{keywords}{keywords}{keywords}

Chiều, nắng vẫn chói chang trên mái tôn bỏng rát. Dừng niệm câu kinh, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1975, ngụ quận 1, TP.HCM) trở về với nỗi đau mất chồng vì Covid-19. Chồng chị, anh Vũ Quốc Cường (SN 1975), chủ quán cơm chay xã hội Cường "béo", người dành cả đời làm từ thiện vừa ra đi mãi mãi. Cơn ho khan buốt nhói lồng ngực không thể xóa tan cảm giác trống vắng, cô đơn đang ùa về, chị lặng khóc một mình.

Ngả người trên tấm chiếu cũ, chị nhớ về những tháng ngày cơ hàn, cùng chồng lang bạt, làm thuê làm mướn nuôi nhau trong dòng nước mắt lăn dài. Chị nói, hai người có một tình yêu đẹp đến nỗi chỉ muốn giữ làm của riêng như một kỷ niệm thiêng liêng không thể chia sẻ. Dẫu vậy, cưới nhau về, anh chị bôn ba với đủ thứ nghề để nuôi thân.

Chị Lan kể: “Lúc chưa có con, chúng tôi khổ lắm. Hình như mọi nỗi khổ của người đời, vợ chồng tôi đều ít nhiều nếm trải. Tôi đi dọn nhà, giặt đồ, rửa nhà vệ sinh cho người ta… Anh Cường đi làm thuê, làm mướn đủ nghề nặng nhọc… Ai thuê gì anh làm nấy. Anh không bao giờ từ nan, không kén chọn công việc miễn là không phạm pháp”.

{keywords}
Sau thời gian hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại khu cách ly, phong tỏa, anh Cường "béo" nhiễm Covid-19 và qua đời.

“Hai vợ chồng đùm bọc lấy nhau, sống lay lắt như thế nhưng đầy ắp tiếng cười dù anh không biết nịnh vợ, cũng không biết nói lời ngon ngọt. Anh thật thà như đếm. Bảo anh nói về Phật pháp, từ thiện anh thao thao bất tuyệt nhưng bắt anh nói để lấy lòng người khác, anh ấp úng không nên lời. Đối nhân xử thế cũng vậy, ai thương, ai ghét, ai nói gì mình, anh cũng chỉ cười cho qua”, chị kể thêm.

Vợ chồng son đã khổ, sinh con, gia đình Cường "béo" càng cực thêm. Thời gian ấy, anh hầu như không có mặt ở nhà bởi phải đi làm thuê làm mướn để có gạo nuôi con. Dẫu vậy, anh vẫn quyết “không phiền tới ai”. Chị Lan kể, chồng luôn khuyên chị rằng còn sức, còn làm được thì phải cố gắng, không nên nhờ vả để lụy vào ai.

“Chúng tôi cứ sống như thế. Mãi đến khi có đứa con gái thứ tư, cuộc sống chúng tôi mới dễ thở hơn một chút. Lúc con bé út đi chập chững, tôi đi buôn bán trái cây ở lề đường, bán mì xào, nui xào…ngoài vỉa hè để kiếm thêm. Anh thì vẫn thế, vẫn đi làm thuê, làm mướn cho người ta để có tiền hoạt động từ thiện, nuôi con. Vậy mà đó cũng là lúc anh đưa ra ý tưởng mở quán cơm chay từ thiện để giúp đỡ người nghèo”, chị Lan nói.

Quán cơm chay xã hội với giá 5000 đồng/phần ăn để giúp người nghèo gần như là mộng ước một đời của Cường "béo". Nó xuất hiện trong tâm trí anh từ những ngày chở vợ đi lang thang các hẻm, phố tại TP.HCM tìm quán cơm chay giá rẻ ăn cho qua bữa. Anh muốn sau mình, không còn ai phải trải qua nỗi khó khăn như thế.

Chị Lan kể: “Những tháng ngày cơ cực, vợ chồng tôi làm quần quật vẫn không đủ nuôi nhau. Để tiết kiệm, mỗi ngày, hai vợ chồng tôi thường chở nhau đi tìm những quán cơm chay từ thiện, giá rẻ từ 2000- 2.500 đồng/dĩa để ăn. Nếu ăn không no, chúng tôi uống thêm nước vào cho no chứ không dám ăn dĩa cơm bình thường. Sau này, khi chúng tôi không phải chạy ăn từng bữa nữa, anh ấy vẫn luôn nhớ về tháng ngày cơ cực ấy. Mỗi khi thấy ai đó khổ, đói ăn… anh lại cầm lòng không được. Thế là anh phát tâm mở quán cơm chay từ thiện để giúp những người khó khăn hơn mình”.

