Chuyện tình người lính

Xuất hiện trong chương trình Tình trăm năm tập 42, câu chuyện tình 41 năm của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sắc (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Liên Hoa (69 tuổi) mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Khán giả không chỉ ngưỡng mộ, thích thú trước chuyện tình thời chiến đầy lãng mạn mà còn xúc động trước sự hi sinh cao thượng của ông bà.

Ông Sắc là người Hà Nội. Những năm chiến tranh, ông nhập ngũ rồi ra chiến trường. Tại đây, ông gặp bà Nguyễn Thị Liên Hoa. Bà Hoa kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi và cũng tham gia kháng chiến. Vào chiến khu, tôi phụ trách nấu ăn cho các chiến sĩ tại nơi đóng quân.

Tại đây, tôi gặp ông - người bộ đội chịu thương chịu khó. Chúng tôi làm quen và cảm mến nhau từ đó”, bà Hoa chia sẻ.

{keywords}
Ông Sắc và bà Hoa đem đến chương trình câu chuyện tình thời chiến đầy lãng mạn.

Ông Sắc kể, ngày đầu gặp nhau, bà Hoa còn là thiếu nữ nhỏ nhắn với mái tóc đen dài. “Lúc đó, đơn vị đóng quân ở Bà Rịa Vũng Tàu, thành lập một tổ công tác để tuyển quân. Bà ấy phụ trách nấu ăn cho toàn đơn vị. Đi ra, đi vào chạm mặt nhau nhiều nên tôi để ý, để ý cả người và cả món ăn bà ấy nấu”, ông nói.

Thế rồi tình yêu chớm nở của hai người lính trẻ bị ngăn cách. Chưa một lần hẹn hò, chưa kịp nói lời hứa hẹn, ông Sắc nhận nhiệm vụ ở Campuchia. Xa nhau thời binh lửa, mối tình đẹp tưởng chừng dang dở khi cả hai có lúc không thể liên lạc với nhau qua thư từ.

Nhưng rồi, niềm tin và tình yêu cháy bỏng đã vượt qua tất cả. Trở về từ nước bạn, ông Sắc ngỏ lời cưới người con gái ông chưa một lần hẹn hò. Bà Hoa gật đầu đồng ý.

Ông Sắc nhớ lại: “Tôi xin tổ chức hôn lễ ngay tại đơn vị. Thời buổi khó khăn, chúng tôi thành vợ thành chồng với hôn lễ được tổ chức một cách đơn giản nhất có thể. Ngày cưới không nhạc không trống, không cha mẹ hai bên, chỉ có sự chứng kiến của hai đơn vị”.

{keywords}
Cả hai cưới nhau sau cuộc tình chưa một lần hẹn hò. Cô dâu, chú rể đến địa điểm tổ chức hôn lễ bằng một chiếc xích lô.

Tuy vậy, ông cũng cố gắng đem đến niềm hạnh phúc cho người con gái mình yêu vào ngày quan trọng nhất đời người. Bà được trang điểm cô dâu và được đón dâu bằng một chiếc… xích lô.

“Tôi cũng trang điểm như cô dâu, sau đó, ra đường gọi một chiếc xích lô. Cô dâu chú rể cùng ngồi xích lô đi đến phường đội, tổ chức đám cưới ngay tại đó. Nhà tôi ở rất xa, cha mẹ cũng không còn nữa. Bố mẹ ông ấy cũng ở ngoài Bắc nên 2 đơn vị tập hợp lại để tổ chức, tự sắp xếp bàn thờ, làm lễ cưới”, bà Hoa nhớ lại.

Hi sinh cao thượng

Yêu nhau một cách bình dị, về chung một nhà bằng một lễ cưới giản đơn thế nhưng suốt 41 năm qua, không một khó khăn nào có thể làm phai nhạt tình yêu của ông bà. Trải qua những tháng năm gian khổ của chiến tranh, ông bà vẫn nắm tay nhau, cùng mưu sinh nơi vỉa hè với xe bột chiên ngon nổi tiếng.

Giữa cuộc đời nhiều thác ghềnh, thứ bền chắc nhất của ông bà chính là tình yêu, tình nghĩa dành cho nhau. Tình cảm ấy ánh lên từ hình ảnh đôi vợ chồng già 20 năm người cặm cụi đứng sau chảo dầu chiên bột, người tất tả xếp đĩa phục vụ khách ở một góc đường.

