Clip: Nhóm thiện nguyện luồn hẻm, hỗ trợ người nghèo

Luồn hẻm nhỏ tặng quà sau giờ làm việc

Trời nhá nhem tối, chị Dương Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 14 (uận 6, TP.HCM) chăm chú sắp xếp từng xấp tập vở học sinh trước hiên căn nhà nhỏ. Tại đây, chị Mai và các thành viên của nhóm thiện nguyện Hành trình sau giờ làm việc tất bật chuẩn bị các phần quà cho những em học sinh khó khăn do dịch.

Chủ nhà, anh Bạch Thanh Tú (công tác tại Ban Dân vận Quận ủy Quận 6) cùng các thành viên khác chuẩn bị các túi gạo, trứng, mì gói... Suốt mùa dịch vừa qua, anh Tú và nhóm bạn của mình tổ chức các hoạt động hỗ trợ địa phương chống dịch, giúp đỡ người khó khăn.

Đầu tháng 10/2021, thành viên của nhóm bắt đầu đi làm lại. Tuy nhiên, anh và nhóm bạn của mình nhận thấy những hộ nghèo, xóm trọ vẫn gặp nhiều khó khăn. Các thành viên nhóm họp bàn, quyết định lấy tên Hành trình sau giờ làm việc để tiếp tục chung sức hỗ trợ bà con xóm trọ nghèo.

{keywords}
Sau giờ làm, nhóm "Hành trình sau giờ làm việc" tập trung, vận chuyển nhu yếu phẩm đi tặng bà con nghèo.

Anh chia sẻ: “Sau ngày 1/10, chúng tôi đều đã đi làm lại. Tuy nhiên, một phần các bạn thích hoạt động thiện nguyện, một phần vẫn thấy bà con còn nhiều khó khăn nên có mong muốn tiếp tục hỗ trợ bà con nghèo”.

“Do đã đi làm nên chúng tôi quyết định sẽ tập hợp, cùng nhau đi hỗ trợ bà con vào lúc 17h chiều. Đây là khung giờ các thành viên đã tan ca, rời công sở nên có thể tranh thủ đi giúp đỡ người khó khăn. Thế là nhóm Hành trình sau giờ làm việc ra đời”, anh nói thêm.

18h, con hẻm nhỏ trước cửa nhà anh Tú trở nên chật chội, náo nhiệt hơn bởi sự xuất hiện của những thành viên khác trong Hành trình sau giờ làm việc. Mọi người tất tả chất các phần quà lên xe máy, chở ra nơi tập kết trên con đường lớn.

{keywords}
Tập kết quà tặng trên đường đợi xe ô tô đến chở đến điểm phát tặng...

Tại đây, xe ô tô của nhóm chở quà đến các con hẻm có dãy phòng trọ, người dân khó khăn đang thuê trọ, sinh sống. Với những con hẻm nhỏ, chỉ đủ một người đi, nhóm chủ động ôm túi rau củ, gạo, mì... đi bộ, len lỏi vào từng phòng trọ để gửi quà.

Mỗi phòng trọ sẽ cử người đại diện đứng ra nhận quà để đảm bảo quy định giãn cách. Chiều tối, phải ôm, vác các phần quà đi lần lượt từng căn nhà trọ, ai cũng lưng áo mướt mồ hôi.

Chị Thanh Mai cho biết, số lượng quà tặng phụ thuộc vào nguồn kinh phí do bạn bè, người thân các thành viên của nhóm đóng góp. Thế nên, mỗi tuần nhóm chỉ họp mặt một hoặc hai lần sau giờ làm.

“Những hôm quà ít, nhóm đỡ mệt hơn nhưng lại rất buồn vì không thể hỗ trợ được nhiều cho bà con. Hôm nhiều quà, chúng tôi đi nhiều hơn, nhiều lúc rất mệt nhưng ai cũng vui. Đôi khi vui quá, quên luôn mình đang mệt, đang đói”, chị Mai nói.

{keywords}
Đối với các con hẻm nhỏ, các thành viên phải dùng xe máy chở quà vào. Thậm chí, nhóm phải ôm, vác quà, đi bộ đến tận nơi để trao.

Quên đói, gác chuyện gia đình lo cho cộng đồng

Đang trên đường chở quà đi phát tặng người nghèo, chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân (giáo viên mầm non, thành viên nhóm Hành trình sau giờ làm việc) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chồng. Anh nhắn nhủ chị ăn cơm tối để có sức đi phát, gửi tặng quà cho người khó khăn. Bởi suốt thời gian qua, mỗi khi đi phát quà, chị đều nhịn bữa tối.

