Chị và anh lấy nhau đã gần 5 năm và có một cô con gái 3 tuổi xinh xắn. Cả hai đều làm doanh nghiệp tư nhân, thu nhập khá nhưng rất bận rộn. Tuy vậy, cuộc sống của hai vợ chồng tương đối hạnh phúc, không có xô xát và đánh chửi nhau bao giờ. Có điều từ sâu thẳm lòng mình, chị vẫn có nỗi buồn và ẩn ức riêng. Đó là chồng chị của hồi yêu và sau khi cưới khác nhau nhiều quá.

Ngày còn yêu nhau, biết tính chị lãng mạn, anh rất chiều chị, ngày nào cũng nhắn tin và gọi điện hỏi thăm chị ăn uống như thế nào. Mỗi khi chị hắt hơi, sổ mũi là anh lại xuất hiện ngay, đưa chị đi khám rồi cuối tuần cùng nhau đi xem phim, cà phê....

Vậy mà sau khi là vợ chồng, hết giờ làm là anh về nhà coi phim, đọc sách báo hoặc đi uống bia với bạn bè, tuyệt nhiên không rủ chị đi coi phim hay cà phê, picnic. Và đó chỉ là vài đơn cử nhỏ trong rất nhiều thứ khiến chị buồn lòng. Tuy nhiên, chị vẫn biết chồng mình là người đàn ông không đến nỗi nào khi ngày nào cũng đưa đón con đến trường mẫu giáo, thi thoảng phụ vợ nấu ăn, lau dọn nhà cửa, biết "đối nội, đối ngoại".

Hôm nay là sinhnhật  của chị. Buổi sáng chị dậy sớm tắm gội rồi chọn một chiếc váy thật đẹp để đi làm. Nhìn vợ tô son và kẻ lông mày, anh ra vẻ không quan tâm và cũng chẳng hỏi han chị sao khác với mọi ngày.

Vừa đến cổng cơ quan, chị đã được sếp tươi cười bắt tay chúc mừng sinh nhật. Cả buổi làm, chị nhận được hàng trăm lời chúc của mọi người, thân quen sơ ở điện thoại và trên facebook, zalo. Buổi trưa, phòng chị tổ chức sinh nhật chu đáo cho chị tại nhà hàng với đông đủ mọi người.

Khỏi phải nói chị vui như thế nào nhưng sau khoảng thời gian đó lòng chị lại chùng xuống. Chị khóc vì đến cuối buổi làm, anh vẫn không nhắn hay gọi chúc mừng chị một câu. Đây là sinh nhật lần thứ 4 của chị sau khi cưới anh không nhớ và chúc mừng. Trên đường đi làm về, nước mắt chị rơi vì tủi thân. Tại sao đồng nghiệp, bạn bè, ngay cả những người quen sơ còn nhớ đến sinh nhật chị vậy mà anh - người "đầu gối tay ấp" hàng đêm lại vô tâm vậy?

Chị rẽ vào cửa hàng hoa mua một bó hoa hồng về cắm, tiện đường chị qua cửa hàng bánh mua một bánh gato về cho con gái thổi nến. Anh đi làm về nhìn thấy chị nấu cơm, trên bàn cắm lọ hoa to và hộp bánh con gái đang đòi mở cũng không bảo gì. Sau khi cơm nước xong xuôi, chị mới cùng con gái thổi nến và cắt bánh. Chị bảo con gái đưa bánh mời bố, anh gạt đi: "Bố không ăn. Mẹ con cứ lắm chuyện. Hơn 30 tuổi rồi mà còn bày đặt sinh với chả nhật".

Những lời nói của anh như những nhát dao cứa vào chị. Chị lẳng lặng dọn bát đĩa rồi lên nhà. Đợi con ngủ say, chị vào facebook đăng lên một status (dòng trạng thái): "Có những niềm riêng khó nói. Sinh nhật vợ 4 năm không nhớ cũng không tặng quà gì!".

Thật sự chị không muốn "bán than" trên mạng nhưng lúc này chị cảm thấy buồn vô cùng. Ngay sau khi chị đăng dòng trạng thái đó, nhiều người quen của chị vào động viên chị vì "cùng cảnh ngộ", rằng "đàn ông là thế", vợ chồng màu mè làm gì, chỉ cần yêu thương nhau... Nhưng cũng có những người chê trách chồng chị "vô tâm", "sao anh lại thế", "em/chị không tin"....

Ngay sau 30 phút chị đăng status lên facebook, anh từ tầng 1 lao lên phòng, thấy chị cầm điện thoại, không cần hỏi han gì anh giơ tay tát chị. "Cô giỏi lắm! Tôi là thằng chồng tồi đấy, cô kiếm được thằng nào khác thì đi ra khỏi nhà này luôn".

Đây là lần đầu tiên anh đánh chị. Cái tát đó không đau về thể xác nhưng làm chị đau đớn đến tận cùng về tinh thần. 5 năm làm vợ anh, chị đã cố gắng chăm sóc, vun vén hết mực, chưa bao giờ hỏi lương anh đâu, chi tiêu như thế nào vậy mà anh lại vô tâm, làm chị đau như thế này.

Thực ra, phụ nữ đơn giản, chị đâu cần anh phải tặng quà nhiều tiền, chỉ cần anh nói câu yêu thương, tặng chị bó hoa hoặc chiếc váy vài trăm nghìn, hay cả nhà ra ngoài ăn uống một bữa ấm cúng. Thế mà anh lại cố tình quên! Thật sự chị mệt mỏi và tình yêu của chị kể từ giờ phút này đã nguội lạnh.

Nữ nhà báo bị chồng võ sư đánh đập nói về việc đồng ý hòa giải

Nữ nhà báo bị chồng võ sư đánh đập nói về việc đồng ý hòa giải

 Nạn nhân bị chồng bạo hành có những lý giải liên quan đến việc chị rút đơn tố cáo, đồng ý hòa giải với người chồng.

Theo Gia đình và Xã hội