{keywords}
Ngày còn tại thế, anh Cường hy sinh cả kinh tế gia đình để chăm lo cho những người khó khăn hơn mình.

“Một hôm, anh nói với tôi: “Mình bôn ba cả đời cũng không có đồng dư. Thấy cảnh người xung quanh mình khổ, cũng như mình ngày trước đi tìm quán cơm chay để ăn mà không có, tôi cầm lòng không được. Bây giờ, tôi với bà phát tâm mở quán cơm chay. Mình nghèo thì đã nghèo sẵn rồi còn sợ chi nghèo thêm nữa. Nghèo cỡ này rồi, ông trời không cho mình nghèo thêm nữa đâu”, chị kể.

Lúc ấy, hai người đang phải nuôi 4 đứa con ăn học, khó khăn chất chồng. Nhiều lúc chị còn không biết “lấy đâu ra tiền” để đóng học phí cho con. Thế nhưng, biết chồng thương người, ấp ủ tâm nguyện thiện nguyện từ lâu, chị Lan gật đầu đồng ý. Ngày “tìm vốn” mở quán cơm, hai vợ chồng “lục tung” mọi thứ chỉ “vét” được đúng 1 triệu đồng chẵn.

“Vốn ít, chúng tôi làm theo khả năng của mình. Ban đầu, mỗi phần ăn, tôi bán với giá 5000 đồng. Mục đích của anh là hỗ trợ bữa cơm chay giá rẻ cho những người lao động nghèo xung quanh khu tôi ở ăn. Ai đến ăn, chúng tôi cũng bán với giá 5000 đồng/phần. Thật bất ngờ, khi vừa mở quán, có người không quen biết đem gạo đến cho. Tôi mừng lắm vì bớt lại được chút tiền để mua rau, củ về chế biến các món chay”, chị Lan nói.

Thế nhưng, cuộc vui chưa được mấy chốc, người đời đã vội nhấn chị chìm trong nước mắt. Họ cười nhạo, thậm chí gièm pha ý tốt của anh. Chị Lan nhớ lại: “Những người xung quanh nói vợ chồng tôi nghèo mà bày đặt làm từ thiện, bản thân không lo được gì, ăn còn phải xin người ta mà vẽ chuyện lo cho người… Anh bị chửi nhiều lắm, người thân trong gia đình cũng không hài lòng việc làm của anh”.

{keywords}
 

“Có người cay độc hơn. Họ nói rằng, chúng tôi nghèo quá, thiếu tiền ăn nên phải giả vờ làm từ thiện, kêu gọi tiền của của người ta đem về bỏ túi riêng. Thế nhưng anh chỉ cười. Anh thinh lặng trong tiếng cười nhạo của người đời còn tôi nuốt nước mắt vào trong lòng mà tiếp tục. Chúng tôi không thanh minh hay phiền lòng với bất kỳ ai và cứ nhẫn nại, lầm lũi mà làm. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, mình sống thế nào, trước sau gì người ta cũng biết nên không cần phải buồn hay đau lòng. Anh hay nói, ai thương mình mình cám ơn, ai ghét mình, mình cũng cảm ơn cho nhẹ lòng”, chị tâm sự.

{keywords}
 

Chị Lan nói, chị không thể nhớ được chồng mình bắt đầu các hoạt động thiện nguyện từ bao giờ. Chị chỉ biết, cho đến khi ra đi mãi mãi vì Covid-19, anh vẫn cố gắng dặn mọi người tiếp tục tâm nguyện giúp đỡ người khó khăn, nghèo đói còn dang dở của mình. Chị nói, khi còn sống, anh luôn tìm cách “xén” của mình để lo cho người. Anh hy sinh bản thân và cả kinh tế gia đình chỉ để có kinh phí giúp đỡ những người xa lạ khó khăn, thiếu thốn hơn mình.

Khi vợ con hỏi, anh chỉ giải thích rằng, trước kia, anh quá khổ. Anh khổ đến nỗi phải đi xin cơm chay về ăn, quần áo của con cũng phải đi xin mới có cái cho con mặc. Chị Lan kể: “Rồi anh nói, lúc khó khăn, anh nhận được nhiều sự sẻ chia, bây giờ thấy những cảnh đời khó khăn, anh làm ngơ không đành. Anh muốn sẻ chia với người khó hơn mình. Thế là anh dành tất cả tâm tư, hơi sức đi làm từ thiện”.

