Được chủ một khách sạn ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho mượn 9 phòng để đón người khó khăn vào ở miễn phí trong mùa dịch, anh Trần Anh Đức đăng thông tin lên mạng xã hội.

Những ngày sau đó, điện thoại của anh đổ chuông tới tấp. Trong đó có không ít cuộc gọi của các chủ nhà trọ. “Họ nói sẽ đuổi người thuê ra ngoài và hỏi chỗ tôi có chứa được không. Tôi không biết lý do tại sao nhưng thấy rất xót xa”.

Tiếc là, đến bây giờ, phía anh Đức vẫn chưa lo xong thủ tục để đưa người vào ở khách sạn miễn phí kia. 

{keywords}
Anh Đức cùng mọi người vận chuyển lương thực tặng cho dân nghèo.

Là quản lý một phòng gym ở Hà Nội, công việc của Trần Anh Đức (Hà Nội) bị đình trệ suốt nhiều tháng nay. Trước đó, anh cũng là một người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nhưng chưa khi nào anh thấy công việc này lại phức tạp và nhiều cảm xúc như thời điểm này.

Người đàn ông sinh năm 1988 cho biết, qua các cuộc gọi đến xin ở nhờ, anh thấy người thuê trọ, đặc biệt là sinh viên, phải rời nhà trọ rất nhiều. Thương hoàn cảnh của những người khó khăn không nơi nương náu, anh liên hệ với rất nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Nội đang có phòng bỏ không để xin cho người vào ở miễn phí. Nhưng rất ít nơi đồng ý.

“Mình cũng không trách được họ. Nếu là ngày thường không có dịch bệnh thì có thể còn dễ dàng hơn. Dịch bệnh đang như thế này nên chủ nhà cũng lo bị lây nhiễm và phiền toái nếu xảy ra chuyện gì. Có duy nhất 1 nhà đồng ý thì chúng tôi lại đang chưa lo thủ tục xong với chính quyền”.

Anh Đức cho biết, vì quy định bây giờ là ai ở đâu ở yên đó nên việc di chuyển 20-30 con người ở một nơi khác đến địa phương là rất khó, vì thế chính quyền cẩn trọng và làm chặt chẽ cũng là điều dễ hiểu.

'Mạnh thường quân cũng đuối rồi'

{keywords}
Nhóm của anh Đức thường phối hợp với chính quyền địa phương để phân bổ lương thực. 

Suốt 4 tháng qua, cùng với các thành viên trong câu lạc bộ Thiện Từ Tâm, gần như ngày nào anh Đức cũng theo xe đi tặng lương thực cho người dân. “Mỗi ngày chúng tôi phát khoảng 100 suất quà khắp các quận huyện Hà Nội”.

Anh Đức chia sẻ, nếu như trước kia, việc kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ 500 nghìn, 1 triệu đồng không khó thì đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã kéo dài 1-2 năm, chính các mạnh thường quân cũng đã đuối sức.

Để tiết kiệm chi phí khi mỗi ngày phải tặng một khối lượng lớn lương thực, nhóm của anh Đức phải mua rau củ tận vườn của nông dân, một là để đảm bảo số lượng lớn, hai là để giảm chi phí.

Mong người nghèo nhận được miếng thịt, con cá

{keywords}
Mỗi túi quà thường gồm gạo, mỳ, lạc, mắm muối...

Trong suốt 4 tháng qua, anh Đức và các thành viên trong nhóm đã đi tới nhiều ngõ ngách của Hà Nội để phân phát lương thực. Nếu như có nơi người dân quý từng cân gạo, gói mỳ được tặng thì cũng có trường hợp khiến nhóm của anh cảm thấy buồn vì cách hành xử.

“Chủ yếu chúng tôi phân phát quà qua chính quyền địa phương, nhưng hôm đó có một bạn nhắn tin cho tôi qua Zalo, nói là ‘anh ơi, em rất cần, vợ em sắp sinh sắp chết đói rồi…’. Nghe vậy, tôi chở hàng đến cho bạn ấy ở Lĩnh Nam. Chúng tôi đi ô tô, vào tận trong ngõ ngách rất khó, nhưng khi đến nơi gọi chục cuộc, bạn ấy không nhấc máy, cũng không ra nhận, không hiểu tại sao” - anh Đức kể về một lần bị “bom” hàng.

{keywords}
Rau củ và giấy vệ sinh cũng là những mặt hàng thiết yếu được nhóm hỗ trợ cho người dân.

Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực đó chỉ là số ít. Phần lớn công việc của nhóm đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện và được người dân hoanh nghênh, cảm kích.

“Bây giờ, mong muốn lớn nhất của cá nhân tôi là người dân an tâm ở yên trong nhà để dịch không bị ‘bùng lên’. Tôi mong tất cả chủ nhà trọ hãy hỗ trợ cho sinh viên, người lao động trong thời điểm này. Có thể không cần phải cho họ lương thực hay miễn giảm tiền nhà, mà hãy cho họ nợ đến khi hết giãn cách hoặc đến khi công việc của họ cải thiện. Tôi mong không có ai bị đuổi ra ngoài đường”.

Ngoài ra, anh Đức cũng gợi ý, nếu các mạnh thường quân có lòng, hãy thử xem xét đến các loại thực phẩm khác để đa dạng bữa ăn cho bà con. “Tôi biết là chi phí cho thực phẩm tươi sẽ cao hơn rất nhiều, nhưng người dân ăn mãi lạc, trứng chắc cũng không ổn. Nếu mạnh thường quân nào làm được việc này, chúng tôi sẵn sàng đưa xe đến bất cứ đâu để vận chuyển hàng đến tận tay người dân”.

{keywords}
Anh Trần Anh Đức - một thành viên của nhóm Thiện Từ Tâm.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Cô gái lai Việt - Thái kể chuyện chống dịch: Bị dân mắng, được dân thương

Cô gái lai Việt - Thái kể chuyện chống dịch: Bị dân mắng, được dân thương

Bật khóc khi bị người dân mắng mỏ, rưng rưng xúc động khi được người dân dúi vào tay lốc sữa... - những trải nghiệm vui buồn đã giúp cô gái 19 tuổi trưởng thành và trân quý cuộc sống hơn.