- Bà Viên Thị Thuận, một giai nhân đẹp nức tiếng khi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội. Câu chuyện tình dẫn đến hôn nhân của bà chẳng dễ dàng nhưng không kém lãng mạn. Chồng bà là PGS.BS Đỗ Đình Địch (1917-2009), nguyên Trưởng khoa đầu tiên, Khoa Hồi sức Cấp cứu (A9), BV Bạch Mai.

Chuyện tình cô nữ sinh Đồng Khánh và chàng sinh viên y khoa

Trong cuộc hành trình tìm về kí ức xưa của Hà Nội, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Để từ đây, những cánh cửa ký ức lần lượt được hé mở...

Trong các câu chuyện tưởng như bất tận của ông Bình, có lần, ông kể về người mẹ của mình, một nữ sinh trường Đồng Khánh danh tiếng xưa. Khi được ông cho xem bức ảnh nữ sinh Đồng Khánh, nghe chúng tôi hỏi: "Những người bạn học của mẹ ông, ngày hôm nay có còn ai không?".

Ông Bình hào hứng trả lời: “Còn chứ, còn bà vợ bác sỹ nổi tiếng của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội là PGS.BS Đỗ Đình Địch”. Ông cho biết: “Bà vẫn rất đẹp, minh mẫn và nhanh nhẹn!”. 

Vào một ngày, sau cơn mưa đầu hè, ông dẫn chúng tôi tìm đến căn nhà xinh xắn ở con ngõ nhỏ đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội - nơi bà Viên Thị Thuận đang sinh sống.

Ở tuổi xưa nay hiếm, người cựu nữ sinh Đồng Khánh lần giở những bức ảnh hiện rõ thứ màu sắc mà người ta thường gọi là màu thời gian cho chúng tôi xem.

Gương mặt bà vẫn phảng phất nét đẹp một thời ngày xưa. Bà trở nên tươi tỉnh khi nhắc về những năm tháng khi còn là một nữ sinh, ở độ tuổi xuân thì.

Ngày ấy, bà là nữ sinh Đồng Khánh (khóa 1938-1942), với vẻ đẹp có tiếng, làm sao mà chẳng nhiều chàng trai nhòm ngó. Có một người thanh niên tên V. đã ngây ngất yêu thầm cô nữ sinh Thuận suốt một thời gian dài.

Anh V. là con trai của một gia đình buôn gỗ giàu có ở Hà Nội, nhưng tính tình rụt rè, kiệm lời, vậy mà mê mẩn cô nữ sinh Đồng Khánh, sống ở phố Hòe Nhai. 

Anh âm thầm nhớ nhung, khao khát được tỏ tình với người nữ sinh ấy mà không đủ mạnh bạo để bày tỏ. Anh chỉ biết dồn hết tình cảm của vào những bức thư. Thời đó, để tránh sự “giám sát” của nhà trường, của người thân, mỗi khi xe kéo (giống xe xích lô) của nữ sinh đi qua, người con trai ấy chạy theo thả bức thư của mình vào trong xe.

“Ông ấy tính hơi nhút nhát, nói chuyện tình cảm thì ấp úng nhưng viết thư thì tình cảm vô cùng”, bà Thuận cho biết.

{keywords}
Ảnh chụp vợ chồng PGS.BS Đỗ Đình Địch - Viên Thị Thuận năm 1954. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vậy nhưng, người con trai dù thật lòng đến đâu, dù say đắm đến đâu, nếu không nói được bằng lời, thì tấm lòng đó cũng khó mà làm cho người con gái rung động - Bà Thuận lý giải. 

Sau này, khi cả hai bên có gia đình rồi, nhưng cái tình cảm đơn phương của người đàn ông dành cho bà ngày nào, cũng đã gây ra vài ba rắc rối, khiến bà Thuận cứ thấy nó khôi hài làm sao?!

Bà Thuận kể: “Vợ ông ấy ghen lắm, mặc dù chúng tôi đã bao giờ yêu nhau đâu. Có lần, tôi đi họp, nơi họp lại gần nhà ông ấy. Hồi đó không có nhiều chỗ gửi xe như bây giờ, tôi bí quá, đành liều quyết định ghé vào gửi chiếc xe đạp. Lúc đó vợ ông ấy đang ở nhà. Bà ta thấy vậy tỏ ý khó chịu lắm. Hình như, bà ấy đã tưởng tượng rằng chúng tôi có gì gì với nhau. Chuyện này, sau có người bạn kể lại tôi mới biết”.