“Anh bỏ mồ hôi, công sức làm thuê, làm mướn để có tiền mua gạo, nấu cơm, sắm quà… hỗ trợ người nghèo. Anh vận động mọi người quyên góp tiền, hiện vật, tặng xe lăn cho người khuyết tật, xe đạp cho trẻ em vùng khó khăn đi học… Nhiều hôm, vừa đi làm về, anh lại đi thiện nguyện ngay. Gom được bao nhiêu tiền, anh cũng đem đi làm từ thiện hết. Anh nói, tuy mình không có tiền có bạc như mọi người nhưng mình chia sẻ được với những người khó khăn hơn thì cứ chia sẻ. So ra mình còn có cơm ăn ngày 3 bữa, con cái được đi học, vẫn tốt hơn rất nhiều người”, chị kể thêm.

{keywords}
Bấy nhiêu năm trong cõi đời, anh chỉ có tay nải sờn cũ, đôi bộ áo lam bạc màu.

Sống trong tâm thế luôn lo lắng cho cộng đồng, anh Cường "béo" xuề xòa với bản thân. Bấy nhiêu năm trong cõi đời, anh chỉ có tay nải sờn cũ, đôi bộ áo lam bạc màu. Anh cũng đem lối sống cần kiệm ấy vào gia đình với mục đích dành được thêm một số tiền để lo cho người. Chị Lan tâm sự: “Cưới anh bấy nhiêu năm, chưa bao giờ anh mua cho tôi bộ quần áo mới. Đến sinh nhật tôi, mấy con tôi hỏi: “Bố có tặng hoa hay quà cho mẹ không?”, anh cũng chỉ nói: “Mẹ không thích hoa hòe gì đâu. Mẹ con bình dị lắm”.

“Tôi không buồn, không giận cũng chẳng tủi thân. Thâm tâm tôi biết, anh thương tôi lắm. Sống bên nhau chừng ấy năm, anh chưa nặng lời với tôi một lời. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, anh đều đưa vai gánh vác, tôi chỉ lo mỗi việc lên món, nấu cơm cho quán ăn. Anh cũng là người cha thương yêu con hết mực nhưng luôn hướng con đến cuộc sống giản dị, tiết kiệm để có thể san sẻ với mọi người”.

“Con thích ăn món gì đó đắt tiền, anh liền khuyên: “Thôi con, để số tiền mua món này nhường lại cho những bạn khác thiếu may mắn hơn. Mình ở nhà, có cơm ăn là được rồi”. Con muốn mua quần áo đẹp, anh lại nói: “Đồ cũ người ta cho còn tốt, con ra chọn cái nào mặc vừa thì lấy mặc tạm, để phần tiền ấy san sẻ với người khác nhé”... Bao năm qua anh vẫn vậy cho đến khi qua đời”, chị Lan nói với giọng trầm buồn.

{keywords}
 

Giản dị và khiêm tốn, nhưng gia đình anh Cường "béo" lắm lúc “bị thiên hạ” hiểu lầm là giàu ngầm. Bởi, “thiên hạ” luôn thấy anh liên tục phát cơm từ thiện, chở gạo, quà… đi khắp nơi, thậm chí đi tỉnh để tặng người nghèo. Thế rồi, sau lời khinh khi, người ta lại bảo “Cường "béo" giàu sụ mà giấu”. Bởi, “chỉ có giàu mới làm từ thiện như thế”. Đặc biệt là sau khi anh bỏ tấm bảng bán cơm chay giá 5000 đồng/suất để thay vào đó cái thùng tiền tùy tâm.

Chị Lan kể rằng với giá 5000 đồng/suất cơm, anh chị gặp vô vàn khó khăn trong việc duy trì hoạt động của quán cơm chay xã hội Cường "béo". Thế nên, quán chỉ có chị Lan và chồng nỗ lực hoạt động từ khâu mua thực phẩm, lên món, nấu thành phẩm. Mỗi sáng, chị Lan bắt đầu nấu cơm từ 4h sáng đến chiều tối. Anh Cường cũng tranh thủ ra chợ Bình Điền để mua rau củ cho rẻ mà chất lượng. Anh phải tính toán bởi, anh chị đã quyết định bỏ mức giá 5000 đồng/suất cơm để người nghèo ăn miễn phí, trả tiền tùy tâm.

