{keywords}
Gần 10 năm qua, ông Kính tình nguyện nhặt rác, khơi thông dòng chảy giúp người dân không bị ngập nước. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Gần 10 năm vớt rác, khơi thông ống cống

Đồng hồ điểm 12h trưa, ông Vương Văn Kính (SN 1947, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) mới nổ máy xe, trở về nhà. Trước hiên nhà, ông cởi vội chiếc áo đẫm mồ hôi, treo lên đầu tủ rồi nói mình mới đi sửa chữa những miệng cống, hố ga hư hỏng trên địa bàn.

Gần 10 năm nay, ông Kính liên tục vớt rác, thông cống ở một số kênh trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh. Ông kể, trước đây, người dân phường Hiệp Bình Chánh sống trong cảnh ngập nước nặng nề.

“Cách đây nhiều năm, độ tháng 9 âm lịch là khu vực này ngập nước nghiêm trọng. Những tháng này, bà con phải đi lại bằng ghe rất cực khổ. Mỗi lần đưa con đi học, tôi cũng phải chèo ghe sát vào bậc thềm, cho xe máy lên ghe rồi đẩy ra đường lớn”, ông Kính kể.

“Mùa nước nổi” ở giữa phố kéo dài đến Rằm tháng Giêng âm lịch. Năm nào, người dân nơi đây cũng ăn Tết trong cảnh nước ngập đến đầu gối, vật dụng, nhà cửa đều hư hỏng.

Khi chính quyền làm đê, đắp cống ngăn triều cường, ông xung phong tham gia đội quản lý đê nhân dân.

{keywords}
Ông Kính tự hào “khoe” mình thuộc tổ Quản lý đê nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Tham gia lực lượng này, dù đã cao tuổi, ông Kính vẫn xung phong nhận nhiệm vụ đi kiểm tra cống, đê ngăn triều cường.

Ông chia sẻ: “Mỗi đợt triều cường, tôi đều có lịch đóng cửa cống ngăn triều cường. Nhiệm vụ của tôi là đi kiểm tra, chỗ nào dòng chảy bị kẹt thì xử lý, chỗ nào ngập phải bơm nước ra cho người dân”.

Trực tiếp quản lý đê điều, ông Kính phát hiện khu dân cư bị ngập nước do rác thải làm nghẹt cống, khiến nước không thể thoát đi. Thấy vậy, ông lại tình nguyện trầm mình dưới dòng nước đen vớt rác, khơi dòng để chống ngập.

Ông nói: “Tôi nhận ra, hiện nay, tình trạng ngập là do nước rút không kịp bởi các miệng cống bị rác thải bịt chặt. Dòng chảy bị bóp nghẹt khiến nước không thể rút đi. Để giải quyết tình trạng này, một mặt tôi cùng chính quyền địa phương vận động người dân không xả rác bừa bãi. Mặt khác, tôi tình nguyện đi nhặt, vớt rác”.

Nhiều năm quản lý đê, cống, ông Kính luôn đoán biết thời điểm, vị trí ống cống bị nghẹt trong những trận mưa lớn, triều cường dâng cao. Những lúc như thế, dù mưa lớn, đêm khuya, ông cũng một mình chạy xe đến các vị trí mà ông đoán biết sẽ ngập, nghẹt để vớt rác, khơi dòng.

{keywords}
Nhiều năm qua, ông Kính trầm mình dưới nước để nhặt rác, khơi thông dòng chảy. (Ảnh nhân vật cung cấp).

“Nghe đơn giản vậy thôi nhưng công việc này rất nguy hiểm. Nếu không có kinh nghiệm có thể gặp nguy bất cứ lúc nào. Nước lớn mà cống bị nghẽn thì thế nào cũng ngập. Lúc nước đang lớn, lội xuống miệng cống vớt rác, khơi dòng thì vô cùng nguy hiểm”, ông chia sẻ thêm.

