Sáng nay, Đạt trở lại công ty sau 20 ngày bị cách ly. Anh Phúc đi gặp mặt đối tác để thông báo Sơn Lôi đã an toàn, còn bà Nhưng sẽ tự tin trả những bộ quần áo đã may xong cho khách từ lâu.

Cuộc điện thoại của chủ tiệm ảnh cưới

Ngày 3/3, anh Nguyễn Tiến Dũng (SN 1982), chủ một tiệm ảnh cưới ở Sơn Lôi, nhận được một cuộc điện thoại của khách hàng. Đây là cuộc điện thoại đặc biệt đối với anh bởi nó là của một cặp đôi xã Sơn Lôi thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 8/3 âm lịch tới đây. 

Trước đó, họ là một trong 6 cô dâu, chú rể từng gọi điện đặt hàng anh chụp ảnh cưới nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày vui của cặp đôi bị hoãn lại. 

{keywords}
Anh Nguyễn Tiến Dũng

Những ngày Sơn Lôi bị cách ly, anh Dũng giết thời gian bằng cách chỉnh, sửa lại các ảnh cưới đã chụp từ trước, để đợi đến khi các cặp đôi tiếp tục tổ chức đám cưới, lại trả ảnh cho khách hàng. 

Ảnh cưới được chỉnh sửa xong, anh Dũng sẽ gửi xuống một xưởng in ở Hà Nội để in ảnh cho khách. Ảnh sau khi in sẽ được chuyển về khách hàng ở Sơn Lôi. Tuy nhiên từ ngày xã của tỉnh Vĩnh Phúc này bị cách ly, việc in ảnh của anh bị đình trệ.

‘Muốn ra khỏi xã phải xin giấy chứng nhận từ chính quyền và đó phải là những lý do quan trọng, cấp bách’, anh nói.

Anh tỏ ra khá tiếc nuối bởi Sơn Lôi bị cách ly vào mùa cưới - thời điểm anh làm ăn tốt nhất trong năm. 

{keywords}
Ngày 4/3 anh Dũng bắt đầu mở cửa tiệm chụp ảnh cưới sau nhiều ngày Sơn Lôi bị cách ly

Một số cặp đôi có thể đợi qua dịch để tổ chức nhưng cũng có cặp đôi chỉ chọn được ngày, tháng đó phù hợp nếu bị hoãn năm nay họ phải chờ sang năm sau.

Ngày 4/3, Sơn Lôi được mở cửa trở lại, công việc của anh Dũng cũng bắt đầu khởi động lại.

‘Đợt này chỉ có lo là tăng tiền điện’, anh Dũng nói vui về cuộc sống gia đình trong ngày ở tâm dịch. Trẻ con ở nhà, buồn chán lại xem điện thoại, tivi dù bố mẹ có hạn chế để tránh hại mắt.

Anh thừa nhận, cuộc sống của họ diễn ra khá bình thường trong 20 ngày qua tuy nhiên không tránh khỏi tâm lý lo lắng, đề phòng.

Anh kể: ‘Bố vợ của tôi cẩn thận lắm. Nhà ông có vườn rau, sang cho cháu củ su hào, mớ rau cải… ông đều để trước cửa nhà các con, sau đó mới gọi điện cho con ra lấy. Ông không vào nhà, không tiếp xúc để đảm bảo an toàn cho các cháu’.

{keywords}
 Cuộc sống người dân xã Sơn Lôi đang dần trở lại bình thường

Các thực phẩm, vật dụng sinh hoạt đối với gia đình anh không quá thiếu thốn vì họ có thể đi chợ, cửa hàng tạp hóa ngay trong xã. Mặc dù vậy, trước thời điểm cách ly, vợ anh quá lo lắng đã đi mua hết 3 triệu đồng tiền thức ăn tươi và các thực phẩm khô đến nỗi ‘tủ lạnh còn không có chỗ mà chứa’.

‘Phụ nữ thường hay lo xa như vậy’, anh cười nói.

Những bộ quần áo ‘tự cách ly’

Sáng hôm nay, cửa hàng may và sửa chữa quần áo nằm ở mặt đường thôn Ngọc Bảo của bà Nguyễn Thị Nhưng sẽ mở cửa để trả hàng cho khách. Chỗ quần áo này bà Nhưng đã may xong từ lâu nhưng chưa dám trả vì bà ‘kiêng’ tiêu tiền từ tay người khác trong thời điểm này.

Từ khi Sơn Lôi bị cách ly, bà Nhưng cũng không nhận thêm quần áo của khách nữa.