{keywords}
 

“Sau này, tôi bỏ mức giá trên và để ở quán cái thùng tiền cơm tùy tâm. Tôi nấu xong, dọn món lên để mọi người tự chọn thức ăn như kiểu buffet. Ăn xong mọi người tự bỏ tiền vào thùng tùy hỷ này. Ai có thì bỏ, ai không có thì thôi, cứ ăn no thì tự động ra về. Sau này, khi anh gửi cơm cho các khu cách ly, phong tỏa, tôi cũng một mình đứng nấu. Mỗi ngày, một mình tôi đứng canh lửa, chỉnh gas 3-4 cái bếp để nấu các phần cơm. Mấy đứa con tôi xúm lại giúp cắt rau, gọt củ… Hàng xóm ai thương thì ghé giúp sức vo gạo, nhặt rau”, chị Lan nói.

Quán cơm của anh đặt tại căn nhà nhỏ xíu, lọt thỏm trong con hẻm hai xe chẳng thể tránh nhau. Thế mà quán lúc nào cũng đông khách. Mười mấy năm qua, quán cơm luôn là địa chỉ thân thuộc của sinh viên, học sinh và hàng ngàn người nghèo tại TP.HCM.

Ít ai biết rằng, quán ăn ấy cũng chính là nơi cả gia đình 7 thành viên của anh sinh sống, ngủ nghỉ. Chị Lan cho biết, trước đây, chị và chồng thuê trọ. Tuy nhiên, sau khi người chị không chồng con của mẹ anh Cường già yếu, không ai chăm sóc, vợ chồng chị dọn về ở nhờ. Tại đây, anh chị vẫn trả tiền thuê nhà và lo cơm nước, thuốc thang cho bà. Khi mở quán ăn, anh chị biến căn phòng rộng chưa đầy 20m2 thành nơi phục vụ cho khoảng 30 khách.

“Người ta luôn nói chúng tôi giàu có nhưng đâu thấy cảnh gia đình 7 người sống ở nơi ngày là quán, tối là giường. Ban ngày, chúng tôi dọn bàn ra bán cơm. Đêm xuống, chúng tôi xếp lại làm chỗ ngủ. Cả 7 người cùng nhau ngủ dưới nền nhà, nằm xếp lớp như cá mòi. Mười mấy năm nay, đến cái cửa nhà, chúng tôi cũng không làm vì không có gì để sợ bị đánh cắp cả. Nếu chúng tôi có lòng tham, muốn lợi dụng lòng nhân của người hảo tâm, chúng tôi đã có nhà lầu để ở, xe ô tô để đi rồi. Thế nên, ai nói chúng tôi giàu có hoặc lợi dụng lòng nhân ái của người khác để bỏ túi riêng, tôi cũng không thanh minh. Sự thật nói lên tất cả”, chị Lan nói.

Anh Cường phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 16/8. Sau đó, cả gia đình anh gồm vợ và một số người cũng dương tính với Sars-Cov-2, phải đi cách ly, điều trị. Hôm 17/8, anh được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị và mất vào ngày 22/8. Chị Lan đau đớn kể, mọi việc trong nhà đều do một tay anh Cường chăm lo. Thế nên khi anh ra đi, chị sụp đổ. Hơn thế, khi còn sống, anh dành hết tâm tư, vật chất để làm thiện nguyện nên khi mất, anh không để lại gì cho mẹ con chị.

Chị Lan chia sẻ: “Anh ra đi không để lại tài sản gì vì có bao nhiêu anh đã dồn hết vào việc thiện nguyện. Có chăng, anh chỉ để lại nhân đức và tấm lòng vì cộng đồng mà thôi. Lúc còn sống, anh luôn tâm niệm sẽ duy trì hoạt động của quán cơm. Anh luôn nói đừng bao giờ xem nhẹ giá trị của một quán cơm từ thiện nhỏ bởi nó đã hỗ trợ bữa cơm cho biết bao người khó khăn, sinh viên, lao động nghèo… Anh giúp người khuyết tật có xe lăn, trẻ em nghèo có xe đạp, sách vở, người dân nghèo có cầu dân sinh… Với chúng tôi, đó là những hạt nhân đức lấp lánh anh để lại giữa cõi đời này”.

