Giúp nhau, đỡ đần từ những việc nhỏ nhặt nhất, họ đã nắm tay nhau hướng về tương lai mà ít có người bình thường nào có thể làm được ...

Anh thợ đấm bóp

Chúng tôi ghé vào tiệm xoa bóp giác hơi Đại Lợi trên đường Nguyễn Thị Thập (P.6 Tp Mỹ Tho, Tiền Giang). Một người đàn ông cao lớn trên tay bồng đứa bé bước ra. "Có đấm bóp không anh ?". Dạ có, mời anh vào.

{keywords}
Gia đình anh Dân, chị Ly.

Anh mời chúng tôi lên giường và bắt đầu công đoạn đấm bóp. Bàn tay anh mềm mại bóp đều trên lưng. Những mỏi mệt trong người dường như dần dần phai bớt.

Anh là Nguyễn Y Dân, 34 tuổi, bị khiếm thị, vừa là chủ nhân vừa là thợ duy nhất của tiệm xoa bóp này. "Sao có một mình anh làm mà đặt tới 4 giường ?". Dân chùng giọng, buồn bã kể lại. Tiệm thành lập từ 2 năm trước. Lúc đầu, Dân cùng 2 người bạn đồng nghiệp hợp tác làm ăn nhưng, chỉ sau một tháng họ nghỉ để tìm nơi khác làm vì nơi đây ế quá.

Dân phân trần, anh nghĩ xem mỗi ngày tiệm mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ. Hôm nào đông khách lắm thì được 4 - 5 khách. Thường thì chỉ được chừng 2 - 3 khách nên cũng chỉ đủ trả tiền nhà và dư chút ít nuôi con. Như vậy làm sao mấy người bạn có thể ở lại làm được.

Dân quê ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành. Gia đình Dân nghèo đông anh em. Thuở nhỏ sinh ra bình thường đến khi lên một tuổi anh bị mù một mắt sau cơn sốt nặng. Rồi lớn lên, vừa lao động giúp cha mẹ vừa đi học đến lớp 3 thì mắt còn lại tiếp tục bị hư do di chứng của mắt bị mù gây ra. Bóng tối bao trùm lấy anh và anh trở nên ... vô dụng. Năm 2015, anh quyết định đến Biên Hòa (Đồng Nai) tìm học nghề mát-xa trong 6 tháng rồi trở về quê.

Trong thời gian này, anh được các bạn giới thiệu cho một cô gái ở Vĩnh Long. Hai người trò chuyện tìm hiểu qua điện thoại.

Mối tình qua diện thoại   

Chị tên Dương Thị Trúc Ly, 34 tuổi. Chị ngượng ngùng kể lại giây phút ngỡ ngàng, lần đầu tiên nhận được cuộc điện thoại từ Dân. Chị nói, lúc đó chẳng biết nói gì với anh ấy. Anh hỏi thì em trả lời nhưng cũng lúng túng lắm. Có biết người ta như thế nào đâu mà trải lòng. Phải vài cuộc tiếp theo nữa thì may ra.

Trúc Ly cũng là một cô gái khuyết tật. Nếu Dân cao hơn 1,7m thì Ly chưa được 1m. Ly cho biết, khi sinh ra bình thường cho đến 7 tuổi thì bị bệnh. Chân Ly bị teo và cơ thể không phát triển được. Ly lớn dần mà chẳng đỡ đần gì được cho mẹ cha.

{keywords}
Chị Ly làm bếp

Những cuộc điện thoại tiếp tục diễn ra. Ly ngày càng có cảm tinh hơn với Dân. Cả hai đều biết tình trạng bệnh tật của nhau, hiểu nhau và cảm thông nhau. Tình yêu bắt đầu chớm nở.

'Chúng em yêu nhau thật lòng. Nhưng khi bàn chuyện với gia đình thì bị cả hai bên phản đối. Phải mất nhiều tháng thuyết phục mới có được một tiệc cưới nho nhỏ diễn ra để hai bên thông gia đồng cảm.

Sau cưới, vợ chồng em thuê chỗ này làm tiệm xoa bóp của người khiếm thị. Anh vay mượn thêm để sắm đồ đạc dụng cụ. Tiệm không đông khách lắm nên chúng em cũng phải cố gắng. Hàng ngày, nếu không có khách, anh Dân phụ em rất nhiều việc. Em thấp người, chân đứng không vững nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt', Ly kể.

Câu chuyện phải tạm dừng vì đứa bé chạy đến sà vào lòng Ly. 'Nó là con của tụi em đó, được 20 tháng rồi', cô nói. Thằng bé chợt nhìn thấy Dân vội chạy đến. Dân bế nó lên.

"Em có thai vào cuối năm 2017. Lúc đó không ai nghĩ em sẽ sinh được bởi em nhỏ con quá. Hiểu được hoàn cảnh gia đình cùng bệnh tật của em nên bệnh viện cho sinh miễn phí. Bé may mắn được chào đời và bình thường như bao đứa trẻ khác". Ly trải lòng với chúng tôi.

Ly bước xuống bếp. Bếp thấp để vừa với khổ người của Ly. Trên bếp, nồi cơm đã chín và bên cạnh một chảo xào tỏa mùi thơm. 

'Công việc hàng ngày của em đó. Nhưng nếu không có anh Dân em không thể làm được đâu. Việc gì cũng phải có anh phụ mới xong. Anh Dân rất thương mẹ con em. Anh chu toàn tất cả. Có thể nói, em là người may mắn và hạnh phúc nhất trên đời này. Chúng em đều là người khuyết tật biết yêu thương nhau có lẽ còn hạnh phúc hơn những người bình thường'.

Công việc mưu sinh của Dân và Ly không suông sẻ. Do vắng khách nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Dân cho biết, sau tết sẽ nghỉ mát-xa. Vợ chồng anh dự định sẽ về quê dựng một chòi lá để ở tạm rồi hàng ngày sau khi đưa con đến trường cả hai sẽ rong ruổi khắp nơi bán vé số. Vì chân Ly không đi bộ được nhiều nên rất cần một chiếc xe máy có gắn 2 bánh phụ hai bên nhưng tiền sinh hoạt hàng ngày còn thiếu nên chưa đủ tiền mua xe.

Ông Ngô Văn Bút 58 tuổi, hàng xóm, chia sẻ, vợ chồng Dân có hoàn cảnh rất khó khăn. Mặc dù vậy nhưng cả hai luôn yêu thương nhau. Có thể nói, đôi vợ chồng khuyết tật này có cuộc sống khá thiếu thốn về vật chất nhưng lại ngập tràn hạnh phúc, điều mà chưa chắc người bình thường có thể làm được.

Lớp học của nữ diễn viên trong bệnh viện tâm thần

Lớp học của nữ diễn viên trong bệnh viện tâm thần

 Học viên của lớp học đặc biệt này là những bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.

Trần Chánh Nghĩa