{keywords}
 
{keywords}
Vợ chồng ông Đồng, bà Nhưng

Cuộc sống gia đình ông Đồng, bà Nhưng những ngày này khá xáo trộn. Việc khiến họ lo lắng nhất là một lần đi lễ ở nhà thờ, bà Nhưng nhìn thấy con gái của mình khoác tay một nữ sinh là bạn thân của một người bị nhiễm virus Covid-19. Thời gian người bạn này đi cách ly tập trung cũng là thời gian con gái bà Nhưng bị bố mẹ yêu cầu tự cách ly tại nhà. 

Nữ sinh được mẹ yêu cầu ở yên trên tầng 3, không được xuống dưới nhà trong suốt hơn 10 ngày. Đến bữa, bà Nhưng đưa cơm lên tận phòng cho con gái ăn, sau bà lại dọn bát đũa xuống để rửa.

‘Đến nỗi, hàng xóm hỏi tôi mấy ngày nay không thấy cái D., con gái tôi đâu. Tôi tự cách ly như thế để tránh cho con cũng là để tránh cho cộng đồng. Đặc biệt, trước đó, gia đình tôi còn có quán nước nhỏ, đội thợ xây ngày nào cũng sang ngồi.

Nếu con gái tôi dương tính với virus thì cũng sẽ có rất nhiều người nhiễm bệnh. Sau khi người bạn mà con tôi có tiếp xúc nhận kết quả âm tính, tôi mới cho con gái tôi ra khỏi nhà’. Bà bảo, nhà bà chỉ có mỗi một đứa con gái. 

{keywords}
Ngày 4/3, gia đình bà Nhưng sẽ bắt đầu trả những bộ quần áo cho khách sau 20 ngày xã Sơn Lôi cách ly

Sơn Lôi bị cách ly từ ngày 13/2 thì ngày 15/2, ông Đồng bị ngã gãy chân khi làm thợ hồ cho căn nhà đối diện cửa hàng may của vợ. ‘Gần như ngay lập tức, tôi được xe cứu thương của Trạm y tế xã đưa lên bệnh viện huyện. Tại viện, tôi được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, bác sĩ hỏi có sốt, ho hay không rồi bó bột chân cho tôi’, ông Đồng nhớ lại. 

Suốt 20 ngày cách ly, gia đình bà Nhưng gần như đóng kín cửa trong nhà. Chỉ có bà là sáng sáng xách làn đi chợ. Mỗi khi ra khỏi nhà, bà đeo 2 chiếc khẩu trang, quàng thêm chiếc khăn trùm kín mặt. Bà cũng nghỉ đi lễ nhà thờ và các đám ăn cỗ. Bà nhắc đi nhắc lại là phải cực kỳ cẩn thận cho cả mình và mọi người xung quanh. Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, bà bảo ‘tiền nhiều để làm gì đâu’.              

Những cầu thủ trên sân bóng Sơn Lôi

18 giờ ngày 3/3 - chỉ cách thời điểm tuyên bố gỡ cách ly xã Sơn Lôi, ông Nguyễn Duy Khải, 65 tuổi - một cán bộ công an đã về hưu - ngồi thư thả xem trận bóng của mấy thanh niên trong xã. Đây là trận bóng đầu tiên sau 20 ngày cách ly của thanh niên xã Sơn Lôi. Như tất cả mọi người, đám thanh niên tuân thủ tuyệt đối yêu cầu không tụ tập chỗ đông người của chính quyền.

Trước ngày cách ly, mỗi buổi chiều, tại sân bóng cỏ nhân tạo do tư nhân đầu tư này, mỗi ngày diễn ra 1-2 trận bóng. Việc của ông Khải là trông nom và thu tiền.        

Gia đình ông có tất cả 5 khẩu - vợ chồng ông, vợ chồng anh con trai và đứa cháu. Trước ngày Sơn Lôi bị cách ly, con trai ông - đang là bộ đội đóng quân gần đó - cũng đã bị cách ly ở doanh trại cùng đồng đội. Ông nghe nói một người ở đơn vị anh có vợ từ Hàn Quốc trở về. Con dâu ông Khải là giáo viên mầm non trong xã. Dĩ nhiên, Sơn Lôi không bị cách ly thì chị cũng ở nhà suốt từ khi học sinh được nghỉ học.