Chị Ngân nói: “Đa số các thành viên khi tham gia Hành trình sau giờ làm việc đều không kịp ăn tối. Mọi người cứ tan giờ làm là chạy ngay đến nhà anh Tú, nhận quà đi phát xong mới về nên ai cũng nhịn đói”.

“Nhiều thành viên có gia đình cũng tạm gác việc nhà để chăm lo cho cộng đồng. Tôi may mắn được chồng và người thân ủng hộ. Mỗi khi tôi đi phát quà, anh ấy đều chủ động về sớm hơn để chăm con, lo việc nhà”, chị nói thêm.

{keywords}
Quà là những dụng cụ học tập, sách vở, sữa... cho các em nhỏ.

Trong khi đó, sau giờ làm, Trà Thanh Phong và cô vợ sắp cưới của mình cũng gác lại những buổi hẹn hò lãng mạn. Cả hai dành thời gian này tham gia phát quà cho người khó khăn.

Cả hai đều yêu thích thiện nguyện nên thay vì cùng nhau đi chơi, anh và bạn gái chọn cách tham gia Hành trình sau giờ làm việc để giúp đỡ mọi người.

“Sau những chuyến thiện nguyện, hỗ trợ mọi người như thế, chúng tôi thấy vui và hạnh phúc. Cả hai cũng có được với nhau những phút giây ý nghĩa, kỷ niệm khó quên”, Phong chia sẻ.

Những chuyến tặng quà của Hành trình sau giờ làm việc đến vào thời điểm công nhân, người dân đã trở về nhà, phòng trọ. Thế nên, mỗi khi nhóm đến, hẻm nhỏ, xóm trọ nghèo đều rôm rả, ồn ã hơn thường ngày.

{keywords}
Ngoài ra còn có gạo, rau củ, trứng... 

Biết được nhận dụng cụ học tập, sữa…, các em nhỏ đều hớn hở, đứng trước cửa phòng trọ đợi nhận quà. Cầm lốc sữa, vở, bút… trên tay, các em tỏ rõ sự vui mừng. Em Nguyễn Hoàng Hậu (ngụ phường 14, quận 6) xúc động cho biết, suốt mùa dịch, ba mẹ thất nghiệp nên năm học mới em gặp nhiều khó khăn.

“Em đang theo học ở lớp học tình thương nhưng sau dịch, ba mẹ em chưa có tiền mua vở, bút mới. Nay được nhận quà, em vui lắm”, Hậu nói.

Các phần quà là gạo, trứng, rau củ… của nhóm cũng nhận về nhiều lời cám ơn, niềm xúc động từ người dân khó khăn. Nhiều người cho biết, suốt mùa dịch vừa qua, họ chỉ dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và mạnh thường quân.

Bà Nguyễn Thị Chi (77 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang, đang thuê trọ tại một dãy nhà trọ ở quận 6) cho biết, trước khi dịch bùng phát, bà nhận giữ trẻ tại nhà để mưu sinh. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh, bà và đứa cháu đang đi làm cùng thất nghiệp.

{keywords}
Người dân tại các xóm trọ nghèo đều rất vui khi được nhận sự hỗ trợ từ nhóm thiện nguyện.

Suốt thời gian đó, bà Chi chỉ biết trông chờ vào Nhà nước và mạnh thường quân giúp đỡ. Đến bây giờ, bà vẫn đang nợ 2 tháng tiền trọ.

“Nay cháu tôi đi làm lại rồi mà vẫn được nhận quà như thế, tôi vui lắm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Bà cháu tôi vẫn đang cố gắng tích góp để có tiền trả nợ tiền phòng”, bà Chi chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, bà Diệp Tồn (70 tuổi) cũng rưng rưng xúc động khi nhận được túi gạo, vỉ trứng cùng lốc sữa từ tay chị Thanh Mai. Sống cùng đứa cháu, dù đã có tuổi, bà Tồn phải thức khuya dậy đính hạt cườm mưu sinh. Dịch bùng phát, công việc đình trệ, cái đói lại treo lơ lửng trên đầu.

Bà Tồn nói: “Lúc dịch bùng phát, dãy trọ cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, mạnh thường quân. Giờ dịch tạm lắng, bà cháu tôi cố đi làm lại nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Những phần quà như thế đã giúp đỡ được cho chúng tôi rất nhiều”.

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

Tấm lòng 'hoa sen' của Cường 'béo', người đàn ông dành cả đời làm từ thiện

Tấm lòng 'hoa sen' của Cường 'béo', người đàn ông dành cả đời làm từ thiện

Cường 'béo' đam mê thiện nguyện đến nỗi khi ra đi vì dịch bệnh, tài sản lớn nhất anh để lại chỉ là những 'hạt nhân đức' lấp lánh giữa đời thường.