{keywords}
 

Tham gia tuyến đầu chống dịch, Nguyễn Vũ Kim Như (sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Dược TP.HCM, con gái anh Cường) giấu nỗi đau mất cha trong lớp áo bảo hộ rộng thùng thình. Dưới lớp khẩu trang, nước mắt hòa vào những giọt mồ hôi giúp em tạm thời che giấu nỗi buồn nhớ cha để tiếp tục công việc hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.

Như nói: “Hình ảnh của bố trong tôi khi còn bé là người cha dịu dàng trong hình hài to lớn. Với nhiều người, người bố tốt sẽ luôn có mặt trong những sự kiện quan trọng, dành nhiều thời gian cho bữa cơm gia đình, trò chuyện cùng con gái... Với tôi, đôi khi bố lại thiếu vắng những điều ấy. Đó là những lúc bố chạy đi lo áo quan, tang sự cho những hoàn cảnh khó khăn vừa mất đột ngột, những mùa thiên tai lũ lụt, bố đi giúp đồng bào khó khăn suốt cả tháng ròng…”.

“Thời gian của bố chỉ đủ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và những cuộc gọi vội vã về nhà hỏi thăm vợ con. Nhiều khi gọi về nhà, bố chỉ kịp hỏi: “Nhà còn gạo không?”. Bố lo bếp cơm ở nhà không đủ kinh phí hoạt động để giúp đỡ những anh chị sinh viên nghèo, cô bán vé số, chú công nhân... Điều đó không có nghĩa là bố vô tâm với gia đình. Bố vẫn luôn làm tròn trách nhiệm một người cha. Nhưng tình thương bố bao la lắm, bố thương hết thảy những mảnh đời bất hạnh, luôn sẵn sàng giúp đỡ dù có khó khăn, xa xôi đến nhường nào”, Như chia sẻ thêm.

{keywords}
Những ngày này, Kim Như đang cùng tuyến đầu chống dịch.

Như nhớ như in hình ảnh bố khoác bộ áo lam, tay đeo tay nải sờn cũ với đôi chân trần mỗi khi đi làm từ thiện. Những buổi sáng thức dậy, không thấy anh Cường, Như biết ngay rằng hôm ấy, bố lại chạy về miền Tây lo cho bà con bị chất độc màu da cam, đi xây cầu từ thiện... Em nói, dù không có nhiều thời gian bên bố, nhưng mỗi chị em trong gia đình đều cảm nhận được hơi ấm tình thương mà bố dành cho mình.

“Bố không bao giờ nói ra nhưng tôi biết, bố thương chúng tôi rất nhiều. Bố tự hào khi một đứa nào đó được học sinh giỏi. Bố không bao giờ quên sinh nhật của cả 4 đứa con gái dù chẳng nhớ nổi sinh nhật mình. Lúc tôi đậu Đại học Y Dược TP.HCM, bố mừng đến nỗi đi khoe với tất cả mọi người. Bố đăng tin ấy lên mạng xã hội, gặp ai bố cũng khoe là con gái bố học ở trường điểm trong khối ngành sức khoẻ. Nhưng đến lúc hai bố con nói đến học phí, bố hơi buồn vì lo không biết có đủ khả năng đóng cho trường đúng lịch hay không. Mỗi khi nhận được tin học phí, hai bố con cứ im lặng nhìn nhau”, Như kể.

Ngày anh Cường dương tính với Sars-Cov-2, khó thở, Như xin được về kề cận, đưa bố vào bệnh viện dã chiến. Ngồi trên xe cấp cứu, tim em quặn thắt theo nhịp thở nặng nề, khó nhọc của cha. Dù rất mệt, anh Cường vẫn không hỏi gì đến sức khỏe bản thân. Anh tìm cách trấn an con gái rồi nhắc con cố hoàn thành công việc anh đang dang dở. Như kể: “Hôm ấy, bố mệt lắm nhưng bố không quên trấn an và nhắc nhở tôi phải giúp bố hoàn thành những công việc ông còn dang dở”.

“Bố nhắc tôi phải giúp bố đưa những chiếc bánh mì đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông không hề than vãn, lo sợ về sức khỏe của mình. Hôm đó, bố cũng hứa sẽ về. Thế mà… Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tin là bố đã ra đi”, Như nói trong nước mắt và cho biết, sẽ quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để “bố tự hào”, để “không ai phải chịu mất mát nữa”.

