Trung thu của Hà Nội truyền thống là cảnh tượng tấp nập ở Hàng Mã - Hàng Lược - Lương Văn Can..., nơi lũ trẻ níu chặt tay bố mẹ đòi mua món đồ chơi này, thức quà kia. Trung thu của Hà Nội truyền thống là những con phố đỏ rực đèn lồng và thơm phức mùi bánh dẻo, bánh nướng.

Khi tôi còn bé xíu, năm nào quanh Bờ Hồ cũng tổ chức lễ hội trăng rằm với rất nhiều quầy bánh nướng bánh dẻo, nơi các bác thợ lành nghề thoăn thoắt tay trộn bột, làm nhân. Mỗi đứa trẻ sẽ được xách một chú lợn đựng trong chiếc giỏ tre đan xinh xắn và tay kia là đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân... 

Trung thu hiện đại là những hộp bánh sang chảnh, có khi lên tới cả chục triệu đồng, là bánh nhập khẩu từ Hong Kong, Nhật Bản... Lũ trẻ đón trăng rằm cùng những chiếc đèn có tiếng nhạc véo von.

{keywords}
 

Còn Trung thu năm nay ở Hà Nội thì đặc biệt tới mức năm sau nhiều người sẽ muốn quên: bản đồ Hà Nội chi chít vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam để đánh dấu những khu vực còn bóng dáng của con vi rút Corona quái ác. 

Hà Nội đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn miễn dịch với Covid-19. Thế nên tôi thực sự lo lắng khi thấy đường phố lại đông nghẹt và ùn ứ xuất hiện ở... tiệm bánh Trung thu.

Nhìn hàng dài những người đội nắng chang chang chờ mua tấm bánh, tôi tự hỏi: ''Có sao không nếu thiếu bánh dẻo, bánh nướng trên mâm cỗ Trung thu?''. Câu trả lời thế nào, tôi nghĩ sẽ có nhiều đáp án nhưng chắc chắn sẽ "sao" nếu vô tình ai đó mang mầm bệnh đi ngang đám đông này. Đây là điều chẳng ai dám chắc chắn.

Thế nên, Tết đoàn viên năm nay, gia đình tôi đã thống nhất: Hãy tuân thủ yêu cầu "ai ở đâu, ở nguyên chỗ đó". Những món quà dành tặng ông bà, anh chị em... đành nhờ bác shipper giao giúp.

Lũ trẻ được bố mẹ đặt mua đèn lồng từ các chợ mạng. Ngày đoàn viên, mình gặp nhau trên Facebook, qua những ứng dụng video call... rồi cùng hát vang câu ca "Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh"... để rước đèn quanh căn phòng nhỏ. Xa mặt nhưng không cách lòng! 

Bố tôi, một ông cụ ngoài 80 tuổi, lúc nào cũng ngóng ngày hết dịch để đón con cháu về nhà. Ông đã lên thực đơn đủ món ngon để đặt hàng mẹ tôi nấu cho các con. Ông chuẩn bị rất nhiều phần quà là sách truyện dành tặng lũ cháu.

Nhưng ông cũng là người cương quyết phản đối chuyện tụ họp lúc này. Ông bảo, ông bà được phường tạo điều kiện cho tiêm mũi 1 vắc xin rồi. Các con thì đứa tiêm một mũi, đứa đã có "hộ chiếu xanh". Nhưng lũ trẻ thì chưa có vắc xin phòng ngừa Covid-19.

Ông thương các cháu phải học online cả ngày, ông sợ lũ trẻ theo bố mẹ tới thăm ông bà có thể gặp nguy cơ. "Hơn nữa, cả 3-4 gia đình tụ tập là thành đông người quá, sai quy định của nhà nước rồi các con ạ".

Thế nên tất cả 3 anh chị em chúng tôi chia nhau đặt bánh Trung thu, mâm ngũ quả, hoa thơm để ông bà dâng lên tổ tiên rồi hẹn nhau, khi bình thường mới thực sự sẽ về quây quần sau. 

Tôi không mong và cũng chẳng dám đòi hỏi ai cũng như nhà mình. Nhưng tôi chỉ muốn mọi người hãy nhớ tới các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, các tình nguyện viên... đã xa nhà bao nhiêu lâu?

Biết bao đứa trẻ nhiều tháng nay phải sống nhờ nhà ông bà, dựa vào cô dì chú bác vì bố mẹ bận rộn ở tuyến đầu chống dịch? Ai cũng có gia đình, cũng muốn về thăm bố mẹ, cũng cần đón Trung thu với các con... Chúng ta có thể không mua tấm bánh đặc sản năm nay, chúng ta có thể đón Trung thu online nhưng chúng ta đang giúp tuyến đầu sớm được về nhà hơn.

Mùa đoàn tụ, tết sum vầy là khi vạn người dân trên khắp mọi nẻo đường đất nước chẳng cần lo lắng, vất vả vì bệnh dịch nữa, là khi mọi đứa con đi xa đều được về nhà! Hãy hy sinh một chút để cả nước được bình an! Chúc mọi người hai chữ "an lành"! 

Độc giả Hoàng Quyên

Cách trang trí mâm ngũ quả Trung thu đẹp và đơn giản

Cách trang trí mâm ngũ quả Trung thu đẹp và đơn giản

Chỉ cần bỏ ra một ít thời gian và công sức bạn sẽ có mâm ngũ quả đẹp mắt khiến Tết Trung thu của gia đình trở nên ý nghĩa và ấn tượng hơn.

Gia đình Việt tại Nhật làm bánh Trung thu cho vơi nỗi nhớ nhà

Gia đình Việt tại Nhật làm bánh Trung thu cho vơi nỗi nhớ nhà

Tuy xa quê đã gần 10 năm nhưng Trung thu nào vợ chồng chị Hào cũng tổ chức cho các con phá cỗ theo đúng phong tục của người Việt.