Có 2 cậu con trai nhưng ông Vinh và bà Nga khiến nhiều người ngạc nhiên khi chẳng chịu ở chung với đứa nào. Mặc dù cả hai cậu con đều sống và làm việc Hà Nội, nhưng cứ đến tuổi lấy vợ, cậu nào cũng bị ông bà “đuổi khéo”.

“Ngày xưa tôi cũng đi làm dâu nên tôi hiểu những cái bất tiện của việc sống chung. Vì thế mà vợ chồng tôi bây giờ quan điểm đứa nào lấy vợ là cho ra ở riêng” - bà Nga chia sẻ.

Thậm chí, cách đây 3 năm khi cậu thứ 2 lấy vợ, chưa đủ tiền mua nhà riêng, còn xin ông bà cho ở chung với bố mẹ một thời gian nhưng bà giao hẹn “cho ở nhờ đúng 3 tháng, chưa mua được nhà thì đi tìm nhà cho thuê”.

Bà Nga bảo: “Không phải mình tính toán với con cháu, mà mình nghĩ cho chúng nó. Cách sinh hoạt, lối sống của 2 thế hệ hoàn toàn khác nhau. Hồi nó chưa lấy vợ, vợ chồng tôi với nó đã ‘sứt mẻ’ rồi. Giờ có thêm con dâu, sống chung lâu ngày ít nhiều cũng sẽ sinh ra mâu thuẫn”.

Bây giờ, cậu con cả của ông bà mua nhà cách bố mẹ gần chục cây số để tiện đường đi làm, còn cậu thứ 2 mua căn chung cư ngay cạnh căn nhà của bố mẹ. Thỉnh thoảng cuối tuần, đại gia đình lại cùng nhau tụ tập ăn uống ở nhà ông bà.

Khi được hỏi liệu mấy năm nữa, ông bà già yếu, không tự chăm sóc được bản thân thì có chuyển về ở cùng các con không, bà Nga chia sẻ: “Vợ chồng tôi dự định sẽ bán căn nhà 4 tầng này đi, dùng một nửa số tiền đó mua một căn chung cư để đỡ phải leo trèo. Nửa còn lại để dưỡng già, yếu quá thì thuê người chăm hoặc vào viện dưỡng lão, nhất định không phiền con cháu”.

Bà bảo, trường hợp như gia đình bà không còn là hiếm hoi. “Trong tổ hưu trí chúng tôi cũng có nhiều gia đình giống như gia đình tôi. Kể cả về quê bây giờ cũng nhiều gia đình chỉ thấy còn ông bà già, thanh niên ra thành phố làm việc hết cả”.

Người cao tuổi sống riêng tăng lên

Theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển công bố vào năm 2020, thực hiện ở hơn 6.000 người cao tuổi trên toàn quốc, có khoảng 19,4% người cao tuổi sống riêng hai vợ chồng; 8,6% người cao tuổi sống một mình; 61,3% đang sống với ít nhất một người con ruột.

Kết quả điều tra của một nghiên cứu khác - Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hoá do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ nhiệm, được thực hiện ở hơn 300 người cao tuổi sống ở Ninh Bình và 500 người cao tuổi sống ở Đà Nẵng – cũng cung cấp một số liệu rất có ý nghĩa.

Cụ thể, tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn tăng từ 3,47% vào năm 1992/93 lên 20,5% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng bạn đời cũng tăng từ 9,48% vào năm 1992/93 lên 50,4% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con giảm từ 79,73% vào năm 1992/93 xuống còn 28,4% vào năm 2017.

{keywords}

Mô hình sắp xếp nơi ở của người cao tuổi Việt Nam (Nguồn: Nghiên cứu Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hoá, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2021)

Nghiên cứu này cũng khẳng định, truyền thống người cao tuổi sống chung với con cháu trong gia đình nhiều thế hệ hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì nhưng đã có những thay đổi. Cụ thể, việc chăm sóc người cao tuổi đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. 

Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng với con cháu đang giảm xuống trong khi tỷ lệ người sống một mình, sống cùng bạn đời hoặc sống trong các gia đình “khuyết thế hệ” đang dần tăng lên. 

Nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi nêu rõ một số lý do dẫn đến sự thay đổi trong việc chăm sóc, cũng như sắp xếp nơi ở của người cao tuổi.

“Một là do di cư của nhóm người trẻ có xu hướng tăng, nhất là di cư nông thôn-đô thị, nên số người cao tuổi ở các cộng đồng có xu hướng tăng lên. Hai là mức độ tham gia thị trường lao động của nhóm thanh niên, trung niên ở Việt Nam khá cao, cộng với áp lực công việc, con cái nên khó có thời gian chăm sóc cha mẹ. Ba là nhóm nắm vai trò chăm sóc chính trong gia đình là phụ nữ, hiện tham gia thị trường lao động khá cao. Bốn là mức sinh đang giảm hơn so với những thập niên trước kia, nên số người chăm sóc người cao tuổi giảm đi” – bà Thi nhận định.

Bàn về vấn đề này, PGS. TS. Lê Ngọc Văn (cố vấn cấp cao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tác giả một số cuốn sách về văn hoá gia đình Việt Nam, nhận định rằng, nếu so với gia đình truyền thống trước đây, xu hướng một bộ phận người cao tuổi không muốn sống chung với con cháu và ngược lại một bộ phận con cháu trưởng thành có vợ có chồng muốn sống riêng tách khỏi cha mẹ, ông bà là có thật vì nhiều lý do khác nhau.

“Trước hết, nó phản ánh sự tôn trọng của cha mẹ với quyền tự do riêng tư của con cái, không can thiệp sâu vào quyền quyết định và sự tự chủ của con cái trong cuộc sống . Mặt khác, những người cao tuổi còn khỏe mạnh, có thu nhập bảo đảm, không phụ thuộc vào con cái về kinh tế cũng có nhu cầu sống riêng để được thoải mái hơn”.

PGS.TS. Lê Ngọc Văn cũng trích dẫn số liệu Điều tra quốc gia về người cao tuổi (2020) cho thấy, trong số những người cao tuổi sống riêng một mình, có tới 56,7% có con cái sống trong cùng xã/phường và 43,3% không có con cái sống trong cùng xã/phường. Như vậy, việc con cái ở gần hay ở xa không phải là lý do người cao tuổi sống riêng. Lý do chính ở đây là người cao tuổi muốn được tự do trong lựa chọn và sắp xếp nơi ở của mình.

Mức độ hạnh phúc của người cao tuổi khi sống cùng con cháu

{keywords}
Mức độ hài lòng của các nhóm tuổi khi sống chung với con cháu (Nguồn: Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP.HCM hiện nay, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2020)

Theo số liệu điều tra quốc gia của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam – hơn 60% vẫn sống chung với con cháu trong gia đình mở rộng (3 thế hệ trở lên), đặc biệt là người cao tuổi sống ở nông thôn, do không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020 về tiêu chí gia đình hạnh phúc tại thành phố Hồ Chí Minh, lại đưa ra một số liệu đáng chú ý.

Cụ thể, chỉ có 54,5% người cao tuổi hài lòng với việc sống chung trong gia đình mở rộng. Như vậy, cứ 2,2 người cao tuổi thì có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình mở rộng.

“Tóm lại, trong gia đình Việt Nam hiện nay, người cao tuổi có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thu xếp nơi ở. Những sự lựa chọn này tùy thuộc vào hoàn cảnh và sở thích của các nhóm cũng như từng giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của người cao tuổi. Mô hình nào đem lại mức độ hài lòng, hạnh phúc cao hơn cho cả người cao tuổi và con cháu của họ thì đó là mô hình thích hợp” - PGS. TS. Lê Ngọc Văn kết luận.

Ông cũng lưu ý thêm rằng: “Tính đa dạng về mô hình nơi ở của người cao tuổi không làm thay đổi các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cháu và lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ông bà, hay như người xưa nói là ‘cha từ con hiếu’”.

Nguyễn Thảo

Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão

Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão

“Trẻ cậy cha nhưng về già cậy ai” đang trở thành vấn đề nan giải khi việc ở với con hay vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều tranh cãi.