Tuy vậy, ông Khải bảo ‘cuộc sống cũng chẳng có gì thay đổi nhiều’. Về cơ bản, lương thực trong xã tự cung tự cấp cũng đủ. Thỉnh thoảng, một số người bán có lấy thêm hàng từ bên ngoài vào thì gọi điện rồi người ta mang đến, đưa qua chốt chặn.

{keywords}
Thanh niên xã Sơn Lôi chơi bóng chiều ngày 3/3

‘Giá cả vẫn như cũ, không tăng. Thịt vịt còn rẻ hơn bình thường, có 35 nghìn/ cân vì không bán cho bên ngoài được’ - ông kể. ‘Người dân hạn chế đi lại lắm. Mỗi ngày lại có nhân viên y tế đến đo thân nhiệt, thăm khám một lần. Nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài xã tặng chúng tôi mỳ tôm, nước rửa tay…’

Nghỉ giải lao giữa trận, anh Phúc, 37 tuổi, ngồi cùng đám thanh niên ở một góc sân. Anh chia sẻ, việc đầu tiên anh làm sáng hôm nay là đi gặp gỡ đối tác. ‘Chủ yếu để người ta biết là khu vực của mình đã an toàn, đã hết dịch rồi, chứ làm việc trở lại thì chắc phải 1-2 tháng nữa’.

Anh giải thích, ‘vì bây giờ có đi làm, người ta cũng e ngại. Mình cũng không được thoải mái’.

Từ khi Sơn Lôi bị cách ly, anh cũng nghỉ làm luôn vì hầu hết công trình sơn bả của anh đều ở trên TP. Phúc Yên. Vợ anh là công nhân ở Khu Công nghiệp Bình Xuyên cũng được công ty cho nghỉ ở nhà. ‘Mình làm tự do, nghỉ thì không có tiền. Còn vợ mình thì được công ty hỗ trợ 70% lương’.

Với gia đình anh, 20 ngày bị cách ly không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống. ‘Các hoạt động giao thương trong xã vẫn bình thường, chỉ có kinh tế gia đình thì bị ảnh hưởng chút ít nhưng không đáng kể. Công ty và Nhà nước hỗ trợ được cho chút nào thì tốt chút ấy. Nếu không có đồng hỗ trợ nào thì mình cũng chấp nhận thôi, vì mình không đi làm mà’.

Ở một góc sân khác, Tiến Đạt, 20 tuổi cũng đang chuẩn bị về ăn tối sau trận bóng sảng khoái với đám bạn cùng thôn.

Đúng kiểu tếu táo của người trẻ, Đạt nói đùa: ‘Ôi, em còn đang muốn nghỉ tiếp đây này. Ở nhà chơi mà em được nhận 190 nghìn/ ngày - 150 nghìn công ty hỗ trợ, 40 nghìn Nhà nước hỗ trợ’. Đạt và đám bạn cười vang.

Cả bọn đều ý thức được là Sơn Lôi đang ‘hot’ như thế nào mấy ngày qua. Cậu và chục thanh niên khác đều ở cùng thôn Lương Câu. Người vẫn đi học, người đã đi làm. Đạt bảo, hầu hết thanh niên trong xã đều đi làm công nhân như cậu.

{keywords}
Sáng 4/3, chợ ở ngã 3 thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi đã nhộn nhịp trở lại

Từ khi Sơn Lôi bị cách ly, một ngày của Đạt bắt đầu từ sát giờ trưa. ‘Nghỉ làm, chẳng có việc gì, em ngủ nướng đến trưa. Dậy ăn cơm xong, đến chiều đi chơi bóng ở sân đất của thôn hoặc chơi cầu lông với bố em, rồi lại đến giờ ăn tối…’

Hôm nay, Sơn Lôi gỡ cách ly. Đạt sẽ quay trở lại với công việc ở nhà máy lắp ráp camera điện thoại mà mỗi tháng cậu nhận được đều đặn 6,5 triệu tiền lương.

Nhưng cũng giống như ông Khải và anh Phúc, Đạt cũng bùi ngùi khi nghĩ đến việc sẽ đón nhận phản ứng từ người lạ khi nói mình tới từ Sơn Lôi trong những ngày tới. ‘Chắc phải mất vài tháng người ta mới quên được cái tên Sơn Lôi’ - Đạt bảo.

Cuộc sống du học sinh Việt ở tâm dịch Hàn Quốc

Cuộc sống du học sinh Việt ở tâm dịch Hàn Quốc

Sống ở ngay tâm dịch Daegu, Lợi cho biết cuộc sống của bản thân và người dân có những ảnh hưởng rõ rệt.

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo