Chợ heo Bà Rén

Chợ Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) có lẽ là chợ heo đầu mối độc nhất vô nhị. Nơi đây chỉ bán heo con, heo “choai” đi khắp mọi miền đất nước.

Nhiều thương lái đến mua để cung cấp cho nhà hàng làm heo sữa quay, hay có người mua heo giống về nuôi lớn bán thịt…

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 1

Chợ heo Bà Rén ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Dọc theo quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, qua khỏi cầu Bà Rén (cũ) là nhìn thấy chợ heo nằm bên tay phải. 7 giờ sáng là lúc chợ bắt đầu đông đúc.

Người dân chuyên nuôi heo ở các vùng lân cận lần lượt chở heo đến chợ bán cho thương lái.  Khi 2 bên mua - bán đã ngã giá xong xuôi là  lúc tới công việc của chị em - những người chuyên làm nghề bồng heo.

Đến chợ, không khó để nhận ra những chị em làm nghề bồng heo. Họ thoăn thoắt đi lại, bồng heo từ giỏ người bán sang giỏ người mua.

Nhanh như sóc, chị em tháo dây, giở nắp giỏ bồng heo từ người bán bỏ vào giỏ người mua. Cả chục con heo được sang giỏ chỉ trong nháy mắt. Nhận tiền công xong, chị em nghỉ ngơi chờ đến lượt khác.

Giá mỗi lần bồng từ 500-1.000 đồng/con. Cả buổi chợ, 1 người bồng từ 100-150 con, thu nhập khoảng hơn 100.000 đồng. Nhưng để kiếm được số tiền đó cũng trần ai.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 2

Những giỏ heo con, heo “choai” được nông dân mang ra chợ giao dịch

Với những ai có nhu cầu heo con cân kí, chị em ôm con heo ngồi lên cái cân. Cân xong, chị em thả heo vào giỏ của người mua rồi leo lên cân lại. Lần cân trước trừ lần cân sau là ra số kg của con heo.

Bà Phạm Thị .M., một trong những người làm nghề bồng heo lâu năm ở đây cho biết, chợ heo Bà Rén thành lập khoảng năm 1975-1980.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 3

Thương lái và người nuôi heo đang giao dịch.

Chợ có “thâm niên” trên dưới 40 năm thì bà M. cũng đã có vài chục năm gắn bó với nghề bồng heo. Vui buồn bà đều trải qua.

Bà M. kể mình đã làm việc tại chợ này 20 năm có lẻ. Trong hơn 20 năm làm nghề bồng heo, cộng thêm với làm ruộng bà đã nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn dù thu nhập của nghề này không cao.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 4

 

“7 giờ sáng tôi làm việc đến 9-10 giờ là về vì chợ tan, mỗi buổi chợ tôi cũng kiếm được từ 100-150 ngàn tùy buổi chợ đắt ế. Trước dịch tả lợn Châu Phi, lượng heo về chợ nhiều thì công việc cũng nhiều, chứ như hiện nay lượng heo về chợ giảm còn khoảng 30-40% nên thu nhập cũng giảm”, bà M. chia sẻ.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 5

Sau khi người nuôi và thương lái giao dịch xong, heo được những phụ nữ bồng lên xe hoặc sang giỏ khác.

Hầu hết những người phụ nữ làm nghề bồng heo ở chợ này đều có thâm niên trên 10 năm. Chợ chỉ họp trong vài giờ buổi sáng, bất kể nắng mưa. Hết buổi chợ, họ lại về với công việc đồng áng, ruộng vườn mới đủ trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học.

Nghề nào cũng có rủi ro, nghề bồng heo cũng không ngoại lệ. Có người lúc mới ra nghề, chân tay chưa quen bồng heo hay chú heo hơi lớn, quẫy mạnh nên vuột khỏi tay chạy mất, thế là phải đền cho họ.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 6

Những con heo sau khi được giao dịch và đưa lên xe chở đi tiêu thụ.

Công bồng heo chỉ có 1.000 đồng mỗi con. Nhưng nếu để heo vợt mất, chị em phải đền cả mấy trăm ngàn đồng, có khi cả triệu đồng.

Đó là chưa kể làm nghề bồng heo nên quần áo, tóc tai lúc nào cũng có… mùi heo. Xong buổi chợ là về nhà thay quần áo, tắm rửa nhưng mùi heo cứ… ám cả ngày. Nhiều chị em chia sẻ, tuy nghề bồng heo cực khổ, thu nhập không bao nhiêu nhưng có việc làm là vui.

Những chị em làm nghề bồng heo ở chợ này hiện chỉ còn chưa đến 10 người, do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát cuối năm ngoái kéo dài đến đầu năm nay. Người dân chưa tái đàn kịp nên số lượng heo đến chợ giao dịch hiện giảm nhiều so với trước khi dịch, công việc của chị em vì thế cũng ít.

Ở Quảng Nam có nghề đặc biệt: Phụ nữ “bồng heo” - 7

Bữa sáng muộn của những người bồng heo ở chợ.

Bà Nguyễn Thị N. - một trong những người cũng có thêm niên bồng heo ở chợ - cho biết, bà đã theo nghề bồng heo đã mấy chục năm, khi dịch bệnh bùng phát, lượng heo trong dân ít nên heo mang ra chợ cũng ít, vì thế công việc bồng heo “nhàn” hơn nên thu nhập cũng thấp.

Bà N. chia sẻ, nghề này chỉ hợp với chị em phụ nữ, dù thu nhập không cao nhưng mỗi buổi làm việc cũng kiếm được hơn trăm ngàn, cũng lo được chợ búa trong ngày, còn ở nhà thì đã có lúa gạo.

“Làm nghề này không có dư, mỗi ngày thu nhập chỉ đủ bữa chợ là vui rồi. Lúc trước mình làm nuôi con, giờ con cái lớn, đi làm cả rồi lo lại gia đình. Tôi cũng lớn tuổi, tính nghỉ ở nhà để con cái lo nhưng lại nhớ nghề, mỗi ngày lại ra chợ kiếm trăm bạc cũng vui”, bà N. tâm sự.

Ông Phạm Cư - Trưởng Ban quản lý chợ cho biết, chợ này thành lập được khoảng 40-50 năm trước, trung bình mỗi ngày chợ tiếp nhận trên 1.000 con heo được giao dịch qua chợ. Vì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát năm ngoái nên lượng heo hiện giao dịch qua chợ còn khoảng 30%.

“Chợ heo này là đầu mối, là chợ duy nhất có ở Việt Nam. Heo con, heo “choai” từ chợ này được thương lái đưa bằng ô tô đi khắp nơi như Đà Nẵng, TP HCM, các tỉnh Tây Nguyên… để làm heo sữa quay cung cấp cho nhà hàng, quán ăn”, ông Cư cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch xã Quế Xuân 1 - cho biết, hiện lao động chính ở chơ heo Bà Rén còn chưa đến 10 người nhưng có khoảng 50-60 lao động liên quan đến chợ này như bán nước, đan giỏ, quét dọn…

“Dù lượng heo hiện nay giảm chỉ còn khoảng 1/3 so với trước nhưng các lao động vẫn bám trụ, chờ nông dân tái đàn heo, chợ sẽ tấp nập trở lại và thu nhập của những người bồng heo cũng sẽ tăng trở lại”, ông Thành nói.

Bé gái 12 tuổi đi bán vé số gửi tiền về quê cho mẹ nuôi em

Bé gái 12 tuổi đi bán vé số gửi tiền về quê cho mẹ nuôi em

Hơn hai năm dẫn ông ngoại bị mù đi bán vé số, bên cạnh được nhiều cho tiền, bé Lan còn người xấu dụ dỗ đi làm việc xấu.

Theo Dân trí