Thời phong kiến, làng Đông Cứu (Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu long bào của vua chúa, áo mão của quan lại quý tộc.

Ngày nay, làng Đông Cứu phát triển các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội và trang phục làm phim, khăn chầu, áo ngự, câu đối…

Điểm đặc biệt của sản phẩm thêu Đông Cứu là thêu thủ công bằng tay, không dùng máy như một số làng nghề khác.

{keywords}
Thợ thêu làng Đông Cứu đang thêu vải may áo hầu đồng.

May 2 áo, đủ ăn cả năm

Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi (SN 1969) cho biết, mặc dù có giai đoạn cả làng bỏ nghề vì các lý do khách quan nhưng ông và gia đình vẫn làm trang phục biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật. Sau đó là thêu ga gối, khăn trải bàn xuất sang Đông Âu.

{keywords}
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi. 

Ngày trẻ ông Giỏi đi bộ đội. Khi xuất ngũ, ông mở xưởng mộc và hỗ trợ gia đình thêu ỷ môn (bức rèm che trước ban thờ) giao lên phố cổ.

Tuy nhiên, ông Giỏi chính thức gắn bó với nghề từ khi bố ông ốm nặng rồi qua đời.

Bố ông Giỏi trước khi ốm nhận hợp đồng may trang phục biểu diễn cho một đoàn cải lương và đã lấy gần hết tiền. Ông Giỏi muốn giữ uy tín, gấp rút hoàn thiện hợp đồng cho bố. Từ đó, ông gạt hết công việc khác, dành thời gian rèn luyện, nâng cao tay nghề.

Ông chia sẻ, xưa kia trang phục phục vụ lễ hội, khăn chầu, áo ngự được may đơn giản, chỉ thêu điểm một vài bông hoa nhỏ hoặc chữ Thọ trên áo.

Sau này, cuộc sống phát triển, nhu cầu về thẩm mỹ của người dân cao hơn nên người thợ thêu rồng phượng, hoa sen cầu kỳ lên áo.

Nghệ nhân sinh năm 1969 cho biết, khi lễ hội và các hình thức tín ngưỡng phát triển, nghề thêu của làng ngày một phát đạt. Gia đình ông quanh năm không hết việc, hai vợ chồng phải làm thâu đêm để kịp giao hàng cho khách.

{keywords}
Con đường vào làng, nhà cao tầng mọc san sát. 

“Tôi nhớ năm 1998 - 1999, đường vào làng chưa khang trang, rộng rãi như bây giờ. Khách đến làng phải dừng xe ở ngoài quốc lộ 1A, đi bộ vào.

Một số Việt kiều và người Mỹ xuống sân bay là về thẳng đây đặt hàng”, ông Giỏi nhớ lại.

Nghệ nhân làng nghề tiết lộ, các sản phẩm biểu diễn và thêu có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào chất liệu, độ tinh xảo, có nạm ngọc hay thêu bằng chỉ vàng hay không…

Với khăn chầu, áo ngự phục vụ cho hầu đồng cũng có đủ loại giá. Nếu hàng thêu gia công bằng máy, sản xuất hàng loạt giá chỉ dao động vài trăm ngàn đồng.

Những loại thêu tay nhưng không quá cầu kỳ, vải bình thường có mức vài triệu đến vài chục triệu.

Đặc biệt, với hàng đặt thiết kế riêng, cắt may cầu kỳ, thêu rồng phượng, sử dụng chỉ vàng và ngọc đính lên có giá vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/chiếc áo. Khách có kinh tế, họ không bao giờ ngần ngại chi tiền để sở hữu cho mình chiếc áo như vậy.

“Những chiếc áo hầu đồng có giá đắt đỏ không chỉ là trang phục mà còn mang giá trị văn hóa, có thể trưng bày. Số lượng người dám chi bạc tỷ cho một chiếc áo cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tôi không nhận làm gia công mà chỉ nhận làm hàng thiết kế riêng”, ông Giỏi chia sẻ.

Trong mấy chục năm làm nghề, ông Giỏi thừa nhận mình từng gặp cảnh bị khách quỵt tiền vì cả nể. Cách đây 2 năm, người phụ nữ trung niên tìm ông đặt may chiếc áo hầu đồng loại đặc biệt. Người này làm nghề kinh doanh, được bạn ông Giỏi giới thiệu đến.

{keywords}
Họa tiết rồng hay được thêu lên các các trang phục biểu diễn long bào do ông Giỏi làm. 

