Bàn về giải pháp cho vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng, ông Nguyễn Ngọc Phương, Uỷ viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng cần nâng cao nhận thức của toàn dân về loại hình tội phạm mới này.

Dưới đây là một số chia sẻ của ông với báo VietNamNet.

{keywords}
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Uỷ viên Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Bình

PV: Phòng chống xâm hại trẻ em đang là vấn đề ‘nóng’ được xã hội quan tâm. Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em; tuy nhiên nhiều người cho rằng, đó mới chỉ là bề nổi của ‘tảng băng chìm’. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đáng buồn là cứ thỉnh thoảng, xã hội lại phải chứng kiến những vụ việc bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi tàn khốc mà sau một thời gian dài mới bị phát hiện. Đau lòng hơn là đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột của trẻ.

Những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp trong các vụ việc xâm hại trẻ em. Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng đâu đó vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi hồ nghi: Liệu còn có bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp?

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, nhiều quy định về tội ấu dâm chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân, có những vụ án vi phạm nhưng gia đình thỏa thuận, che giấu, không dám công khai tố cáo…

- Trước thực tế đó, ông đề xuất những giải pháp nào cho vấn đề phòng chống xâm hại trẻ em?

Trước tiên, Chính phủ, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan chú trọng làm tốt công tác truyền thông, đưa hiệu lực pháp luật vào cuộc sống, tăng bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em nhằm răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ em.  

Có một yếu tố mà chúng ta ít quan tâm trong quá trình điều tra các vụ xâm hại trẻ em là sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ. Cơ quan điều tra cũng nên ghi hình quá trình lấy lời khai để sử dụng các đoạn băng này làm chứng cứ trước tòa, thay vì xét hỏi nhiều lần và xét hỏi với nhiều cách gây tổn thương đến tâm lý các em, đồng thời gây ảnh hưởng đến kết quả điều tra.

Cần bố trí các phòng xử án thân thiện để đảm bảo việc bí mật hình ảnh, danh tính cho trẻ. Báo chí, công luận cũng cần lưu ý trong quá trình đưa tin tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Ngoài ra, cần phải thường xuyên tập huấn cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em.

Tôi cũng đề nghị bổ sung trong Luật Giám định tư pháp việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm.

- Như ông đã phát biểu trước Quốc hội về việc hiện nay có một hình thức xâm hại trẻ em mới, đó là qua không gian mạng. Theo ông, giải pháp nào sẽ là khả thi cho việc phát hiện cũng như ngăn chặn những hành vi phạm tội này?

Khi xã hội phát triển, chúng ta bước vào kỷ nguyên số thì song song với đó có một loại tội phạm vô cùng nguy hiểm là tội phạm mạng.

Những hành vi phạm tội trên không gian mạng như lừa đảo, bắt nạt, sử dụng hình ảnh của trẻ cho những mục đích trái phép… đang ngày càng có nguy cơ tăng lên, trong đó nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em như tự tử, tự làm hại… Những hành vi phạm tội trên không gian mạng thậm chí còn nguy hiểm hơn hành vi phạm tội trực tiếp bởi sức hủy hoại tới nạn nhân là vô cùng lớn. Chỉ cần một cú nhấp chuột chia sẻ lên mạng xã hội thì hình ảnh của nạn nhân không thể giữ kín được và đã có nhiều trường hợp nạn nhân tìm cách kết liễu cuộc đời chỉ vì không chịu nổi áp lực từ dư luận.

Tôi cho rằng các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức tới gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải được đẩy mạnh hơn nữa. Chúng ta nên có các kênh tuyên truyền hàng ngày như trên đài tiếng nói, truyền hình tới tận các làng xã và các khu vực nông thôn, miền núi để nâng cao nhận thức đồng bộ của toàn xã hội về hình thức phạm tội trên không gian mạng đối với trẻ em.

Việc Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) xây dựng Đề án Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng mới đây cũng cho thấy sự quan tâm rất kịp thời của Chính phủ tới vấn đề cấp thiết này.

Tôi cũng được biết, đến nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã triển khai xây dựng website Khonggianmang.vn nhằm hỗ trợ các vấn đề về lừa đảo trực tuyến, mất an toàn thông tin nói chung. Cục này cũng đang từng bước bổ sung các công cụ, hướng dẫn, khuyến nghị cho phụ huynh và trẻ em khi tham gia môi trường mạng.

- Xin cảm ơn ông!

'Cần xây dựng hệ sinh thái lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng'

'Cần xây dựng hệ sinh thái lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng'

Trẻ em có thể thích ứng và sử dụng rất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, vui chơi giải trí, khám phá trên môi trường mạng.    

Đăng Dương (thực hiện)