{keywords}
Xu Bin bay lượn trên chiếc máy bay tự chế.

Khi chiếc máy bay của Xu Bin chuẩn bị cất cánh, ở phía dưới, hàng chục người đang ngước lên nhìn chuyến bay thử nghiệm của anh với vẻ hoài nghi trong giây lát. Nhưng động cơ nhanh chóng được khởi động. Tiếng gầm của nó át tiếng kêu ồn ào của đàn vịt trời gần đó.

Chiếc máy bay tăng tốc trên con đường quê, rồi từ từ nâng mình lên khỏi mặt đất. Nó khựng lại, lơ lửng trên bầu trời trong khoảng một giây trước khi tiến về phía trước với vận tốc ổn định. Những người đứng phía dưới bắt đầu lấy điện thoại ra để quay, chụp.

Với Xu, được bay trên bầu trời trong chiếc máy bay của riêng mình đã trở thành thông lệ. Anh đã chế tạo và lái hơn 40 chiếc máy bay khác nhau trong 15 năm qua.

“Khi bạn bay lên cao, bạn thấy như tầm nhìn của mình được mở rộng. Tâm trạng của bạn đột nhiên nhẹ bẫng đi” - Xu chia sẻ.

Người đàn ông quê Chiết Giang này là một trong những người dẫn đầu hội những người tự chế máy bay đang phát triển mạnh ở khắp các vùng nông thôn Trung Quốc. Theo ước tính của Xu, có ít nhất 100 người thuộc đủ mọi thành phần - từ nông dân, thợ cắt tóc cho đến bác sĩ - thường xuyên lái những chiếc máy bay do họ tự chế.

Trước khi Covid-19 tấn công, cộng đồng này thường xuyên sắp xếp các cuộc gặp gỡ để trao đổi, giao lưu. Còn bây giờ, họ đành phải chia sẻ các clip qua ứng dụng WeChat.

Riêng Xu, anh bị ám ảnh với việc lái máy bay từ khi còn là một đứa trẻ. Sinh ra và lớn lên ở Xiakou - một thị trấn nhỏ ở miền đông Trung Quốc, cuộc sống của anh trôi qua một cách đơn điệu, mọi công việc xoay quanh trang trại của gia đình và xưởng mộc của bố anh. Đến một ngày, cậu học sinh cấp 3 nhìn thấy một cảnh tượng đáng kinh ngạc: một chiếc máy bay bay vút qua ngôi làng của cậu.

“Từ đó, ý tưởng về việc lái máy bay bắt đầu nhen nhóm trong đầu tôi” - Xu kể.

{keywords}
Xu Bin đang lái thử một chiếc máy bay tự chế đời đầu vào năm 2000.

Ước mơ chế tạo một chiếc máy bay của riêng mình bắt đầu khi anh học cấp 3. Gia đình anh có một nhà xưởng nhỏ sản xuất các bộ phận của máy bơm nước. Xu bắt đầu học nghề cơ khí và phát hiện ra niềm đam mê với công việc này.

Anh bỏ học năm lớp 11 và dành toàn bộ thời gian cho công việc thợ máy. Khi không làm công việc của xưởng, anh bí mật thực hiện dự án thiết kế một chiếc máy bay trực thăng nhỏ bằng kiến thức thu nhập được từ các tạp chí hàng không.

“Hồi đó, tôi làm lén lút. Tôi sẽ dừng lại mọi thứ và nghiên cứu kỹ các bộ phận của máy bay ngay khi bố rời khỏi nhà. Khi nghe thấy tiếng bố mở khoá, tôi lại giấu chúng đi và trở lại với công việc bình thường”.

Chỉ mất 2 tháng là anh đã lắp ráp được chiếc đầu tiên với một cái khung ọp ẹp làm từ các ống thép, động cơ của một chiếc xe kéo và một cánh quạt bằng gỗ.

Anh kéo nó về trung tâm thị trấn để thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Nhưng sau 15 phút cánh quạt quay, chiếc trực thăng vẫn không thể cất cánh được. Xu ngồi thần thờ trên ghế lái, trong khi những người hàng xóm chế nhạo anh không thương tiếc.

Mất 10 năm sau Xu mới có chuyến bay thành công đầu tiên. Sau rất nhiều nỗ lực, ngày đó cuối cùng cũng đến vào mùa hè năm 2006. Sau khi được một chiếc ô tô kéo dọc đường để giúp tăng vận tốc, chiếc máy bay của Xu - với bộ khung nặng 130kg, cánh dài 7,5m - đã cất cánh và bay trên không trung trong vòng 25 phút.

Kỳ tích của người thợ máy trẻ tuổi ngay lập tức thu hút báo chí toàn quốc lúc bấy giờ. Đài truyền hình trung ương ca ngợi anh đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên tới từ Chiết Giang lái thành công chiếc máy bay tự chế tạo. Tuy nhiên, câu chuyện cũng làm dấy lên mối lo ngại trong giới chức Trung Quốc.

{keywords}
Xu Bin nghiên cứu máy bay trong xưởng sản xuất của gia đình ở Chiết Giang năm 2008. 

Vài ngày sau, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) tuyên bố chuyến bay của Xu là “hoạt động bất hợp pháp” và nói rằng anh bị cấm bay trong tương lai.