Do nể bạn nên ông không lấy tiền đặt cọc của khách. Chiếc áo hoàn thiện, ông đích thân chuyển đến nhà cho họ. Tuy nhiên, người phụ nữ lấy cớ bận, nhờ ông giao cho người nhà.

Đến lúc ông hỏi tiền, người phụ nữ khất liên tục. Sau nhiều lần bị thúc giục, vị khách nữ mới trả 200 triệu đồng rồi cắt liên lạc với ông Giỏi, chuyển chỗ ở. Số tiền còn lại khá lớn nhưng ông đành ngậm ngùi coi như rủi ro.

Độc đáo kỹ thuật thêu cổ

Ông Đặng Văn Thắng - CT UBND xã Dũng Tiến thông tin, làng Đông Cứu có 572 hộ, tới 90% số hộ làm nghề thêu. Trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn.

Mặc dù đây là công việc tay trái nhưng từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành nghề chính.

{keywords}
Mảnh vải sau khi thêu sẽ được may thành trang phục.

Cũng như các làng nghề khác, nghề thêu ở Đông Cứu được dạy theo hình thức truyền miệng và cầm tay chỉ việc. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau, những đứa trẻ 5 tuổi đã có thể cầm được cây kim đúng cách.

Ngày 12/2/2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề thủ công truyền thống của làng Đông Cứu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việt Nam có nhiều làng nghề thêu nhưng nghề thêu ở Đông Cứu được xem là di sản bởi những kỹ thuật đặc biệt trong nghề.

Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi chia sẻ, việc thêu các trang phục này còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Chỉ thêu long bào phải là chỉ xe 2 chiều, chỉ thêu áo hoàng hậu là chỉ xe 1 chiều. Tất cả các mũi chỉ phải đều tăm tắp.

{keywords}
Làng Đông Cứu có kỹ thuật thêu cổ.

Kỹ thuật độc đáo nhất của làng là thêu kim tuyến. Nghệ nhân sẽ sử dụng sợi kim tuyến để thêu các đường bao, đường viền của họa tiết như móng rồng, vẩy rồng, vân mây…

Cách thêu kim tuyến như vậy giúp các họa tiết nổi bật và tạo độ sắc sảo, nhìn họa tiết sống động như thật. Ta sẽ cảm giác hình rồng, phượng chuyển động theo bước đi của người mặc.

Theo ông Giỏi, sợi kim tuyến được đặt lên mặt vải, người thợ dùng sợi tơ thêu cố định sợi kim tuyến vào mặt vải. Bước này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao.

Chị Nguyễn Thị Sắn - chủ một cơ sở thêu may cho biết thêm, nếu thêu theo kỹ thuật mới thì người thợ được tự do điều chỉnh mũi kim thêu nhưng thêu theo lối cổ thì từng mũi thêu luôn phải theo một chiều nhất định…

Người thợ phải học từ ba đến 5 năm mới thuần thục các bước thêu cổ. Mỗi sản phẩm phải ứng dụng nhiều kiểu thêu khác nhau, rất ít người có thể hoàn thành toàn bộ các công đoạn mà thường phân ra các nhóm, mỗi nhóm thực hiện một khâu.

Cũng vì lý do này, những sản phẩm thêu theo lối cổ phải mất cả tháng, thậm chí vài 3 tháng mới xong. Giá thành sản phẩm dao động từ vài trăm triệu đến tiền tỷ.

{keywords}
Chị Sắn cho phóng viên xem một khăn chầu mình vừa may xong.

“Kỹ thuật thêu cầu kỳ đòi hỏi thời gian, sự khéo léo của người thợ. Nếu do các nghệ nhân làm, giá thành rất cao. Một năm xưởng tôi chỉ nhận 3 - 4 chiếc.

Phần lớn, chúng tôi làm song song các mẫu mã. Hàng bình dân dễ tiêu thụ, giá thành rẻ mà thời gian làm nhanh”, chị Sắn nói.

Bên trong thị trấn dành riêng cho phụ nữ chuyển giới ở Ấn Độ

Bên trong thị trấn dành riêng cho phụ nữ chuyển giới ở Ấn Độ

Sandeep Nagar - thị trấn nhỏ có hợp tác xã đầu tiên ở Ấn Độ cung cấp cả nhà ở lẫn việc làm - được điều hành hoàn toàn bởi phụ nữ chuyển giới.

Thái Minh