Ông Sắc chia sẻ, sau khi kết hôn, ông bà có với nhau 2 người con trai. Sau đó, ông bà nhận nuôi một cô con gái ngay thời điểm gia đình khó khăn nhất. Bà Hoa kể: “Lúc bấy giờ, con đầu của tôi hay ốm đau, tiền lương lại không bao nhiêu nên chúng tôi phải vất vả nhiều”.

{keywords}
Suốt 41 năm qua, ông bà vẫn sống hạnh phúc bên nhau bất chấp cuộc sống có nhiều thác ghềnh.

“Nhưng ngay lúc ấy, người ta đem con gái nuôi của chúng tôi đến. Lúc đó, nó mới 9 tháng tuổi, ốm nhách đen thui. Tôi hỏi chồng: "Anh có nuôi không?". Anh gật đầu”, bà Hoa kể. Nhận thêm con nuôi, gia đình vốn đã chật vật lại càng thêm túng thiếu. 

Hi sinh, thương người là thế nhưng tuổi già, ông bà không những không nhận được quả ngọt từ cô con gái nuôi. Dù đang tuổi học sinh, cô con gái nuôi đã mang thai ngoài ý muốn.

Đau đớn hơn, con trai vừa tròn tuổi, người con gái ấy lại bỏ cha mẹ nuôi, bỏ con ra đi. Bà Hoa nói: “Chúng tôi nhận nuôi nó từ nhỏ vì thương, thấy không thể bỏ được. Con gái sinh ra cháu (tên Tuấn) ở lứa tuổi học sinh, tôi càng không bỏ được. Nó sanh xong, nuôi con đến đủ 1 tuổi thì bỏ đi”.

{keywords}
Điều bà Hoa lo lắng nhất bây giờ là làm sao có thể chăm lo cho đứa cháu ngoại bị mẹ ruột bỏ rơi.

Sự hi sinh cao thượng của ông bà khiến MC Quyền Linh, Ngọc Lan và khán giả trường quay xúc động. Thông quan chương trình, nam MC hy vọng mẹ bé Tuấn có thể xem được câu chuyện của cha mẹ nuôi. Anh cũng mong chị “hãy cố gắng làm ăn tốt”, khi thành công hãy quay trở về để lo cho con trai.

Trong khi đó, bà Hoa lại chỉ dành những lời gan ruột cho đứa cháu ngoại đáng thương. Bà lo lắng đến ngày ông bà nhắm mắt xuôi tay, Tuấn sẽ không còn nơi nương tựa.

“Tôi hỏi Tuấn rằng nếu ông bà ngoại mất, thì con làm gì? Nó bảo nó sẽ đi nhặt ve chai. Dù không phải là trẻ mồ côi nhưng nó thiếu thốn tình cảm cha mẹ ngay từ lúc lọt lòng. Nếu mai này, lỡ có chuyện không may, tôi ước nguyện Tuấn được ở với bác ruột để cháu thành người”, bà Hoa chia sẻ

{keywords}
Xúc động trước hoàn cảnh, sự hi sinh cao thượng của ông bà, MC Quyền Linh quyết định đặt hàng 100 phần bột chiên.

Bà Hoa gửi lời gan ruột đến cháu trai ngay trên sóng truyền hình khiến nhiều người xúc động. Bà nói, khi ông bà còn đủ sức khỏe để lo cho Tuấn ăn học, Tuấn phải thật chăm chỉ học hành.

Bà cũng khuyên dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng “khi nhìn xuống”, nhiều người khác còn khổ hơn Tuấn. “Con phải nhớ rằng dù nghèo vẫn phải cố gắng ăn học, đi làm kiếm sống, không lệ thuộc vào ai hết”, bà Hoa dặn dò.

Nguyễn Sơn

Chuyện tình đẹp của người đàn ông đầu tiên kế hoạch hoá gia đình ở Hải Phòng

Chuyện tình đẹp của người đàn ông đầu tiên kế hoạch hoá gia đình ở Hải Phòng

Câu chuyện của cặp đôi U65 tại Tình trăm năm là một minh chứng, tiếp lửa cho thế hệ trẻ niềm tin về tình yêu trong cuộc sống.