đủ các loại tiền ngày Tết. Nào là tiền tất niên công ty, bạn bè xã giao đến bạn bè thân thuộc, phải mang về cho bố mẹ bao nhiêu tiền, mua sắm quần áo, làm tóc, làm móng cho bản thân... cũng phải nghĩ đau đầu. Chưa kể đến việc chi tiền để mua quà Tết biếu sếp.

Công việc vốn đang ổn định bỗng chốc trở nên bận rộn vì bị đẩy lên làm gấp rút, chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết dài cả chục ngày. Mọi thứ xáo trộn khiến bản thân rất sợ Tết. Thầm nghĩ, nếu không có Tết mọi thứ liệu có êm đềm hơn khi không phải bận rộn nhiều như thế, để rồi lại ngồi chơi dài ngày.

Với những người ở xa, nỗi ám ảnh tàu xe ngày Tết có lẽ sẽ thấm hơn bao giờ hết. Người người đổ về quê, đến việc mua vé cũng phải nhanh chân mới có nhưng có rồi khi lên xe lại gặp cảnh nhồi nhét, quá tải. Vậy mà ai cũng chỉ biết nhìn nhau tặc lưỡi chấp nhận: Tết mà!

Một cô bạn khác của tôi kể rằng cô ta không thích Tết vì những buổi tụ tập không có điểm dừng. Cứ hễ đến nhà ai lại bày mâm cỗ ra ăn uống và chính chị em gái lại là người chịu trận, ngồi dọn cả mâm cỗ dù mọi người chẳng ăn gì nhiều.

Cả năm mới có một ngày Tết để vui nhưng vui quá để lại nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không tốt. Vì vậy nỗi ám ảnh ngày Tết này là hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh những mặt hạn chế thì không ai phủ nhận có những cảm xúc mà chỉ Tết mới cảm nhận được. Đó là khi những người con xa quê được tề tựu về bên gia đình để ăn bữa cơm ngày cuối năm, cùng nhau chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa chào đón một năm mới khởi sắc.

Một năm mới nữa lại sắp đến, dù lại là Tết nhưng hãy tạm gác những nỗi lo sang một bên để chào đón một cách hào hứng nhất. Hãy đối diện với những nỗi sợ thay vì trốn tránh. Nghĩ đến niềm vui, chăm chút cho bản thân, quan tâm đến gia đình để quẳng gánh lo nhất thời ngày Tết này đi nhé!

Chờ con về ăn Tết, mẹ nhé!

Chờ con về ăn Tết, mẹ nhé!

 Mỗi lần thấy con có ý định về Tết, mẹ lại gọi nói: 'Con ơi đừng về'!. Nhưng mẹ có biết, nếu làm theo lời mẹ, con sẽ mất đi một cơ hội được gặp mẹ.  

Theo Dân Trí