{keywords}
 

Ngay sau khi biết tin anh Vũ Quốc Cường ra đi trong lúc hỗ trợ người dân chống dịch, rất nhiều người có lòng hảo tâm đã ủng hộ gia đình anh thông qua  chương trình Tiếp sức đẩy lùi đại dịch cùng VietNamNet. Tính đến thời điểm hiện tại, báo đã nhận được số tiền ủng hộ lên đến 247,4 triệu đồng. Báo VietNamNet đã thay mặt những tấm lòng hảo tâm trao gửi số tiền trên cho gia đình anh Cường "béo".

Trên VietNamNet, nhà báo Quốc Phong viết, anh Cường xứng đáng được phong liệt sĩ.  Nhà báo Quốc Phong nhận định, những việc làm của anh Cường "béo" cho thấy anh đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do đó, anh đề nghị chính quyền sở tại cùng các sở, ngành và lãnh đạo TP.HCM xem xét, đề nghị Bộ LĐTB&XH trình lên cấp trên thật sớm để có thể công nhận anh Vũ Quốc Cường là liệt sĩ. 

Ngoài ra, nhà báo Quốc Phong cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên truy tặng huân chương Lao động cho anh Cường. Bởi, không chỉ dịp này mà trong nhiều năm qua, anh Cường là người hoạt động xã hội hết sức tích cực, đã hy sinh cả đời sống vật chất gia đình vì mọi người. “Đây là cách làm vô cùng cần thiết để giúp cả xã hội truyền đi cảm hứng sống tích cực, thấm đẫm sự đùm bọc và yêu thương trước đại dịch”, nhà báo Quốc Phong nhận định.

Những đề xuất trên của nhà báo Quốc Phong nhận được sự đồng tình, chia sẻ lớn từ đông đảo bạn đọc. Đa số bạn đọc cho rằng, cơ quan chức năng nên vinh danh những tấm gương sáng như anh Cường để lan tỏa và nhân rộng nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Thậm chí, một số người đọc còn muốn chính quyền TP.HCM tạo điều kiện, chăm lo đời sống cho gia đình anh Cường để người có tấm lòng nhân hậu như anh được yên nghỉ.

Ngày 28/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn đến chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ anh Vũ Quốc Cường.

Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự buồn thương khi biết tin anh Vũ Quốc Cường đã ra đi và gửi gắm những lời động viên tới gia đình anh:  "Những ngày làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.

Với lẽ đó, tôi mong chị cùng các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình”.

{keywords}
 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần một Việt Nam.

Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường.

Nhận thư của Chủ tịch nước, gia đình chị Lan rất xúc động. Chị cho biết, đây là sự an ủi lớn lao mà gia đình chị vinh dự nhận được trong thời gian tang thương đầy đau đớn này.

“Chồng tôi có tâm nguyện làm từ thiện để chia sẻ khó khăn giúp đỡ người nghèo, xuất phát từ tình yêu thương bao la của anh dành cho mọi người. Tôi và gia đình vẫn không ngờ khi anh ra đi, mẹ con tôi nhận được sự chăm sóc, thăm hỏi và động viên cao quý như vậy. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả được sự xúc động và biết ơn này. Đây là động lực lớn lao để gia đình chúng tôi vơi bớt đau buồn, cố gắng đứng lên bước tiếp con đường anh đã chọn. Tôi và các con đồng cúi đầu cảm tạ và tri ân sâu sắc tình thương yêu từ cộng đồng, sự quan tâm chia sẻ từ Chủ tịch nước”, chị Lan chia sẻ.

Vẫn đang còn rất nhiều người, nhiều tổ chức hết lòng vì người khác trong đại dịch. Chúng ta tin rằng sự tử tế luôn hiện hữu, đặc biệt trong khó khăn. Điều đó giúp chúng ta tin và hy vọng đại dịch rồi sẽ qua, nhưng tình người thì luôn còn mãi. Và, những tấm lòng nhân ái như anh Cường "béo" sẽ là ngọn đuốc sáng truyền đi cảm hứng sống tích cực, thấm đẫm sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau trong đại dịch. 

Hà Nguyễn 

Chủ bếp ăn từ thiện Cường 'béo' qua đời: Vợ xuất viện chờ nhận tro cốt chồng

Chủ bếp ăn từ thiện Cường 'béo' qua đời: Vợ xuất viện chờ nhận tro cốt chồng

Trước khi qua đời vì Covid-19, anh Cường 'béo' vẫn bình thản gửi lời động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục giúp đỡ người khó khăn, nghèo đói.