Câu chuyện đó bà Thuận chỉ coi như một kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân. Năm 1940, một người bạn học là Đỗ Thị Hồ, giới thiệu người anh trai của cô đang là sinh viên y khoa, tức bác sỹ Đỗ Đình Địch sau này.

Ngày ấy, nhà bà Thuận ở phố Hòe Nhai (gần Vườn hoa Hàng Đậu bây giờ), còn nhà chàng sinh viên Đỗ Đình Địch ở mãi tận phố Huế. Mỗi lần đến trường, khi có cơ hội, bà đều “lượn” qua nhà ông.

Hồi mới được giới thiệu, tôi đã thấy lòng dạ xốn xang, bởi (bà Thuận kể tiếp): “Chàng là sinh viên y khoa đẹp trai, cao lớn, con nhà gia giáo nên trong lòng thấy nó cứ xao xuyến, bồi hồi làm sao... Khó tả lắm”.

Tuy nhiên, chuyện tình của họ đã nảy sinh không ít trắc trở vì gia đình chàng không thật yên tâm do có sự khác biệt về tín ngưỡng. 

Mãi đến năm 1944, sau một quãng thời gian dài tìm hiểu, thuyết phục, cảm hóa gia đình, bà và bác sĩ Đỗ Đình Địch mới tổ chức được đám cưới.

Đám cưới được tổ chức ở nhà thờ Hàm Long. “Ngày cưới tôi mặc tấm áo dài, đánh phấn, dùng nước hoa của Pháp, đi đôi hài mới. Các phù dâu cũng là những người bạn thân ở trường Đồng Khánh”.

Nhiều năm sau, chồng tôi đã có lần trêu đùa khi nghe tôi kể chuyện ông V:“Sao ngày đó em không đồng ý người ta mà lại chọn anh? (ông V - PV)”. Lúc đó tôi chỉ cười mà không nói gì. Ông ấy làm sao biết, ông là tình yêu đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi", bà nhớ lại. 

Quà biếu bác sĩ

Sau ngày tiếp quản Thủ đô 1954, PGS.BS Đỗ Đình Địch được cử đến công tác tại BV Bạch Mai. Bà Viên Thị Thuận vào làm việc tại Bách hóa Tổng hợp (phố Hàng Bài, Hà Nội).

Theo lời kể của bà Thuận, lấy chồng là bác sĩ nên bà cũng khá vất vả bởi ông thường xuyên phải đi trực. Nhưng ngược lại, bà cũng được chứng kiến nhiều tình cảm ấm áp của bệnh nhân dành cho chồng mình.

{keywords}
Bà Thuận bên người cháu gái thừa hưởng nhiều nét đẹp của bà thời trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Nhà tôi được nhiều người quý mến, cứ sau khi được nhà tôi điều trị khỏi bệnh, họ tìm đến tận nhà để cảm ơn, bất chấp việc chồng tôi từ chối".

Thời đó không có cái “lệ” quà cáp đắt tiền. Họ mang đến biếu bác sĩ những thứ quà quê do nhà có sẵn, như trứng gà, gạo nếp... Mùa Trung thu, họ còn làm cả bánh nướng, bánh dẻo”.

Bà vừa cười vừa kể tiếp: “Câu chuyện khiến chúng tôi ấn tượng mãi, là có một bệnh nhân ở mãi tận Phát Diệm, Ninh Bình. Sau khi thoát căn bệnh hiểm nghèo, người đó biết ơn nhà tôi quá. 

Người đó mang quà đến cảm ơn, chồng tôi từ chối. Chẳng biết người đó hỏi ai và phát hiện ra chồng tôi thích ăn mắm tôm. Thế là mấy ngày sau, mang lên biếu nhà tôi chai mắm tôm. Nhà tôi thích thú và tỏ ra vô cùng cảm động.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Phát hiện “bác sĩ thích ăn mắm tôm” của người bệnh nhân nọ, đã truyền đến tai nhiều người. Vậy là từ đó, cứ bệnh nhân nào ở Phát Diệm, Ninh Bình đến chữa bệnh chỗ nhà tôi, cũng đều kèm quà biếu là một chai mắm tôm.

Khổ, nhiều quá, mắm tôm chứ có phải gạo thóc đâu, ăn làm sao hết được? Nhà tôi phải mang đi cho lại mọi người”. Nói xong, bà cười lớn thành tiếng. Âu cũng là những kỷ niệm dễ thương một thời về một người chồng, người bác sỹ tận tụy.

{keywords}

{keywords}

Đám cưới của vợ chồng bà Thuận. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vẫn theo lời kể của bà Thuận, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng ngày đó, bác sĩ Đỗ Đình Địch vẫn dành thời gian dạy các con học hành và đỡ đần công việc gia đình với vợ.

“Ông ấy là người rất yêu vợ, thương con. Chúng tôi hiếm khi có chuyện cao giọng hay căng thẳng với nhau, dù công việc của tôi ở Bách hóa Tổng hợp lúc nào cũng vất vả, bận rộn”.

Bà nhấn mạnh:“Tôi vào làm từ năm 1960 cho đến lúc nghỉ hưu. Ngày ấy, nói đến làm ở bách hóa, nhiều người vẫn cho là “cao sang”, nhiều người mơ ước đấy, nhưng không như họ tưởng tượng đâu…”.

Ngày nào bà cũng phải dậy sớm, đến cửa hàng cùng các nhân viên khác làm khuân vác các thùng hàng như văn phòng phẩm, vải sợi, đồ dùng gia đình... Làm gì có công nhân chuyên trách bốc dỡ. Công việc cứ chia theo ca, thường ca chiều cứ phải đến 8 giờ tối. Về đến nhà còn con cái, nhà cửa, cơm nước.

“Nhưng ngày đó, phải nói là làm ở Bách hóa Tổng hợp là ghê đấy,“có giá” lắm. Bán hàng theo tem phiếu, hàng hóa thì ít, không phải ai cũng mua được đúng thứ mình cần. Mà thứ mình cần thì lại ít, đôi khi phải bỏ cả tem phiếu vì không có hàng. Thế nên họ đi tìm đến người quen làm trong bách hóa để nhờ vả, cũng sinh ra nhiều chuyện phiền toái lắm.

Chúng tôi, cứ trước giờ bách hóa mở cửa, cả bọn lại khổ sở vì phải giúp những người nhờ vả. Nhiều lần từ chối, đã dẫn đến những hiểu lầm, đôi khi mất cả tình nghĩa bạn bè, người thân. Vì thế, cứ đến ngày lễ ngày Tết, tôi lại phải đi trốn. Không trốn cũng mệt, vì có lúc, hàng chục người tìm đến nhà để nhờ cậy...”, bà chia sẻ.

Cuộc đời của ông bà bác sỹ có tới 5 người con, và các các con đều được nuôi nấng, dạy bảo cẩn thận. Họ đều trở thành những người thành công trên con đường sự nghiệp, người là bác sĩ, người là kỹ sư, nghệ sỹ...

"Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau trong cuộc đời như vậy đến năm 2009, nhà tôi qua đời. Tôi vẫn cất giữ nhiều bức ảnh của ông, của cả gia đình. Những lúc ngồi nhớ lại chuyện xưa, lần giở kỷ niệm, nó cứ như hiện về ngay trước mắt mình...". Bà Thuận nói với giọng lắng lại...

Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy

Bước ngoặt kỳ lạ giúp 'cậu bé chăn bò' thành học giả lừng lẫy

Thuở nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh phải đi chăn bò. 8 tuổi ông đi kéo quạt thuê tại trường Hậu bổ của Pháp ở Đình Yên Phụ… Từ đây cuộc đời ông bước vào một hành trình đầy thăng hoa mà cũng nhiều phần ai oán.

Cái chết bi thương của 'nữ hoàng vũ trường' nức tiếng Sài Gòn

Cái chết bi thương của 'nữ hoàng vũ trường' nức tiếng Sài Gòn

Sở hữu nhan sắc quyến rũ làm say đắm biết bao chàng trai, sống cuộc đời nhung lụa nhưng cuối đời, mỹ nữ nổi tiếng này lại bỏ thân nơi đất khách quê người trong tình trạng nghèo khổ, bệnh tật và đơn độc.

Tình thuở nghèo khó của tỷ phú Sài Gòn và người vợ mồ côi

Tình thuở nghèo khó của tỷ phú Sài Gòn và người vợ mồ côi

Cuộc sống của vợ chồng Lâm sau đó đã khá thoải mái nếu không muốn nói là quá phong lưu. Thế nhưng, nhìn bề ngoài cả 2 vợ chồng vẫn cứ "lùi xùi" như những ngày còn cơ nhỡ...

Tỷ phú Sài Gòn vung nghìn vàng nuôi mỹ nhân và cái kết bất ngờ

Tỷ phú Sài Gòn vung nghìn vàng nuôi mỹ nhân và cái kết bất ngờ

Từ lúc khởi nghiệp đến lúc trở thành tỉ phú, triết lý sống của Trần Thành là cần kiệm và tránh xa những chốn ăn chơi. Có 3 thứ mà ông luôn giữ mình không léo hánh tới là rượu chè, cờ bạc và phụ nữ. Thế nhưng...

Ngọc Trang - Diệu Bình