Đánh cược với “tử thần”

Ông Kính nói, hệ thống cống thoát nước tại địa phương có đường kính rất lớn. Mỗi khi mưa to, dòng nước chảy qua cống rất nhiều tạo ra lực hút cực lớn. Nếu không bị nghẽn, sau cơn mưa lớn hoặc triều cường, các điểm ngập nước tại địa bàn sẽ rút hết nước sau 10-15 phút.

Tuy nhiên, trong thực tế, mỗi khi mưa lớn, các ống cống tại đây đều không thể “hoàn thành nhiệm vụ” của mình. Các miệng cống bị rác thải sinh hoạt chặn cứng, dòng nước ứ đọng, tắc nghẽn. Những thời điểm này, ông Kính luôn có mặt kịp thời, tìm hướng xử lý, bất chấp nguy hiểm.

{keywords}
 Sau lần gặp nạn do bất cẩn, bây giờ, ông Kính luôn sử dụng cây để vớt rác tại các miệng cống thoát nước. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ông Kính kể: “Để nước rút nhanh, tôi phải dọn sạch rác, khơi thông dòng chảy. Tôi thường dùng xà beng nạy nắp cống lên rồi trèo xuống dưới làm sạch. Việc này nguy hiểm lắm. Lỡ không may, nắp cống đóng lại hoặc dọn rác không biết cách làm dòng nước bất ngờ được khơi thông, tạo lực hút mạnh, hút mình vào trong là chết chắc”.

Ngay cả bản thân ông, dù có gần 10 năm kinh nghiệm, ông cũng suýt mất mạng trong một lần khơi dòng trước miệng cống thoát nước. Lần ấy, thấy miệng cống bị rác, bãi cỏ làm tắc nghẽn, miệng cống chìm dưới dòng nước đục nên ông chủ quan.

Ông kể: “Do nước đục tôi không nhìn rõ miệng cống và nghĩ rằng rác không nhiều, chỉ cần dùng chân đạp bãi cỏ vào miệng cống là nó sẽ bị nước cuốn đi, dòng chảy được khơi thông. Nào ngờ, tôi mới dùng chân đạp nhẹ, miệng cống hút mạnh bãi cỏ, cuốn luôn tôi vào trong”.

“Trong lúc nguy ngập, tôi quờ quạng, nắm được cây tràm người ta đóng cừ rồi cố níu người lại. Nước cuốn mạnh đến nỗi, quần áo tôi bị trôi tuột đi hết. Nếu không vớ được cái cây, tôi bị cuốn vào trong ống cống, va đập với thành ống thì chỉ có chết”, ông kể thêm.

{keywords}
Ông Kính được chính quyền TP.HCM tặng nhiều bằng khen. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Sau tai nạn ấy, ông đùa rằng mình đã rút ra được bài học “xương máu”. Bây giờ, chỗ nào nước triều cường thổi ra, ông mới dám xuống gỡ rác. Việc khơi dòng trước miệng cống, ông cũng sử dụng cây sào dài để vớt chứ không dùng chân, tay như trước.

Ngoài ra, để giảm thiểu các trường hợp buộc phải xuống cống khơi dòng cực kỳ nguy hiểm, ông Kính chọn việc đi nhặt rác mỗi ngày. Ông nói rằng, việc này sẽ ngăn được rác chặn dòng chảy, góp phần chống ngập.

Mỗi ngày, ông đều đi dọc theo các con kênh, cống thoát nước… nhặt rác. Việc liên tục trầm mình dưới cống, kênh nước ô nhiễm khiến cơ thể, tay chân ông lở loét, mưng mủ…

Ghi nhận hành động nhân văn nói trên, UBND TP.HCM đã tặng ông Kính nhiều giấy khen, bằng khen.

Người cựu binh 6 năm vớt rác, nhặt kim tiêm trên kênh Sài Gòn

Người cựu binh 6 năm vớt rác, nhặt kim tiêm trên kênh Sài Gòn

Mưa lớn, nước kênh dâng đen ngòm, rác thải theo dòng nước kéo vào nhà dân. Thấy vậy, người cựu chiến binh tình nguyện vớt rác, nhặt kim tiêm, khơi dòng kênh đen.

Nguyễn Sơn