Ngay cả Xu cũng thừa nhận những chiếc máy bay của anh là một mối nguy hiểm về mặt an toàn trong thời gian đó. “Thành thật mà nói, tôi đã khá lo lắng khi ở trên đó” - anh nhớ lại. “Lúc ấy, chiếc máy bay của tôi được chế tạo khá thô sơ, và tôi cảm thấy có nhiều bộ phận không đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của CAAC, Xu tiếp tục âm thầm cải tiến chiếc máy bay của mình để hoàn thiện một mô hình tiên tiến hơn. Để tránh gặp rắc rối, anh quyết định tránh các khu đô thị khi bay thử nghiệm và không bao giờ bay quá 100m so với mặt đất.

Nhưng anh không thể tránh được xung đột với gia đình mình. Sở thích của Xu đã tiêu tốn rất nhiều tiền. Việc anh làm đã “nuốt” gần hết lợi nhuận từ nhà máy của bố anh. Xu ước tính, anh có thể đã tiêu tổng cộng hơn 2 triệu nhân dân tệ (7,15 tỷ đồng) trong những năm chế tạo máy bay.

“Tôi nhớ một năm tôi nhận được 500.000-600.000 tệ từ gia đình, và đến cuối năm tôi đã đổ hết số tiền đó vào những chiếc máy bay” - Xu nói.

Sau nhiều cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ đồng hồ, Xu nhận ra rằng mình cần phải thay đổi. Nếu anh tiếp tục ước mơ bay trên bầu trời, anh phải tìm cách kiếm tiền từ nó.

10 năm sau đó, Xu đã phát triển các mẫu máy bay cánh quạt mới nhẹ hơn, ổn định và an toàn hơn khi bay. Anh bắt đầu cung cấp dịch vụ của mình với tư cách là một nhiếp ảnh gia trên không và người chụp ảnh cây trồng, cho đến khi sự ra đời của những chiếc drone không người lái đã giết chết dịch vụ béo bở này. Anh cũng kiếm thêm tiền bằng cách sản xuất các bộ phận máy bay cho những người có cùng sở thích.

{keywords}
Xu và những người có cùng sở thích trong một buổi lái thử vào năm 2013.

Hiện tại, Xu đang đặt mục tiêu tạo ra loại máy bay có cánh quạt nhẹ để có thể tung ra thị trường đại chúng. Anh muốn bất kỳ ai ở Trung Quốc cũng có thể mua và lái chiếc máy bay của riêng mình.

Đó là một tầm nhìn đầy tham vọng nhưng Xu khẳng định anh có thể làm được. Theo các quy định hàng không dân dụng Trung Quốc, máy bay siêu nhẹ có trọng lượng 116kg không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện bay và phi công không cần giấy phép để lái chúng.

Nhu cầu này cũng được dự đoán là rất tiềm năng. Theo Xu, có ít nhất 50.000 có cùng sở thích bay lượn giống anh ở Trung Quốc, nhưng chỉ có một số nhỏ trong số họ có thể chế tạo được máy bay như anh.

Trở ngại lớn nhất sẽ là các quy định nghiêm ngặt về không phận của Trung Quốc. Đã có một số động thái mở thêm không gian cho hàng không dân dụng trong những năm gần đây, nhưng các phi công nghiệp dư hầu hết bị hạn chế bay gần các sân bay được cấp phép.

“Sẽ thật tuyệt nếu một khu vực bay được xây dựng ở vùng ngoại ô của mỗi quận nhỏ, nơi mà những người có sở thích bay có thể tự do lái máy bay của mình. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả một ngành công nghiệp” - anh nói.

Xu tin rằng sẽ có một thị trường lớn hơn cho những chiếc máy bay tự chế của mình nếu như lĩnh vực hàng không nghiệp dư của Trung Quốc được tiếp cận công chúng rộng rãi hơn. Mặc dù truyền thông Trung Quốc có đưa tin về cộng đồng yêu thích máy bay tự chế trong những năm qua, nhưng Xu cảm thấy hầu hết mọi người vẫn chưa biết đến họ.

Năm 2016, Xu đã thuê một nhà kho rộng 500m2 cạnh đường cao tốc ở Chiết Giang và biến nó thành một bảo tàng hàng không nghiệp dư, trưng bày hàng loạt máy bay tự chế. Nhưng dự án này đột ngột chấm dứt khi chủ nhà rút lại hợp đồng thuê 2 năm sau đó.

Sau đó, Xu vào làm kỹ sư cho một công ty ở tỉnh Hồ Nam chuyên phát triển máy bay hạng nhẹ cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, công ty đã đóng cửa hồi đầu năm nay, và kể từ đó anh quay trở lại Chiết Giang để tiếp tục con đường tự chế máy bay.

Bất chấp những trắc trở trong công việc, Xu vẫn lạc quan về tương lai. Anh tin rằng giấc mơ thương mại hoá máy bay tự chế của mình là khả thi. Một ngày nào đó, anh hi vọng những chiếc máy bay sẽ được bọc trong bao bì, xếp chồng lên nhau trên các kệ siêu thị trên khắp Trung Quốc.

“Tôi đã thực hiện được ước mơ bay lượn của mình” - anh nói. “Đến giờ, tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ thứ hai, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng”.

Đăng Dương 

8X trở thành YouTuber đầu tiên của bản người Dao ở Quảng Ninh

8X trở thành YouTuber đầu tiên của bản người Dao ở Quảng Ninh

Từ một nông dân không nói sõi tiếng phổ thông, "mù" công nghệ thông tin, người phụ nữ Dao đã lập 3 kênh YouTube, thu hút nhiều người trong nước và nước ngoài đăng ký.